Ngành Công thương Đà Nẵng, 20 năm xây dựng và phát triển

Đà Nẵng là địa phương có vị trí địa lý thuận lợi, cơ sở hạ tầng phát triển và mối quan hệ đối ngoại rộng mở. Nằm trên các trục giao thương khu vực và quốc tế, kể cả đường liên vận Bắc Nam lẫn hành lang kinh tế Đông Tây, là điều kiện hết sức thuận lợi để Đà Nẵng phát triển mạnh về mọi mặt.

Kế thừa những thành tựu sau 30 năm đổi mới, đặc biệt trong 20 năm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương và 13 năm thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW của Bộ Chính trị; ngành Công thương Đà Nẵng đã trải qua nhiều giai đoạn lịch sử phát triển nhất định. 

Hoạt động công nghiệp, thương mại đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ, tác động tích cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thành phố trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập kinh tế quốc tế.

Giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh 2010) năm 2016 ước đạt 50.500 tỷ đồng, tăng 3 lần so với năm 2005, tăng hơn 8 lần so với năm 1997. Nhìn chung, sản xuất công nghiệp luôn giữ được tốc độ tăng trưởng cao, bình quân thời kỳ 1997-2005 là 14,48%/năm; thời kỳ 2006-2010 là 8,53%/năm và 2011-2016 tăng 11,8%/năm. Sản phẩm công nghiệp ngày càng phong phú, đa dạng. Bước đầu đã hình thành một số sản phẩm chủ lực có qui mô sản xuất lớn, tăng giá trị chế biến sâu và chiếm tỷ trọng cao trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp thành phố như  linh kiện-thiết bị điện, điện tử, quần áo may sẵn, thủy sản chế biến, bia, săm lốp cao su, xi măng,....

Để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, trong những năm qua, ngành Công Thương đã tham mưu UBND thành phố ban hành một số cơ chế, chính sách trên lĩnh vực công nghiệp như Chương trình phát triển các sản phẩm công nghiệp chủ lực, Chương trình khuyến công, Chương trình phát triển công nhân lành nghề, Chương trình xây dựng thương hiệu, Chương trình phát triển sản phẩm lưu niệm du lịch, Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ… Thông qua các chương trình, thành phố đã hỗ trợ doanh nghiệp cải tiến, đổi mới công nghệ, xây dựng hệ thống quản lý chất lượng, xây dựng thương hiệu, đào tạo nghề, nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ… 

Thành phố cũng quan tâm, đầu tư xây dựng tương đối hoàn chỉnh 07 khu, cụm công nghiệp tập trung, với tổng diện tích 1.084,5 ha; tỷ lệ lấp đầy bình quân đạt 85,9% với có 414 dự án, trong đó có 96 dự án đầu tư nước ngoài. Một số dự án có giá trị sản xuất lớn, đóng góp tích cực trong tăng trưởng công nghiệp như Dệt may Hòa Thọ, Dệt may 29/3, Cao su Đà Nẵng, VBL Đà Nẵng, Mabuchi (Nhật bản), điện tử Việt Hoa.... Ngoài ra, đã cơ bản hoàn thành việc xây dựng các hạng mục hạ tầng kỹ thuật thiết yếu Khu Công nghệ cao (diện tích 1.010 ha), thu hút được 03 dự án, trong đó có 02 dự án 100% vốn đầu tư từ Nhật Bản đều thuộc lĩnh vực cơ khí chính xác với tổng vốn đầu tư 70 triệu USD và 01 dự án trong nước. Nhìn chung, cơ sở hạ tầng của các khu công nghiệp đã hoàn thiện, đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất, kinh doanh của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Các ngành dịch vụ phát triển mạnh về quy mô và đa dạng về loại hình với tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ước đạt 12,75%/năm, góp phần thúc đẩy tăng trưởng chung kinh tế thành phố.

Song song với quá trình chỉnh trang đô thị, hạ tầng thương mại trên địa bàn thành phố từng bước được đầu tư đồng bộ; các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tự chọn phân phối theo chuỗi với phương thức mua bán mới, hiện đại văn minh tham gia vào hệ thống phân phối thành phố như: Siêu thị Lotte Mart, Trung tâm Thương mại Parkson, Vincom, Metro Cash & Carry...; hệ thống chợ được quy hoạch lại, xây dựng mới và nâng cấp ở cả thành thị, nông thôn, miền núi và tiếp tục khảo sát, quy hoạch chợ đầu mối gia súc, gia cầm và nông sản đã làm cho văn minh thương mại ngày càng tốt hơn (Hiện thành phố có 06 Trung tâm thương mại, 50 siêu thị và 69 chợ các loại, trong đó có 08 chợ loại I). 

Hoạt động xúc tiến công thương cũng được chú trọng và mở rộng hơn, đóng vai trò lớn trong việc ứng dụng, chuyển giao công nghệ trong sản xuất công nghiệp, tìm kiếm thị trường, giới thiệu cho các doanh nghiệp tham gia các hội chợ quốc tế, đặc biệt là các hội chợ trong khu vực. Hội chợ tổ chức trên địa bàn thành phố và trong nước cũng luôn thu hút đông đảo các doanh nghiệp với chất lượng ngày càng được nâng lên rõ rệt; một số hội chợ đã trở thành hoạt động thường niên, mang tính truyền thống (Hội chợ Xuân, Hội chợ Vietbuild, Hội chợ EWEC, Hội chợ Hàng Việt…)...

Ngoài ra, ngành Công thương đã tổ chức nhiều chương trình hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, “đưa hàng về nông thôn”, phiên chợ hàng Việt và các chương trình khuyến mãi tại các chợ; tháng bán hàng khuyến mại; tuần lễ vàng, các chương trình kết nối cung cầu trên địa bàn thành phố và mở rộng ra phạm vi khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả nước... Thường xuyên tăng cường các biện pháp kiểm tra, kiểm soát thị trường, giá cả, kiểm tra niêm yết giá, bán hàng theo giá niêm yết, kịp thời ngăn chặn hành vi đầu cơ, nâng giá bất hợp lý và kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm, chống buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng; hỗ trợ chi phí bán hàng bình ổn phục vụ Tết, có kế hoạch hướng dẫn doanh nghiệp tổ chức dự trữ, đảm bảo tiêu dùng trong các dịp lễ, tết và mùa mưa bão... Nhờ đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ năm 2016 đạt 76.050 tỷ đồng, tăng gấp 4,1 lần so với năm 2005 và gấp 11,9 lần so với năm 1997, giai đoạn 1997-2005 tăng bình quân11,4%/năm, 2006-2010 là 7,5%/năm  và 2011-2016 tăng 17%/năm.

Hoạt động xuất nhập khẩu có sự phát triển đáng kể. Năm 2013 kim ngạch xuất khẩu hàng hóa thành phố lần đầu tiên vượt ngưỡng 1 tỷ USD, năm 2016 kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1.115 triệu USD, gấp 3,4 lần so với năm 2005 và 7,2 lần năm 1997; tăng bình quân 12,4%/năm giai đoạn 1997-2005, 12,7%/năm giai đoạn 2006-2010 và 14,3%/năm giai đoạn 2011-2016 với thị trường mở rộng trên 120 nước và vùng lãnh thổ; trong đó thị trường Nhật Bản chiếm 35%, Hoa Kỳ 20%; EU 14%; Đông Nam Á 9%, Trung Quốc 4% và các quốc gia khác 18%. Đáng chú ý một số sản phẩm công nghiệp trở thành mặt hàng xuất khẩu chủ yếu như cao su thành phẩm 38,1%, thiết bị điện và sản phẩm điện tử 124,6%. 

Tuy nhiên, nhìn tổng thể, hoạt động công nghiệp, thương mại thành phố còn bộc lộ những tồn tại, hạn chế về mô hình tăng trưởng, thị trường tiêu thụ.  Sản xuất công nghiệp, dịch vụ thương mại phát triển còn chậm, chưa vững chắc, khả năng cạnh tranh còn yếu và dễ bị tổn thương bởi những thách thức đến từ hội nhập kinh tế quốc tế. Công nghiệp hỗ trợ còn nhỏ bé; đa số doanh nghiệp có qui mô nhỏ; trình độ công nghệ phần lớn là yếu và trung bình. Năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý, trình độ tay nghề của đội ngũ công nhân kỹ thuật và người lao động cần được quan tâm đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp. Việc triển khai xây dựng một số hạ tầng thương mại đôi lúc chưa theo kịp hoặc nằm ngoài Quy hoạch. Chưa huy động được nhiều nguồn lực lớn để đầu tư xây dựng hạ tầng thương mại theo phương thức xã hội hóa. 

Để xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những đô thị lớn của cả nước, là trung tâm kinh tế-xã hội lớn của miền Trung với vai trò là trung tâm công nghiệp, thương mại du lịch và dịch vụ như Nghị quyết 33 và gần đây nhất Kết luận 75 của Bộ Chính trị đã xác định, trong thời gian đến, ngành Công Thương Đà Nẵng tập trung vào các mục tiêu và giải pháp chính sau:

- Phấn đấu đến năm 2020, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 10,5-11,5%/năm, kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 15-16%/năm theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XXI đề ra. 

- Tập trung phát triển công nghiệp có chọn lọc, tập trung vào những ngành hàng và sản phẩm sử dụng công nghệ hiện đại, kỹ thuật tiên tiến, chú trọng công nghệ cao, thân thiện với môi trường như: sản phẩm thiết bị điện, điện tử, dược, phần mềm tin học, vật liệu mới, công nghiệp cơ khí chế tạo, cơ khí chính xác... Phát triển công nghiệp công nghệ thông tin trở thành ngành kinh tế quan trọng của thành phố. Thúc đẩy phát triển mạnh công nghiệp hỗ trợ, coi trọng cả công nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu và tiêu dùng nội địa. Triển khai tổ chức thực hiện Điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp đến 2020 tầm nhìn đến 2030; Đề án phát triển thương hiệu cho sản phẩm công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp ưu tiên của thành phố Đà Nẵng đến năm 2020, chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ, chính sách khuyến công thành phố Đà Nẵng. Tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; phối hợp các đơn vị có liên quan thu hút những dự án đầu tư lớn vào Khu Công nghệ cao của thành phố.

- Đẩy mạnh thực hiện Đề án phát triển dịch vụ đến năm 2020, trong đó chú trọng triển khai nhanh các Đề án đã được phê duyệt.. Đầu tư phát triển nhanh cơ sở vật chất kỹ thuật thương mại theo Quy hoạch phát triển một số ngành dịch vụ đã được phê duyệt; chú trọng phát triển mạng lưới bán buôn, bán lẻ; hình thành các Trung tâm Thương mại, khu mua sắm lớn, các khu phố chuyên doanh. Khuyến khích doanh nghiệp phát triển mạng lưới các siêu thị bán buôn, bán lẻ, cửa hàng tự chọn tại các khu vực nông thôn hoặc các siêu thị nhỏ (mini) tại các khu vực đông dân cư. Xây dựng lại các chợ theo quy hoạch, thực hiện tốt chủ trương của thành phố về xóa bỏ các chợ tự phát, xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh thương mại tại các chợ. Đầu tư xây dựng chợ Đầu mối gia súc, gia cầm, nông sản thành phố Đà Nẵng tại xã Hòa Phước; chỉnh trang phát huy tốt công suất của chợ Đầu Mối Hòa Cường, đồng thời kêu gọi đầu tư nâng cấp lại chợ Cồn, chợ Hàn.

- Tham mưu xây dựng chính sách nhằm thúc đẩy phát triển hệ thống tổng kho bãi logistic, kho dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ cho xuất khẩu và hàng hóa nội địa… để thu hút các nhà đầu tư thuộc các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia đầu tư. Triển khai hiệu quả Chương trình xúc tiến thương mại trọng điểm của thành phố, Kế hoạch phát triển Thương mại điện tử giai đoạn 2016-2020. Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng website để giao dịch mua bán trao đổi hàng hóa trên mạng. Tăng cường các hoạt động liên kết phát triển giữa các địa phương trong vùng, các thành phố lớn và cả nước.

- Theo dõi, dự báo, nắm bắt được nhu cầu tiêu dùng và biến động của thị trường, đề xuất các giải pháp đảm bảo cân đối cung - cầu phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân, không để xảy ra tình trạng sốt giá, tăng giá đột biến. Tăng cường giám sát, kiểm tra, ngăn chặn các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, vệ sinh an toàn thực phẩm; kiểm tra việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết.

- Đẩy mạnh việc đào tạo, thu hút nguồn nhân lực có chuyên môn cao phục vụ cho sự nghiệp CNH - HĐH thành phố; có chính sách thu hút và phát huy trình độ, năng lực của cán bộ, chuyên viên, công nhân tại chỗ có chuyên môn, tay nghề cao. Đẩy mạnh công tác đào tạo và phát triển công nhân lành nghề. Tăng cường liên kết, đào tạo giữa các doanh nghiệp với các trường, các trung tâm đào tạo nghề theo các cấp độ đào tạo, gắn kết giữa đào tạo trong nước và gửi đi đào tạo nước ngoài.

Những thành tựu và kết quả ngành Công thương đạt được trong hai mươi năm qua là niềm tự hào, là sự cổ vũ để mỗi cán bộ công chức, viên chức, người lao động vượt qua thách thức, nắm bắt thời cơ, phát huy truyền thống và quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Ngành. Đồng thời góp phần vào việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Đà Nẵng lần thứ XXI, để Đà Nẵng xứng đáng là Trung tâm kinh tế động lực của Miền Trung - Tây Nguyên với vai trò là trung tâm thương mại du lịch và dịch vụ trong thời gian không xa.

Phan Văn Kha

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT