20 năm nhìn lại kết quả nghiên cứu và ứng dụng Khoa học công nghệ thành phố Đà Nẵng

Trong 20 năm qua, công tác quản lý nhà nước về Khoa học và công nghệ (KHCN) của thành phố từng bước được đổi mới, cả về cơ cấu tổ chức, cơ chế chính sách, đầu tư tài chính và phương thức quản lý. Các chương trình, đề tài, dự án khoa học công nghệ ngày càng gắn với yêu cầu thực tiễn sản xuất và đời sống, mang lại hiệu quả thiết thực. Có thể nói công tác nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, từng bước khẳng định vai trò và vị thế của khoa học và công nghệ trong sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của thành phố.

20 năm với các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học 

Từ năm 1997 đến nay, thành phố đã triển khai 311 nhiệm vụ KHCN, trong đó có 293 nhiệm vụ cấp thành phố, 05 nhiệm vụ cấp quốc gia và 14 dự án nông thôn miền núi.

Các nhiệm vụ trên được triển khai thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và công nghệ, khoa học y dược, khoa học nông nghiệp, khoa học xã hội và khoa học nhân văn. Trong đó,  các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực khoa học xã hội chiếm tỷ lệ cao nhất (35,7%), tiếp theo là lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ (24,4%), khoa học tự nhiên (17%), khoa học y dược (9,3 %), khoa học nông nghiệp (6,8%) và khoa học nhân văn (6,8%). 

Các tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ KHCN tập trung vào nhóm các Viện, trường, tổ chức KHCN (chiếm  47,6%); tiếp theo là nhóm các Sở, ban, ngành, đoàn thể (chiếm 37,6%) và thấp nhất là nhóm doanh nghiệp (chiếm  14,8%). 

20 năm qua, nhiều chương trình hợp tác về KHCN đã được thành phố chú trọng, trong đó có hai chương trình hợp tác lớn với Bộ Khoa học và Công nghệ và Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã đã huy động được nguồn lực cả về tài chính và nhân lực để thực hiện các nhiệm vụ KHCN cho thành phố Đà Nẵng. 

Chương trình hợp tác với Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam đã phối hợp với thành phố Đà Nẵng triển khai thực hiện 11 đề tài do 08 Viện trực thuộc Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam chủ trì thực hiện tập trung vào các nghiên cứu về các vấn đề liên quan đến tài nguyên nước, vấn đề biến đổi khí hậu, xói lở bồi tụ trên sông Vu gia-Thu Bồn, xử lý môi trường cũng như ứng dụng các tiến bộ KHCN vào đời sống. Chương trình hợp tác với Bộ Khoa học và Công nghệ tập trung vào các nhiệm vụ lớn, mang tính liên ngành, liên vùng, có tính ứng dụng cao, giải quyết những vấn đề cấp bách của thành phố và có ý nghĩa khoa học lâu dài, phục vụ cho sự phát triển bền vững của thành phố, như nghiên cứu các biện pháp ngăn chặn và xử lý cây bìm bìm xâm lấn; nghiên cứu xây dựng các mô hình phục hồi đa dạng sinh học trên cạn và dưới nước tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà; nghiên cứu các biện pháp kiểm soát xâm nhập mặn nước mặt, nước dưới đất cho thành phố Đà Nẵng; nghiên cứu giải pháp quản lý sử dụng tổng hợp tài nguyên nước lưu vực sông Vu Gia – sông Hàn… 

Bên cạnh đó, giai đoạn 1995-2015 cũng là giai đoạn ghi nhận số lượng lớn các dự án thuộc Chương trình Nông thôn miền núi được triển khai thực hiện ở Đà Nẵng với tổng cộng 14 dự án, tổng kinh phí thực hiện là hơn 47 ngàn tỷ đồng. Các dự án được thực hiện tạo cơ sở hình thành và góp phần nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng và phát triển công nghệ sinh học của thành phố; giúp nâng cao trình độ kỹ thuật cho cán bộ kỹ thuật, cán bộ địa phương và người dân về sản xuất nông nghiệp; góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp phù hợp với định hướng phát triển của thành phố. 

Hiệu quả ứng dụng cao của các sản phẩm nghiên cứu

Trong số các nhiệm vụ KHCN được triển khai, có 287 nhiệm vụ KHCN đã được đánh giá nghiệm thu, trong đó có 18 nhiệm vụ được hội đồng khoa học chuyên ngành đánh giá đạt loại giỏi, 232 nhiệm vụ đạt loại khá, 24 nhiệm vụ đạt loại trung bình và 13 nhiệm vụ không xếp loại nghiệm thu (các nhiệm vụ về biên soạn lịch sử, xây dựng các đề án…). 

Nhiều kết quả nghiên cứu đã được ứng dụng vào thực tiễn sản xuất và đời sống phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của thành phố nói chung, các ngành địa phương nói riêng và đem lại hiệu quả rõ rệt.. 

Nhiệm vụ thuộc lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ (69 nhiệm vụ) có hiệu quả ứng dụng tương đối rõ nét và tập trung nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và đời sống. 

Trong đó có các nhiệm vụ được ứng dụng tốt trong công tác quản lý của các Sở, ngành  như việc nghiên cứu các giải pháp xử lý đất yếu đã được Sở Giao thông Vận tải ứng dụng vào thực tiễn công tác quản lý đem lại giá trị làm lợi trên 52 tỷ đồng và đẩy nhanh tiến độ các dự án hoặc việc nghiên cứu các giải pháp ngầm hóa lưới điện và cáp thông tin đã làm cơ sở cho UBND thành phố  ban hành Quy định về quản lý, đầu tư xây dựng công trình điện trên địa bàn thành phố; Các giải pháp giải pháp xử lý ô nhiễm, cải tạo hồ Đảo Xanh và hồ Công viên 29/3 được ứng dụng vào công tác quản lý hệ thống thoát nước… 

Nhiệm vụ thuộc lĩnh vực y dược (27 nhiệm vụ) xuất phát từ nhu cầu cấp thiết  của ngành y tế, đã góp phần ứng dụng kỹ thuật cao trong chẩn đoán và điều trị bệnh, tiêu biểu như: Giải pháp “lọc máu tĩnh mạch-tĩnh mạch liên tục” đã được áp dụng tại Bệnh viện Đà Nẵng; Giải pháp điều trị đột quỵ nhồi máu não cấp tại Bệnh viện Đà Nẵng góp phần cứu sống nhiều bệnh nhân bị đột quỵ; Giải pháp phát hiện và chẩn đoán sớm bệnh tăng huyết áp ẩn giấu hiện đang được áp dụng ở Bệnh viện viện C Đà Nẵng; Các giải pháp chẩn đoán sớm dị tật bẩm sinh thai nhi, trẻ sơ sinh; Bên cạnh đó có các nghiên cứu sản xuất thuốc của Công ty CP Dược Danapha đã phát triển sản phẩm mới có chất lượng tương đương nhưng giá thành thấp hơn thay thế cho thuốc nhập ngoại...

Nhiệm vụ thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên ( 47 nhiệm vụ) chủ yếu tập trung vào điều tra cơ bản, cung cấp cơ sở dữ liệu ban đầu quan trọng về tài nguyên thiên nhiên, môi trường sinh thái của thành phố, làm luận cứ khoa học cho việc xây dựng qui hoạch, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ và sử dụng hợp lý tài nguyên và môi trường. Các đề tài trong lĩnh vực này mặc dù khó đo đếm được hiệu quả cụ thể nhưng có ý nghĩa khoa học lâu dài, cung cấp số liệu phục vụ cho các nghiên cứu về sau.  

Một số kết quả tiêu biểu như: “Điều tra, đánh giá đất làm cơ sở cho việc quy hoạch và chuyển dịch cây trồng phù hợp ở một số xã trọng điểm của huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng” làm cơ sở khoa học để huyện Hòa Vang xây dựng chiến lược khai thác tối ưu nguồn tài nguyên đất đai; “Điều tra, nghiên cứu rạn san hô và các hệ sinh thái liên quan vùng biển từ Hòn Chảo đến Nam đèo Hải Vân và bán đảo Sơn Trà” là cơ sở khoa học giúp cho ngành nông nghiệp, ngành tài nguyên môi trường, ngành du lịch thực hiện công tác của mình (Ứng dụng cụ thể trong Đề án du lịch lặn biển, lặn ngắm San hô của ngành Du lịch, Đề án Bảo vệ san hô và các hệ sinh thái biển khu vực bán đảo Sơn Trà); Hoặc đề tài nghiên cứu về nguồn giống thủy sinh vật có hiệu quả kinh tế cao vùng biển ven bờ Đà Nẵng là cơ sở khoa học quan trọng giúp thành phố có biện pháp, khoanh vùng bảo vệ, quản lý việc đánh bắt thủy hải sản, từ đó UBND thành phố ban hành Kế hoạch Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2016-2020. 

- Các nghiên cứu lĩnh vực khoa học nông nghiệp (19 nhiệm vụ) chủ yếu tập trung vào các nghiên cứu ứng dụng KH&CN phục vụ phát triển nông nghiệp đô thị, đưa vào các đối tượng cây trồng và vật nuôi mới có giá trị kinh tế cao, áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp. 

Kết quả của các nhiệm vụ trong nhóm này đã triển khai các mô hình ứng dụng cụ thể trong thực tiễn sản xuất, qua đó cung cấp các giống cây trồng, vật nuôi mới góp phần cải tạo nguồn giống địa phương (như giống bò lai sind, dê Beetal, dê Jumnamary, thỏ trắng New zeland, các giống tre Điền trúc, nấm sò, nấm linh chi, hoa cúc, hoa Lily …) và hỗ trợ kỹ thuật cho người dân giúp nâng cao trình độ sản xuất. Hiện nay, Sở KH&CN đang tiếp tục phối hợp với các đơn vị triển khai trên địa bàn huyện Hòa Vang các mô hình phát triển các loại cây ăn quả (bưởi da xanh), cây dược liệu (Nghệ vàng, Đinh lăng, Trinh nữ hoàng cung) … để hình thành vùng sản xuất hàng hóa. 

- Các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực khoa học xã hội ( 104 nhiệm vụ) đã góp phần vào việc ban hành chính sách, hoạch định chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, chính quyền trên các lĩnh vực phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội. Tiêu biểu như nhóm nhiệm vụ nghiên cứu về các ngành dịch vụ đã làm cơ sở để UBND thành phố ban hành Đề án “Phát triển dịch vụ thành phố Đà Nẵng đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2020”; Nghiên cứu các giải pháp ngăn chặn tình trạng bạo lực gia đình làm cơ sở để Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố tham mưu Thành ủy Đà Nẵng ban hành Chỉ thị số 25/CT-TU ngày 20/10/2009 về phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn thành phố Đà Nẵng và hình thành các câu lạc bộ, tổ đội, nhóm hoạt động cộng đồng phòng chống bạo lực gia đình...

- Các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực khoa học nhân văn ( 21 nhiệm vụ) chủ yếu nghiên cứu về lịch sử, khảo sát, sưu tầm tư liệu về văn hóa dân gian, văn nghệ, khảo cổ và nghiên cứu về chủ quyền biển đảo quê hương. Kết quả các đề tài là các nguồn tư liệu quý giá, góp phần hạn chế sự mất mát, mai một của các giá trị văn hóa truyền thống, có giá trị lịch sử và giúp gìn giữ, bảo tồn và làm phong phú di sản văn hóa của thành phố. Nổi bật như nghiên cứu phát hiện di tích Chăm tại thôn Quá Giáng 2; Hoặc các tư liệu Hán-Nôm với các loại hình sắc phong quý giá và độc đáo; Đề tài nghiên cứu các tư liệu về quần đảo Hoàng Sa, là các nguồn tư liệu quý phục vụ công tác nghiên cứu và đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước...

Nhìn lại sau 20 năm thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương, ngành KHCN vẫn còn không ít khó khăn, hạn chế, nhưng những thành quả mà ngành  đạt được đã đóng góp tích cực cho sự phát triển chung của thành phố. Các kết quả KH&CN đã gắn với các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội  và có đóng góp vào sự phát triển chung của thành phố. 

Với định hướng tập trung nghiên cứu  ứng dụng và khuyến khích doanh nghiệp tham gia nghiên cứu phát triển sản xuất, phát triển sản phẩm mới, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường, công tác nghiên cứu khoa học sẽ ngày càng có những đóng góp thiết thực hơn cho sự phát triển của thành phố trong những năm tiếp đến.

Thái Bá Cảnh

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT