Dự án ECUD góp phần quan trọng vào tiến trình xây dựng thành phố môi trường
Ngày 11-8, Phó Chủ tịch UBND thành phố Phùng Tấn Viết đã có buổi tiếp ông Erik Schweikhardt, Cố vấn trưởng và quản lý dự án của Tổ chức hợp tác quốc tế Cộng hòa Liên bang Đức (GIZ) đến chào từ biệt sau khi kết thúc dự án "Phát triển đô thị Đà Nẵng thân thiện với môi trường và khí hậu" (ECUD) tại Đà Nẵng.

Phó Chủ tịch Phùng Tấn Viết đánh giá cao những đóng góp của ông Erik Schweikhardt trong việc điều hành và quản lý dự án ECUD trong thời gian qua, góp phần quan trọng vào tiến trình xây dựng Đà Nẵng thành thành phố môi trường. Phó Chủ tịch bày tỏ mong muốn ông Erik Schweikhardt sẽ luôn đồng hành, hỗ trợ thành phố Đà Nẵng xây dựng quản lý đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu và xây dựng lộ trình thành phố môi trường hiệu quả, bền vững trong thời gian tới. Về phần mình, ông Erik Schweikhardt đã chân thành cảm ơn chính quyền và nhân dân thành phố đã phối hợp chặt chẽ trong các hợp phần của Dự án ECUD, đồng thời cho biết dù ở trên cương vị nào cũng sẽ cố gắng góp phần tăng cường thúc đẩy mối quan hệ, hợp tác kỹ thuật với thành phố Đà Nẵng

Được biết, dự án ECUD có tổng vốn 2.650.000 Euro do Sở Kế hoạch và Đầu tư làm chủ đầu tư. Trong đó, vốn ODA là 2,5 triệu Euro, vốn đối ứng là 150.000 Euro, được thực hiện từ tháng 1/2010 và kết thúc vào tháng 8/2014. Theo ông Huỳnh Văn Thanh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư, kiêm Giám đốc Ban quản lý Dự án ECUD, nhiều hoạt động của dự án đã mang lại những kết quả nhất định cho thành phố như tổ chức cho cán bộ thành phố tham gia khóa đào tạo về công tác quy hoạch phát triển đô thị và môi trường các thành phố lớn của các nước Đức, Thụy Sỹ; mua sắm các thiết bị quan trắc môi trường, xây dựng các đề án về mạng lưới quan trắc môi trường và lộ trình xây dựng Đà Nẵng – thành phố môi trường, nghiên cứu xây dựng nhà ở ứng phó với biến đổi khí hậu… Đặc biệt, tiểu đề án “Xây dựng mạng lưới quan trắc không khí và nước thành phố Đà Nẵng” đã hỗ trợ các cán bộ  trong công tác theo dõi diễn biến chất lượng môi trường, làm cơ sở để các cấp thẩm quyền đề ra các chính sách làm giảm thiểu các nguồn gây ô nhiễm ảnh hưởng đến sức khỏe con người và môi trường. Ngoài ra, dự án đã hỗ trợ địa phương xây dựng cơ sở dữ liệu khớp nối 2 mô hình thủy lực, giúp Sở Xây dựng có thể quản lý hiệu quả các vấn đề ô nhiễm, ngập lụt; xây dựng Quỹ phát triển cộng đồng với sự tham gia tích cực của người dân tại phường Hòa Hiệp Bắc, trồng hơn 700 cây bàng dọc ven biển để chống chịu với bão, xây dựng Sổ tay hướng dẫn về hoạt động của dự án và hướng dẫn cách xây dựng rào chắn nhà ở trong trường hợp có bão...

CÔNG TÂM

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác