Trao tặng bản đồ quý hiếm cho UBND huyện Hoàng Sa
Sáng 10-1, ông Trần Thắng, Chủ tịch Viện Văn hóa và Giáo dục Việt Nam tại Hoa Kỳ đã trao tặng ảnh gốc tấm bản đồ Partie de la Cochichine của Phillipe Vandermaelen cho UBND huyện Hoàng Sa, thành phố Đà Nẵng.

Theo ông Trần Thắng, đây là bản đồ được trích ra từ phần Châu Á, trong đó bản đồ về Hoàng Sa là có giá trị nhất về địa lý, vị trí pháp lý. Bản đồ này do Hoàng đế Napoleon (Pháp) yêu cầu cho Viện trưởng viện địa lý hoàng gia Pháp làm.

Partie de la Cochinchine thuộc số rất ít bản đồ tính của những thập kỷ đầu thế kỷ XIX đã vẽ một cách tuyệt đối chính xác vị trí (kinh độ, vĩ độ), đặc điểm địa lý, tên gọi phương Tây của các đảo lớn nhất và quan trọng nhất trong quần đảo Hoàng Sa. Bản đồ Partie de la Cochinchine là bản đồ có tính chuẩn xác cao, được chính thức xuất bản sớm không chỉ khẳng định một cách mạnh mẽ, tuyệt đối chủ quyền của Việt Nam ở Paracels (Hoàng Sa), mà còn có đủ cơ sở vững chắc để bác bỏ một cách triệt để lối giải thích mập mờ, tùy tiện mà thực chất là lợi dụng xuyên tạc của một số học giả Trung Quốc rằng Paracels hay Hoàng Sa, Trường Sa chỉ là các đảo ven bờ (như Cù Lao Chàm, Lý Sơn...), còn Tây Sa, Nam Sa của Trung Quốc mới là các đảo ở giữa biển, không có liên quan gì đến Paracels hay Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam.

Tấm bản đồ Partie de la Cochinchine của Phillipe Vandermaelen xét trên mọi khía cạnh đều có thể được coi là một tài liệu vô giá không chỉ giúp nâng cao giá trị khoa học và đích thực của công cuộc tuyên truyền, giáo dục về chủ quyền biển đảo, mà còn là một bằng chứng hùng hồn, hiệu quả và có giá trị pháp lý quốc tế rất cao cho công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc của chúng ta.

Thay mặt Lãnh đạo và người dân thành phố Đà Nẵng, Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa Võ Ngọc Đồng bày tỏ lòng cảm ơn đối với ông Trần Thắng. Ông Đồng đánh giá: “Đây là nghĩa cử cao đẹp mà ông Trần Thắng đã dành cho huyện Hoàng Sa cũng như quê hương Việt Nam, là nguồn động viên cũng như sức mạnh của chúng ta trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền quần đảo Hoàng Sa. Về phần mình, chúng tôi sẽ có trách nhiệm đưa những tư liệu quý giá này đến đông đảo nhân dân và du khách khi Nhà trưng bày Hoàng Sa hoàn thành và đi vào hoạt động, cũng như phát huy hết giá trị pháp lý của tư liệu để phục vụ cho sự nghiệp đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc”.

Được biết, đến nay ông Trần Thắng đã đóng góp tổng cộng 150 bản đồ (gồm 110 bản đồ gốc và 40 bản đồ tái bản), với tổng trị giá là 13.000 USD cho UBND huyện Hoàng Sa. Đây là những bản đồ được xuất bản ở Anh, Ðức, Úc, Canada, Mỹ và Hong Kong trong thời gian 1626-1980, trong đó có 80 bản đồ ghi nhận lãnh thổ cực nam của Trung Quốc là đảo Hải Nam; 50 bản đồ thể hiện Hoàng Sa và Trường Sa nằm sát lãnh thổ VN; 10 bản đồ hàng hải và 10 bản đồ tổng thể châu Á và Đông Nam Á có thể hiện Hoàng Sa và Trường Sa nằm trong vùng lãnh hải của VN.

HIỀN TRANG

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT