An toàn thực phẩm đối với sức khỏe người tiêu dùng
Đăng ngày 11-05-2017 17:30, Lượt xem: 1946

Ngày 10-5, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố phối hợp với Sở Công thương, Sở NN&PTNT và Sở Y tế tổ chức Hội thảo “An toàn thực phẩm đối với sức khỏe con người” nhằm hướng tới sức khỏe người tiêu dùng trên địa bàn thành phố.

“Vấn đề sử dụng hóa chất trong chế biến thực phẩm; quản lý thực phẩm tại các chợ, kinh doanh rượu bia và các sản phẩm nông – lâm – thủy sản đã qua chế biến; công tác phòng chống ngộ độc thực phẩm, quản lý thức ăn đường phố...”, là những vấn đề chính được đề cập tại Hội thảo.

Người dân hiện nay chưa an tâm về an toàn thực phẩm

Ông Huỳnh Phước, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH&KT TP cho biết, trong năm 2016, kết quả thanh tra của ngành NN&PTNT TP Đà Nẵng đã phát hiện 20/27 mẫu măng và dưa cải có chứa chất Vàng ô, 9/10 mẫu chả thịt có chứa chất phụ gia bảo quản thực phẩm Natribenzoat,...; lực lượng Quản lý thị trường (Sở Công thương) qua kiểm tra đã phát hiện 519 vụ vi phạm về an toàn thực phẩm (ATTP), xử phạt với tổng số tiền hơn 1,3 tỷ đồng; phòng Y tế quận Hải Châu đã kiểm tra hơn 1.000 cơ sở, phát hiện 50 điều kiện vệ sinh và môi trường chế biến chưa đảm bảo… 

“Việc quản lý ATTP vẫn chưa đạt được như mong đợi và nhân dân vẫn chưa an tâm về ATTP. Hạn chế lớn nhất trong công tác quản lý ATTP là việc xử phạt thiếu tính răn đe... Do vậy tình trạng vi phạm ATTP trong sản xuất, kinh doanh, việc sử dụng các chất bảo vệ thực vật, chất tăng trưởng, phụ gia bị lạm dụng không đúng thành phần, quy trình... đang là vấn đề xã hội rất quan tâm. Vấn đề ATTP là rất lớn, có ý nghĩa sâu rộng không chỉ về mặt kinh tế, về an dân và an sinh xã hội mà còn mang tính nhân văn sâu sắc”, ông Huỳnh Phước nhấn mạnh.

Theo ông Nguyễn Tiên Hồng, Phó Giám đốc Sở Y tế, việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực phẩm trong trồng trọt; sử dụng chất cấm, chất bảo quản, phụ gia thực phẩm không cho phép trong sản xuất, chế biến thực phẩm, trong chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản làm cho nguy cơ thực phẩm bị nhiễm bẩn ngày càng tăng. 

Bên cạnh đó, quy trình sản xuất, chế biến, giết mổ không đảm bảo vệ sinh, không tuân thủ theo đúng quy định là nguy cơ làm cho thực phẩm bị nhiễm bẩn. Các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc, thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng vẫn còn trôi nổi trên thị trường khó kiểm soát hết được... 

Ngoài ra, công tác thanh tra, kiểm tra chưa đạt được chất lượng theo yêu cầu; các địa phương thì thiếu nhân lực, thiếu thiết bị cho hoạt động này; Việc xử lý vi phạm về VSATTP chưa thực sự nghiêm khắc... Từ những thách thức, tồn tại trên cho thấy công tác phòng chống ngộ độc thực phẩm còn gặp nhiều khó khăn, phức tạp, nguy cơ tiềm ẩn xảy ra ngộ độc thực phẩm là rất lớn.

Bà Lê Thị Thái Dương, Phó Chủ tịch UBMTTQVN TP cho rằng, hiện nay người dân vẫn chưa an tâm về VSATTP. Bởi, các loại thực phẩm sản xuất, nuôi trồng, chế biến trong nước và nhập khẩu ngày càng nhiều và đa dạng chủng loại nhưng việc quản lý nhà nước và tính chấp hành pháp luật của một bộ phận nhân dân chưa cao nên nguy cơ tiềm ẩn mất VSATTP phổ biến. 

Theo điều tra của Cục Y tế dự phòng và môi trường Việt Nam, hằng năm có hơn 5.000 trường hợp nhiễm độc hóa chất bảo vệ thực vật phải cấp cứu tại bệnh viện và có hơn 300 trường hợp tử vong (do ngộ độc cấp tính) vì lượng hóa chất tồn đọng quá cao trong thực phẩm... 

Tăng cường công tác thanh tra kiểm tra

Bà Lê Thị Thái Dương cho rằng, để bảo vệ sức khỏe nhân dân, các cấp, ngành, địa phương tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành luật VSATTP, đấu tranh lên án các hành vi vi phạm VSATTP, phát giác, tố giác các biểu hiện sai phạm VSATTP đến cơ quan chức năng xử lý. Đồng thời, các cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành và liên ngành, biểu dương các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến chấp hành tốt và nghiêm trị các cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm về VSATTP...

Theo GS.TS Đào Hùng Cường – Chủ tịch Hội hóa học Đà Nẵng, mặt trái của hóa chất là độc hại. Hóa chất dùng để bảo vệ thực vật, bảo quản thực phẩm lại càng độc hại. Do vậy, cần xem các hóa chất dùng bảo vệ thực vật, bảo quản thực phẩm là chất độc hóa học – một mặt hàng kinh doanh có điều kiện đặc biệt. Và người buôn bán, lưu thông, lưu trữ, sử dụng tràn lan mà không cần có chứng chỉ đào tạo, không có chuyên môn nghiệp vụ như hiện nay một mặt gây khó khăn rất lớn cho các nhà quản lý, mặt khác tạo điều kiện hết sức thuận lợi để các chất độc phát tán ra môi trường, gây ô nhiễm đến VSATTP. 

 “ Cần siết chặt hơn nữa điều kiện đối với người kinh doanh buôn bán, lập các tổ, nhóm tự quản hóa chất bảo vệ thực vật, bảo quản thực phẩm trong từng thôn, xóm có thể là một giải pháp tăng thêm tính hiệu quả sử dụng và giảm thiểu sự ô nhiễm, mất an toàn của loại mặt hàng này. Đồng thời tăng cường quản lý thực phẩm tại nguồn, khuyến khích người nuôi trồng ý thức giữ gìn thực phẩm sạch, hạn chế các dự án tác động xấu đến môi trường và điều cực kỳ quan trọng là phải chia sẻ lợi ích nhiều hơn cho người nuôi trồng”, GS.TS Cường nhấn mạnh.

HIỀN TRANG
 

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác