Báo cáo giám sát chuyên đề Quy hoạch thành phố  
Đăng ngày 05-07-2017 22:36, Lượt xem: 4253

Tại phiên họp buổi chiều ngày 5.7, HĐND thành phố đã nghe và thảo luận về kết quả giám sát chuyên đề của Thường trực HĐND thành phố về công tác xây dựng bố trí và sử dụng chung cư và Công tác lập tổ chức thực hiện và quản lý quy hoạch đô thị trên địa bàn thành phố . Đây là lần đầu tiên công tác giám sát chuyên đề được Thường trực HĐND  thực hiện một cách bài bản, đi sâu vào nội dung vấn đề, có một báo cáo chất lượng cao được kỳ họp và cử tri đánh giá cao. Cổng TTĐT thành phố xin lược trích một số nội dung quan trọng trong báo cáo này.

Thay mặt đoàn giám sát, ông Tô Văn Hùng, Trưởng ban Đô thị HĐND đã trình bày báo cáo đánh giá về  công tác lập, tổ chức thực hiện và quản lý quy hoạch đô thị. Theo báo cáo, trong thời gian qua công tác này đảm bảo đúng định hướng, đáp ứng cơ bản các chỉ tiêu kinh tế, văn hóa và xã hội. Các khu vực chức năng phát triển đúng hướng, ranh giới đô thị mở rộng gần 4 lần, từ một đô thị với diện tích khu vực nội thành khoảng 5.600 ha, đến nay ranh giới nội thành đô thị đã mở rộng đến hơn 21.000 ha. Khu vực đô thị trung tâm được đầu tư đồng bộ trên địa bàn 6 quận, cải thiện đáng kể so với năm 2003; một phần đất nông nghiệp, đồi núi huyện Hòa Vang được chuyển thành đất đô thị. Việc mở rộng đô thị đã tạo thêm không gian ở và khai thác quỹ đất, xây dựng đô thị hoàn chỉnh, có cấu trúc hài hòa; công tác quản lý đô thị được chú trọng, hạ tầng được đầu tư khá đồng bộ theo hướng hiện đại; tốc độ đô thị hoá rất nhanh, nhưng đảm bảo trật tự, có kế hoạch và có sự kiểm soát.Sau hơn 10 năm kể từ khi xếp hạng đô thị loại I, kiến trúc đô thị Đà Nẵng đã mang dáng dấp của một đô thị văn minh, hiện đại, sạch đẹp, được người dân địa phương và du khách đánh giá cao, đặc biệt là về hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội được chú trọng đầu tư. Điều kiện vệ sinh môi trường được cải thiện rõ rệt, các khu dân cư được quy hoạch khang trang, vấn đề thoát nước mưa và nước thải sinh hoạt những năm trước đây là nỗi lo thường trực của người dân nhiều khu vực nay đã được giải quyết cơ bản. Nếu như khi mới chia tách tỉnh, giao thông thành phố chỉ vỏn vẹn hơn 100 con đường được đặt tên với tổng chiều dài gần 300 kmvà 02 cây cầu nối hai bờ sông Hàn, thì đến nay toàn thành phố có hơn 2.000 con đường với 1.235,56 km, trong đó đường trong khu vực đô thị là 930,6 km (chiếm 75% toàn mạng lưới) và 42 cầu (chiều dài hơn 25m).

Nhiều công trình trọng điểm đã triển khai, đưa vào vận hành; Hệ thống giao thông đầu mối như sân bay, bến cảng, ga đường sắt và đường quốc lộ đều được nâng cấp xứng tầm. Công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của thành phố được thực hiện đúng quy định và ngày càng hoàn thiện. Kết quả thực hiện các chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất đến năm 2015 cơ bản đạt yêu cầu đề ra, đáp ứng được các nhu cầu đất đai để phát triển kinh tế, không gian đô thị, xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đáp ứng nhu cầu đất đai cho các ngành, các cấp của thành phố .

Kết quả chỉnh trang đô thị từ năm 1997 đến nay đã thu hồi đất, giao đất và cho thuê đất để triển khai hơn 1.300 dự án, tổng diện tích hơn 17.000 ha; bố trí tái định cư cho hơn 110.000 hộdân có liên quan đến giải tỏa. Công tác quy hoạch đáp ứng cơ bản điều kiện phát triển hạ tầng xã hội và tăng trưởng du lịch vượt bậc. Chính sách an sinh xã hội luôn được chú trọng. Các hộ dân tái định cư từng bước ổn định cuộc sống, được sống trong môi trường mới có dịch vụ xã hội tốt hơn.

Những thành tựu đạt được trong công tác quy hoạch xây dựng thời gian qua đã giúp cho Đà Nẵng có tầm vóc mới về không gian, chất lượng đô thị và đang là môi trường hấp dẫn cho các nhà đầu tư. Ngoài ra, chính sách tạo vốn từ khai thác quỹ đất, với trên 40.000 tỷ đồng là nguồn lực quan trọng thúc đẩy quá trình phát triển đô thị, trong đó cơ bản hệ thống hạ tầng được đầu tư khá đồng bộ, là tiền đề quan trọng cho thành phố phát triển vượt bậc trong thời gian qua và là nền tảng phát triển bền vững trong tương lai.

Bên cạnh những kết quả đạt được, báo cáo cho rằng do sự tác động từ quá trình đô thị hóa cao và tốc độ phát triển nhanh, công tác lập, tổ chức thực hiện và quản lý quy hoạch đô thị trên địa bàn vẫn tồn tại một số bất cập cần phải khắc phục. Theo đó,  Công tác lập quy hoạch chưa thực hiện nghiêm theo quy định của Luật Quy hoạch đô thị, chưa tuân thủ đầy đủ tiêu chuẩn quy hoạch đô thị và các quy chuẩn ngành có liên quan. Đơn cử như  tiến độ triển khai đồ án quy hoạch phân khu chậm so với quy định, trong khi đó đồ án quy hoạch chi tiết cơ bản đã thực hiện rộng khắp trên toàn thành phố; một số đồ án quy hoạch chưa tuân thủ đồ án quy hoạch chung,một số quy hoạch khu ở không đúng các quy định tại QCXDVN 01: 2008/BXD, quy hoạch chi tiết các khu vực đặc thù hầu hết chưa có nội dung thiết kế đô thị. Đồng thời do áp lực về bố trí tái định cư nên một số đồ án đã điều chỉnh quy hoạch nhiều lần theo hướng sử dụng các lô đất được quy hoạch là công trình công cộng để chia lô tái định cư. Do vậy, quy hoạch chi tiết 1/500 thường xuyên được điều chỉnh tăng diện tích đất ở, giảm diện tích công trình hạ tầng kỹ thuật - xã hội và cây xanh dẫn đến dự án sau được thực hiện không đảm bảo quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật xây dựng, thiếu diện tích cây xanh, mặt nước, công viên và các công trình phúc lợi công cộng.

 Chất lượng sản phẩm quy hoạch chưa bảo đảm tính khoa học, thống nhất, đồng bộ, liên kết và khả thi; hiệu lực, hiệu quả công tác tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt, công bố, thực hiện, quản lý và giám sát quy hoạch còn quá nhiều bất cập. Một số biểu hiện cụ thể như giải pháp quy hoạch không tận dụng điều kiện địa hình tự nhiên nên nguy cơ phá vỡ cấu trúc hệ thống cảnh quan tự nhiênđặc biệt là các dự án thuộc phía Tây thành phố (khu công nghệ cao, khu CNTT tập trung, các dự án tái định cư…); khớp nối hạ tầng kỹ thuật chưa đảm bảo cùng với việc san lấp ao hồ gây tình trạng ngập úng cục bộ ; Các đồ án quy hoạch khu ở của thành phố phần lớn đều chọn hình thức thấp tầng, phát triển theo chiều rộng, quy hoạch thiên về phân lô nhỏ, chú trọng hiệu quả kinh tế nên không gian đô thị nhìn chung còn đơn điệu; việc thực hiện/triển khai quy hoạch còn tùy tiện, thêm bớt, thay đổi, tỉ lệ đồ án sau phê duyệt phải điều chỉnh là khá lớn, bình quân 43,8% . Đặc biệt, tính công khai, minh bạch, tính nhân dân trong hoạt động quy hoạch chưa được chú ý, còn làm chiếu lệ;

 Thực hiện quy hoạch ngành/lĩnh vực còn mang tính hình thức, thiếu đồng bộ, chưa có tính kết nối hệ thống  dẫn đến nhiều bất cập về hạ tầng kỹ thuật đô thị như giao thông, cấp thoát nước; về quản lý môi trường …Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn nhiều bất cập, quản lý sử dụng đất đai còn nhiều hạn chế; hiệu quả kinh tế từ khai thác tài nguyên đất đai còn thấp, thiếu bền vững; Quy hoạch, đầu tư phát triển đối với lĩnh vực văn hoá, xã hội chưa tương xứng với mục tiêu đã đề ra; công tác bảo tồn di tích lịch sử, di sản văn hóa, bản sắc đô thị có lúc bị xem nhẹ, việc bảo vệ hệ thống cảnh quan tự nhiên chưa được chú trọng.

Đầu tư trong lĩnh vực văn hóa không đồng bộ, thiếu quy hoạch chiến lược mang tính tổng thể, chưa đáp ứng hoạt động văn hóa quy mô lớn ở địa bàn. Đà Nẵng là một thành phố lớn trực thuộc Trung ương nhưng chưa có Quảng trường trung tâm, Trung tâm Văn hóa thành phố phải nhiều lần di dời, đến nay vẫn chưa có trụ sở hoạt động ổn định; hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở chưa được đầu tư đồng bộ; công viên, khu vui chơi giải trí, nhà sinh hoạt cộng đồng là những bức xúc thường xuyên được người dân phản ánh tại các cuộc tiếp xúc cử tri. Chủ trương xã hội hóa, đổi mới quản lý trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục thể thao đạt kết quả chưa cao.

Các chủ trương chính sách liên quan đến công tác đảm bảo an sinh xã hội chưa phát huy hiệu quả lâu dài, trong quá trình chỉnh trang đô thị, chuyển đổi mục đích sử dụng đất dẫn đến tình trạng người dân mất đất sản xuất, không có việc làm hoặc việc làm không ổn định làm xuất hiện nhóm hộ nghèo mới, chệnh lệch giàu nghèo còn khá cao.

Hoạt động kiểm tra, thanh tra chưa thường xuyên; trong đó trách nhiệm của Hội đồng nhân dân chưa phát huy hết vai trò giám sát theo luật định đối với lĩnh vực quy hoạch, sử dụng và quản lý đất đai. Việc phân cấp, phân quyền quản lý kiểm soát cho các quận huyện, nhất là việc kiểm tra thường xuyên định kỳ, đột xuất chưa rõ ràng, tính hiệu lực, hiệu quả chưa cao; tình trạng xây dựng trái phép, không phép, không tuân thủ các quy định của pháp luật, để lại nhiều hậu quả; tự ý thay đổi quy hoạch, đồ án, thiết kế…xảy ra khá nhiều. Hoạt động giám sát, quản lý sử dụng đất đai là một trong những nhiệm vụ quan trọng của HĐND theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên việc thực thi nhiệm vụ nhìn chung vẫn chưa chặt chẽ, còn mang tính thủ tục, cụ thể như việc thông qua quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương hằng năm do UBND trình tại các kỳ họp hầu hết đều được nhất trí thông qua, trong khi đó việc thẩm tra tính khả thi các dự án có thu hồi đất hay đánh giá hiệu quả của việc chuyển đổi đất nông nghiệp thực hiện dự án phần lớn còn bỏ ngỏ; Công tác kiểm tra, thanh tra chưa sâu sát nên xảy ra nhiều sai phạm; chức năng giám sát và phản biện xã hội đối với hoạt động quy hoạch của UBMTTQVN, các hội nghề nghiệp còn rất hạn chế.

Nguyên nhân của những tồn tại và bất cập nêu trên đó là:  Thứ nhất, chiến lược phát triển đô thị thiếu nhất quán; thiếu sự kiên định trong quá trình tổ chức thực hiện quy hoạch, chịu tác động của tăng trưởng nóng của thị trường bất động sản và chưa chú trọng tầm nhìn dài hạn.

Thứ hai, chưa tiếp cận các phương pháp quy hoạch, mô hình xây dựng đô thị tiên tiến của thế giới (Quy hoạch chiến lược, quy hoạch hành động, quy hoạch có sự tham dự của cộng đồng, mô hình đô thị nén, mô hình sinh thái, đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng-TOD…).

Thứ ba, năng lực trong công tác lập, tổ chức thực hiện và quản lý quy hoạch nhìn chung chưa đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh của đô thị; công tác thẩm tra, thẩm định và phê duyệt quy hoạch chưa chặt chẽ, không đảm bảo đầy đủ các quy trình.

Thứ tư, thiếu tính hệ thống trong quá trình tổ chức, thực hiện và quản lý quy hoạch ngành/lĩnh vực; làm quy hoạch cho có, quy hoạch nhiều nhưng không phát huy hiệu quả.

Thứ năm, công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát không thường xuyên, còn tình trạng buông lỏng; chưa ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý quy hoạch và xây dựng đô thị.

Thứ sáu, hệ thống luật pháp về quy hoạch chưa hoàn thiện, nhiều văn bản còn chồng chéo, chưa phù hợp với thực tiễn dẫn đến khó khăn khi áp dụng.Các văn bản quy định về quy hoạch và thiết kế đô thị nhiều song vẫn còn chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ, thiếu tính thống nhất dẫn đến hiệu lực pháp lý còn thấp.

Trước yêu cầu thực tiễn, công tác quy hoạch cần chú trọng đổi mới toàn diện, đặc biệt là việc tích hợp các quy hoạch chuyên ngành với quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị. Hướng đến phát triển bền vững, sản phẩm quy hoạch đô thị cần thể hiện tính chiến lược, tăng cường sự điều tiết vĩ mô của Nhà nước, trách nhiệm cộng đồng và đặt trong hệ thống phối hợp toàn diện. Do đó, để làm tốt công tác lập, thực hiện và quản lý quy hoạch đô thị trong thời gian đến, Đoàn giám sát kiến nghị một số nội dung  về công tác lập, tổ chức thực hiện và quản lý quy hoạch đô thị .  Trong đó kiên trì nguyên tắc xuyên suốt là quản lý và phát triển đô thị phải phù hợp quy hoạch đô thị đã được phê duyệt. Thành phố cần xác định rõ định hướng phát triển trong mối tương quan tổng thể của vùng và quốc gia. Từ đó, đề ra các chương trình phát triển đô thị, chiến lược phát triển nhà ở, các khu vực phát triển đô thị để ưu tiên tập trung nguồn lực đầu tư đảm bảo đồng bộ theo lộ trình.

Rà soát, điều chỉnh quy hoạch đảm bảo đúng quy định và phù hợp với thực tiễn phát triển của thành phố. Hiện nay thành phố đang tiến hành lập Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trên cơ sở đó, UBND thành phố tiếp tục triển khai điều chỉnh quy hoạch xây dựng đô thị, quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất; Giao các sở, ngành, quận/huyện triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Quy hoạch phát triển các ngành/lĩnh vực. Hoàn thành việc điều chỉnh đồ án quy hoạch chung của thành phố trong năm 2018.

Báo cáo cũng đưa ra các đề xuất cụ thể về phát triển vùng, vận dụng các mô hình “đô thị nén” đối với khu vực Trung tâm thành phố, mô hình “thành phố vườn”, “đô thị sinh thái” thích hợp cho khu vực phía Tây thành phố…  Cân đối đất đai và cơ sở vật chất cho các hoạt động kinh tế - xã hội đô thị đáp ứng cho các thời kỳ phát triển đô thị ngày càng cao, vừa đảm bảo mật độ tiện nghi cần thiết và quỹ đất cho các hoạt động khác; cân bằng được các giá trị văn hóa, lịch sử, xã hội và dịch vụ đô thị thiết yếu, đặc biệt cần quan tâm công tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trên địa bàn thành phố.

- Đối với đồ án quy hoạch phân khu (thực hiện theo Luật Quy hoạch đô thị): cần được điều chỉnh sau khi điều chỉnh quy hoạch chung tạo điều kiện thuận lợi trong quản lý đầu tư, giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất vào mục đích phát triển đô thị. Cụ thể hóa việc thiết kế và thực thi về cảnh quan đối với các tuyến ven sông, ven biển; tích hợp quy hoạch ngành, quy hoạch không gian ngầm, hệ thống giao thông tĩnh, hệ thống quảng trường và các không gian mở đô thị, hệ thống thiết chế văn hóa trong các đồ án phân khu;

Quá trình lập và điều chỉnh đồ án quy hoạch phải lấy ý kiến người dân được quy định cụ thể tại Điều 20 và Điều 21 Luật Quy hoạch đô thị 2009; Cần tăng cường vai trò giám sát của HĐND các cấp nhằm đảm bảo công tác tổ chức thực hiện quy hoạch theo đúng luật định.

 Nâng cao hiệu quả quản lý trong lĩnh vực quy hoạch đô thị theo hướng văn minh, hiện đại và bền vững. Cụ thể là hoàn thiện bộ máy quản lý về đô thị ở các cấp, đặc biệt là cấp cơ sở; Phân cấp quản lý cho các quận huyện theo quy định của pháp luật. Tách bạch rõ chức năng quản lý Nhà nước và chức năng dịch vụ tư vấn kỹ thuật và quản lý dự án trên lĩnh vực quy hoạch, kiến trúc và xây dựng cơ bản. Phát huy hiệu quả hội đồng tư vấn quy hoạch kiến trúc, UBMTTQVN, các hiệp hội nghề nghiệp để phản biện các đồ án quy hoạch, kiến trúc có yêu cầu cao về chất lượng;

Về thể chế chính sách, pháp luật: Rà soát các chính sách và văn bản quy phạm pháp luật hiện hành,  xem xét điều chỉnh hoặc đề xuất, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung phù hợp; Tổ chức tổng kết, đánh giá việc thực hiện chương trình “3 có”, trong đó chú trọng việc giải quyết việc làm cho người có đất bị thu hồi để bổ sung, điều chỉnh những nội dung quy định liên quan việc hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm, ổn định cuộc sống của người dân sau tái định cư;  Vận dụng phương án tái định cư đền bù tiền theo giá thị trường để nhân dân tự lo tái định cư là hạn chế đầu tư thêm quỹ đất ở để tái định cư, sử dụng hết quỹ đất tái định cư hiện có và thúc đẩy thị trường bất động sản; Dự án ngoài ngân sách của các nhà đầu tư thì ưu tiên tự thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư được quy định tại Nghị định 11/2013/NĐ-CP ngày 14/01/2013;

- Rà soát năng lực của nhà đầu tư, sự phù hợp với quy hoạch chung của từng dự án để xử lý, giải quyết dứt điểm tình trạng dự án “chậm triển khai”. Xây dựng kế hoạch và có lộ trình giải quyết dứt điểm tình trạng đất nông nghiệp không sản xuất được, đất tái định cư chưa được bố trí sử dụng, ngập úng cục bộ khu dân cư do khớp nối hạ tầng không đảm bảo.

CỔNG TTĐT TP 

 

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác