Tập huấn kiến thức pháp luật về phòng, chống tham nhũng cho các cơ quan báo chí
Ngày 23-7, tại Đà Nẵng, Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Tư pháp phối hợp tổ chức Hội nghị tập huấn kiến thức pháp luật về phòng, chống tham nhũng cho gần 50 lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí toàn quốc. Ông Nguyễn Thành Hưng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông dự Hội nghị.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe TS.Ngô Mạnh Toan, Phó hiệu trưởng Trường đào tạo cán bộ Thanh tra - Thanh tra Chính phủ phổ biến những nội dung cơ bản của việc sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống tham nhũng; Công ước của Liên Hợp quốc về chống tham nhũng; các nghị định của Chính phủ về minh bạch tài sản, thu nhập; trách nhiệm giải trình của cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao; trách nhiệm xã hội trong phòng, chống tham nhũng; chuyển đổi vị trí công tác; chế độ trách nhiệm người đứng đầu; xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng... TS.Ngô Mạnh Toan cho biết, việc sửa đổi lần này của Luật Phòng, chống tham nhũng và các nghị định có liên quan mục đích là để tiếp tục nâng cao chất lượng các thiết chế phòng, ngừa tham nhũng, đặc biệt là làm cho luật đi vào cuộc sống, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra. Vì vậy, những nội dung sửa đổi, bổ sung tập trung vào các vấn đề lớn như: một số quy định về công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; một số quy định về minh bạch tài sản, thu nhập; về trách nhiệm của người đứng  đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra tham nhũng; giải trình của cơ quan Nhà nước; mô hình tổ chức Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng... Ngoài ra, TS.Ngô Mạnh Toan cũng đã làm rõ một số vấn đề về trách nhiệm giải tình, đối tượng minh bạch kê khai tài sản, thu nhập...
 
 Trao đổi về vai trò của báo chí trong công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tham nhũng tại Hội nghị, ông Đỗ Qúy Doãn, nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết: Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách, giải pháp phòng, chống tham nhũng và thực hiện những chủ trương, chính sách đó đã mang lại kết quả bước đầu quan trọng, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ và đánh giá cao. Đối với lĩnh vực báo chí, Đảng, Nhà nước cũng ban hành nhiều văn bản pháp luật, tạo cơ chế pháp lý để hoạt động tiếp cận thông tin, tuyên truyền, phản ánh, đấu tranh phòng, chống tham  nhũng có kết quả. Tuy nhiên, để báo chí góp phần tuyên truyền, đấu tranh phòng, chống tham nhũng thực sự có hiệu quả, cần phải có cơ chế bảo hộ đối với người làm báo trong tác nghiệp, thực thi nhiệm vụ; việc lựa chọn nguồn tin có độ tin cậy cao, nên quy định về người phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí về tiêu cực, tham nhũng...  

MỸ LỘC

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác