Kỳ vọng đầu tư du lịch và hạ tầng
Đăng ngày 14-10-2017 10:25, Lượt xem: 1985

Chiều nay 14 - 10, tại Trung tâm hội nghị Ariyana (đường Võ Nguyên Giáp, Q.Ngũ Hành Sơn, TP.Đà Nẵng) diễn ra 2 hội nghị chuyên đề quan trọng trước phiên chính thức Diễn đàn Đầu tư Đà Nẵng 2017.

Quả trứng vàng du lịch

Tại hội nghị Thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch, lãnh đạo ngành và các doanh nghiệp cùng phân tích, thảo luận nhằm tháo gỡ các vấn đề để thúc đẩy ngành kinh tế được xác định là mũi nhọn của Đà Nẵng.

Theo Sở Du lịch, những năm qua du lịch được ví như “con gà đẻ trứng vàng”, góp phần đặc biệt quan trọng làm thay đổi diện mạo, phát triển thành phố, tăng việc làm và thu nhập người dân. Bình quân giai đoạn 2011 – 2015, du khách tăng 20,1%/năm, trong đó khách quốc tế tăng 25,4%/năm, tổng thu du lịch tăng 30,7%/năm. Năm 2016, Đà Nẵng đón hơn 5,5 triệu lượt khách, so với 2015 tăng 18,4%, trong đó khách quốc tế tăng mạnh 32,4% (đạt 1,67 triệu lượt), tổng thu du lịch đạt 16.082 tỉ đồng, tăng 25,4%. Dự kiến 2017 thành phố đón 6,5 triệu lượt khách. Hiện, tổng cộng đã có 26 đường bay trực tiếp, trong đó 13 đường bay thường kỳ, còn lại thuê chuyến. Đặc biệt hiện thành phố có 83 dự án đầu tư du lịch dịch vụ với tổng vốn khoảng 7,3 tỉ USD (153.000 tỉ đồng).

Quần thể khu du lịch sinh thái Bà Nà – Suối Mơ ngày càng hoàn thiện với các sự kiện lễ hội thường xuyên thu hút đông du khách

Ngành du lịch đánh giá thành tựu trên nhờ hệ thống sản phẩm du lịch ngày càng hoàn thiện và đa dạng. Quần thể các khu du lịch sinh thái Bà Nà – Suối Mơ, bán đảo Sơn Trà, Núi Thần Tài cũng như các khu giải trí trung tâm như Công viên châu Á, Helio, các trung tâm mua sắm như Vincom, Parkson… bắt kịp nhu cầu, thị hiếu. Lễ hội pháo hoa, Marathon quốc tế, Cuộc đua thuyền buồm Clipper Race, Đại hội thể thao bãi biển châu Á, Đại hội Du lịch Golf châu Á, Ironman 70.3 đã đưa Đà Nẵng lên bản đồ du lịch thế giới. Các lực lượng nghiệp vụ ngành công an, du lịch kịp thời hỗ trợ du khách, kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh. Nhờ vậy, thành phố được bình chọn “Điểm đến sự kiện lễ hội hàng đầu châu Á 2016”.

Từ ban đầu, Nghị quyết 33 Bộ Chính trị năm 2003 xác định Đà Nẵng phát triển du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn và năm 2017, Bộ Chính trị tiếp tục có Nghị quyết 08 nêu rõ ngành du lịch phải đi vào chiều sâu với sản phẩm mới, phát triển thành trung tâm du lịch ven biển đẳng cấp quốc tế, tạo nền tảng đột phá cho các ngành khác. Trong đó, 3 nhóm sản phẩm chính ưu tiên là du lịch biển - nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch mua sắm – MICE và du lịch văn hoá - lịch sử - sinh thái, bên cạnh đó đa dạng hóa sản phẩm du lịch bổ trợ như du lịch tâm linh, ẩm thực, chữa bệnh - làm đẹp, thể thao giải trí biển...

Đà Nẵng đến 2020 đón gần 9 triệu lượt khách, trong đó 30% khách quốc tế, bình quân tốc độ tăng trưởng khách 13-14%/năm, nguồn thu tăng 20%/năm, tổng thu du lịch 2020 đạt 31.500 tỉ đồng. Trước mục tiêu trên, ngay trong quý 4 này, thành phố hoàn thành điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch đến 2025, tầm nhìn 2030 và đề án Cơ chế chính sách ưu đãi đột phá phát triển du lịch Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam, đầu tư tiện ích bãi tắm tuyến Hoàng Sa - Võ Nguyên Giáp - Trường Sa - Nguyễn Tất Thành, triển khai kích cầu du lịch, xúc tiến thị trường trọng điểm Đông Bắc Á, Đông Nam Á; mở rộng sang Pháp, Đức, Anh, Úc, Bắc Mỹ, Ấn Độ.

Công viên châu Á trở thành điểm đến giải trí mới cho giới trẻ ở trung tâm thành phố

Dẫu quyết liệt vậy, nhưng nội lực Đà Nẵng chưa đủ phát triển toàn diện. Thành phố còn thiếu doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, đề xuất các chính sách ưu đãi khu mua sắm, ẩm thực, show diễn quy mô, các khu vui chơi giải trí không ngủ. Do đó, hội nghị chuyên đề này hứa hẹn mở rộng các cơ chế chính sách ưu đãi thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước rót vốn vào các tổ hợp dịch vụ du lịch giải trí đẳng cấp quốc tế, bất động sản du lịch. Đà Nẵng cũng mong nhận được các phản biện, góp ý thẳng thắn để cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thông thoáng.

Diễn đàn lần này cũng có mặt các tập đoàn, doanh nghiệp lớn đã đầu tư du lịch tại Đà Nẵng, vừa chia sẻ bí quyết thành công, các xu hướng mới và trao đổi cơ hội hợp tác, liên kết. Các hãng hàng không lớn trên thế giới cũng cử đại diện tham dự, không chỉ nhằm duy trì, tăng tần suất các đường bay hiện có, mà còn tìm kiếm chính sách ưu tiên xúc tiến đường bay mới vào thị trường Úc, Nga, Ấn Độ...

Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó giám đốc Sở Du lịch TP.Đà Nẵng chia sẻ mong muốn hội nghị lắng nghe ý kiến của những người làm trong lĩnh vực du lịch, làm sao có thể cải thiện năng lực cạnh tranh của điểm đến. Các điểm đến của Đà Nẵng ban đầu đã có 1 số thành quả nhất định nhưng so sánh tầm khu vực thì còn nhiều việc phải làm. Các ý kiến sẽ giúp cơ quan quản lý có định hướng, tạo ra sự khác biệt, nâng cao sức cạnh tranh điểm đến. Một nội dung quan trọng khác là đa dạng hóa sản phẩm, hướng đến phát triển sản phẩm chất lượng cao, hướng đến thị trường trọng điểm.

Cơ hội từ hạ tầng

Ở hội nghị Thu hút đầu tư cơ sở hạ tầng, nhiều dự án lớn được gợi mở, giới thiệu đến nhà đầu tư. Theo Sở Kế hoạch Đầu tư, 9 tháng đầu năm, tổng vốn đầu tư phát triển thành phố ước đạt 28.059 tỉ đồng, đạt 75% kế hoạch, tăng 10,8% so cùng kỳ 2016. Hiện địa bàn có 21.742 doanh nghiệp và chi nhánh, văn phòng đại diện với tổng vốn đăng ký 140.700 tỉ đồng đang sản xuất kinh doanh ổn định. Từ đầu năm đến nay thành phố cấp giấy đăng ký kinh doanh cho 3.416 đơn vị với số vốn 18.408 tỉ đồng, tăng 6,3% về số doanh nghiệp và tăng 37% về số vốn so với 2016, bên cạnh đó là 13 dự án có chủ trương đầu tư 10.058 tỉ đồng. 9 tháng qua, thành phố thu hút 73 dự án FDI với tổng vốn 61,6 triệu USD (tăng 4 lần so với cùng kỳ 2016), lũy kế đến nay, thành phố có 525 dự án với tổng vốn đầu tư gần 3 tỉ USD. Các nhà đầu tư nước ngoài cũng thực hiện góp vốn, mua cổ phần 53,5 tỉ đồng ở các tổ chức kinh tế.

Thành phố đang triển khai 5 dự án ODA với tổng vốn đầu tư 390 triệu và 5 dự án khác đang trong giai đoạn xúc tiến chính thức đề nghị Bộ Kế hoạch Đầu tư xem xét và vận động các nhà tài trợ.

Từ đầu năm đến nay, tổng chi đầu tư xây dựng cơ bản ước đạt 2.583 tỉ đồng (không kể vốn ODA), đạt 46,18% dự toán, tương đương cùng kỳ 2016. Về diện mạo đô thị, thành phố đang tiếp tục rà soát, điều chỉnh Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội đến 2030, tầm nhìn 2050, tiếp tục nghiên cứu hoàn chỉnh quy hoạch tổng thể hai bờ sông Hàn, thi tuyển phương án quy hoạch và thiết kế cảnh quan ven biển phía bắc, phía đông thành phố và quảng trường trung tâm, quy hoạch công viên đầu cầu và cầu đi bộ Nguyễn Văn Trỗi. Thời gian qua thành phố đã nỗ lực sử dụng tốt các nguồn lực ngân sách, vốn ODA, vốn tư nhân trong các dự án PPP để thay đổi diện mạo hạ tầng, cải thiện ô nhiễm nước thải. Các công trình trọng điểm đã mọc lên như cầu Nguyễn Tri Phương, cầu Khuê Đông, cầu Cổ Cò, đường vành đai phía Nam…đã minh chứng cho hiệu quả nguồn vốn khi các khu thu nhập thấp, chất lượng y tế, giáo dục khu vực được cải thiện đáng kể.

Cảng Liên Chiểu đang cần thu hút đầu tư để phát triển thành cảng trọng điểm

Với hội nghị này, thành phố tìm kiếm các nhà đầu tư có năng lực vào các dự án trọng điểm như xây dựng Cảng Liên Chiểu quy mô tiếp nhận được tàu trọng tải 100.000 DWT, tàu container 6.000 - 8.000 TEU nhằm biến nơi đây thành cửa ngõ miền Trung, bến trung chuyển trên hành lang kinh tế Đông Tây, trở thành tuyến vận tải ngắn nhất từ Thái Bình Dương sang Ấn Độ Dương, giảm tải Cảng Tiên Sa. TP. Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam đã nhất trí cùng xúc tiến dự án Tàu điện kết nối 2 địa phương nhằm gia tăng giá trị du lịch, bất động sản nhờ hạ tầng giao thông thuận lợi.

Theo lãnh đạo Sở Kế hoạch Đầu tư, trong lĩnh vực môi trường, thành phố quan tâm tìm nhà đầu tư Khu liên hợp xử lý chất thải rắn và Cải thiện môi trường nước nhằm giải quyết triệt để ô nhiễm rác thải đô thị và bờ biển.

Đối với CNTT, thành phố kêu gọi các nhà đầu tư tư nhân vào dự án Phát triển giao thông phi cơ giới, ứng dụng quản lý điều hành giao thông thông minh, Phát triển CNTT và truyền thông giai đoạn 2, Khu Công viên phần mềm số 2...

N.TÚ

 

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT