Còn nhiều hạn chế vướng mắc về chủ trương, thể chế trong tái cơ cấu đầu tư công
Thực hiện nội dung giám sát việc thực hiện tái cơ cấu đầu tư công doanh nghiệp Nhà nước và hệ thống ngân hàng giai đoạn 2011-2014, ngày 4-8 đoàn giám sát của ủy ban Thường vụ Quốc hội do đồng chí Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã có buổi làm việc với Thường trực HĐND và UBND thành phố.

Không có trở ngại lớn trong xử lý nợ đọng vốn XDCB
 
 Trong những năm qua, thành phố Đà Nẵng đã tích cực và chủ động trong việc huy động các nguồn vốn cho đầu tư phát triển, nhất là vận động xúc tiến các dự án đầu tư từ nguồn vốn ODA. Đáng chú ý là cơ cấu nguồn vốn đầu tư đã có sự thay đổi tích cực, ổn định và bền vững hơn, nguồn thu từ tiền sử dụng đất để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giai đoạn 2012-2014 đã giảm mạnh, bằng khoảng 30-50% so với giai đoạn trước. Trong điều kiện quy mô ngân sách ổn định và tăng thấp, thành phố cũng đã tích cực huy động, tranh thủ các nguồn thu khác để đầu tư các công trình trọng điểm quy mô lớn, huy động sự đóng góp của nhân dân thực hiện phương thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm” trong các dự án chính trang đô thị; huy động các nguồn lực tài trợ, viện trợ của các tổ chức phi chính phủ để đầu tư cho các công trình phúc lợi xã hội, y tế giáo dục và nhân đạo… Mặc dù ngân sách còn khó khăn nhưng thành phố đã chủ động bố trí quản lý vốn đầu tư các dự án, công trình ở các quy mô khác nhau; thực hiện việc cắt, giảm, hoãn, dãn tiến độ các dự án đầu tư công một cách hợp lý; quản lý chặt chẽ nguồn vốn đầu tư, thường xuyên rà soát bố trí thanh toán cho các công trình mộtc cách chặt chẽ. Vì vậy thành phố không gặp trở ngại trong xử lý nợ đọng XDCB. Phần lớn nợ đọng XDCB trên địa bàn thành phố chủ yếu là từ các công trình dự án đang trong giai đoạn bảo hành; hoặc các công trình dự án đã đưa vào sử dụng theo chủ trương bố trí vốn của Trung ương nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành việc thanh toán như Nhà thi đấu thể dục thể thao, Cầu Trần Thị Lý…
 
 Nhìn chung, từ khâu quyết định chủ trương đầu tư, thẩm định phê duyệt thiết kế dự toán đến lựa chọn nhà thầu, giám sát thi công, nghiệm thu được thực hiện chặt chẽ đúng luật,. Việc thực hiện cải cách hành chính trong lĩnh vực này cũng đã góp phần tích cực trong công tác quản lý nguồn vốn. Công tác cấp, thanh toán và quyết toán vốn đầu tư được thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc đảm bảo tính minh bạch, công khai
 
 Tái cơ cấu DNNN: đảm bảo tiến độ thực hiện
 

 Đầu năm 2011, Đà Nẵng còn 7 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thuộc thành phố quản lý. Tiến độ thực hiện sắp xếp đổi mới doanh nghiệp của thành phố đảm bảo yêu cầu quy định. Đến nay, thành phố đã hoàn thành cổ phần hóa, bán toàn bộ vốn nhà ước đối với 1 công ty; 1 công ty đã được phê duyệt phương án cổ phần và chuyển thành công ty cổ phần; 2 doanh nghiệp đang tiến hành các bước để tiếp tục hoàn tất cổ phần hóa trong năm 2014 và đầu năm 2015 theo đúng lộ trình; 3 doanh nghiệp còn lại thuộc đối tượng giữ nguyên 100% vốn nhà nước theo quy định của Chính phủ và các đơn vị này cũng đã hoàn thành việc xây dựng kế hoạch phát triển đến 2015, tầm nhìn 2020. Qua rà soát, các DNNN thuộc thành phố quản lý không có hiện tượng đầu tư ngoài ngành cần phải thoái vốn.
 
 Trong quá trình thực hiện cổ phần hóa DNNN cũng đã xuất hiện nhiều vướng mắc bất cập từ chính sách, gây khó khăn đến tiến độ thực hiện và khuyến khích được việc cổ phần hóa đối với một số doanh nghiệp. Vấn đề này được ông Lê Phước Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, thành viên đoàn giám sát cũng chia sẻ: “Có những doanh nghiệp nhà nước được đầu tư bằng nguồn ngân sách địa phương, một thời là niềm tự hào của tỉnh, nhưng nay khi bắt buộc phải cổ phần hóa, nguồn vốn thu hồi từ việc bán cổ phần lại buộc phải nộp tập trung vào ngân sách do cơ quan trung ương quản lý rồi mới được điều tiết trở lại một phần đã là điều bất hợp lý. Bất hợp lý hơn nữa là trong khi cùng thực hiện chủ trương cổ phần hóa nhưng có địa phương thì được để lại vốn thu hồi, trong khi các địa phương khác phải nộp hết”. Một số đơn vị như Nhà Xuất bản Đà Nẵng, “tiếng” là DNNN nhưng thực chất là một đơn vị thực hiện nhiệm vụ chính trị là chủ yếu, giá trị tài sản, thiết bị, vật tư không đáng kể, mỗi năm chỉ in ấn vài chục đầu sách phục vụ cho các cơ quan nhà nước. Nay cổ phần hóa thì rất khó khăn, đề xuất của thành phố là chuyển đổi thành đơn vị sự nghiệp nhưng chưa được đồng ý. Hoặc doanh nghiệp công ích như Cty TNHH một thành viên cấp nước Đà Nẵng thực hiện nhiệm vụ, tính đủ giá đầu vào nhưng giá đầu ra thì phải do HĐND thành phố quyết định, vì vậy khi cổ phần hóa thì vấn đề này sẽ được tính toán như thế nào?
 
 Về việc tái cơ cấu của hệ thống ngân hàng tại Đà Nẵng, Ngân hàng NN thành phố cho biết, đơn vị này đã phối hợp phối hợp với các ngành liên quan kiểm soát chặt chẽ quá trình cơ cấu lại từng ngân hàng, cuối năm 2013 đã phê duyệt phương án cơ cấu lại cho 8/9 ngân hàng yếu kém, đảm bảo theo đúng tiến độ quy định. Năm 2013, tiền gửi dân cư tăng 14%, nguồn huy động tăng 17% và cơ cấu lại theo hướng tăng nguồn vốn ổn định, giảm mức phụ thuộc vào nguồn vốn điều chuyển từ hội sở; tín dụng được tập trung cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đáng chú ý là số nợ xấu của các ngân hàng trên địa bàn thành phố là 1017,2 tỷ đồng, chiếm 1,8% trên tổng dư nợ, giảm mạnh so với đầu năm 2013 (2142 tỷ đồng, chiếm 4,2% trên tổng dư nợ). Đây là kết quả sau một thời gian tích cực áp dụng nhiều biện pháp của Ngân hàng NN chi nhánh TP rà soát đánh giá thực trạng nợ xấu và tình hình nợ xấu, quyết liệt thanh tra kiểm tra giám sát việc thực hiện cấp tín dụng và phối hợp với cơ quan chức năng xử lý các trường hợp vi phạm.
 
 Thiếu văn bản hướng dẫn
 

 Tại buổi làm việc, các đại biểu đánh giá Đà Nẵng là địa phương có nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả, các quy trình được tiến hành chặt chẽ, đúng tiến độ nên nhiệm vụ tái cơ cấu kinh tế nói chung cũng như việc tái cơ cấu các nguồn lực nói riêng được tiến hành khá thuận lợi. Tuy nhiên trong quá trình đó, không chỉ riêng Đà Nẵng mà nhiều địa phương khác cũng gặp những vướng mắc, hạn chế chủ yếu do các chủ trương, văn bản thiếu đồng bộ của các cơ quan trung ương. Một số văn bản liên quan đến tái cơ cấu đầu tư công như Luật đầu tư công, Luật quản lý vốn đầu tư kinh doanh của nhà nước tại các doanh nghiệp, Luật quy hoạch, Nghị định về quản lý đầu tư trung hạn, Kế hoạch đầu tư trung hạn… chậm được ban hành. Quy trình đầu tư với rất nhiều trình tự thủ tục đã được rà soát theo Đề án 30 nhưng vẫn còn nhiều khiếm khuyết, chưa thiết lập và vận hành hợp lý chặt chẽ và hiệu quả. Một số trường hợp việc triển khai cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước vẫn còn thiếu những thông tin hướng dẫn; có dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng nhưng vẫn còn lúng túng về mô hình quản lý, địa phương xin ý kiến của Bộ chức năng, Bộ cũng lúng túng không hướng dẫn được. Việc đầu tư cho một số ngành, lĩnh vực, nhất là các chương trình mục tiêu cũng chưa hợp lý. Ví dụ đầu tư cho nghiên cứu khoa học công nghệ theo cơ chế đấu thầu công trình, yêu cầu liệt kê tính toán từng loại hóa chất tham gia… nên không khuyến khích được các nhà khoa học. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc Hội Nguyễn Đức Kiên cho biết sẽ phản ảnh những ý kiến của địa phương đến các cơ quan hoạch định chính sách có liên quan và đề xuất Quốc hội quyết định. Mặt khác các địa phương cũng phải xác định mục tiêu, vai trò trách nhiệm của các ngành các cấp trong việc chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ quan trọng này để quyết tâm thực hiện tốt.

LÊ HOA
 

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác