Đánh giá hiệu quả thực hiện các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch trên địa bàn thành phố Đà Nẵng
Đăng ngày 15-12-2017 09:04, Lượt xem: 4820

Sáng 15/12, UBND thành phố Đà Nẵng và Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn tổ chức hội thảo thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao thành phố Đà Nẵng, Cổng TTĐT thành phố xin giới thiệu bài tham luận của Trung tâm Khuyến ngư nông lâm thành phố Đà Nẵng trình bày tại Hội thảo.

Thành phố Đà Nẵng thuộc vùng duyên hải miền Trung, là trung tâm kinh tế chính trị lớn của vùng và có tốc độ đô thị hóa nhanh. Đà Nẵng là thị trường tiềm năng tiêu thụ các sản phẩm nông sản chất lượng cao. Trong bối cảnh quỹ đất sản xuất nông nghiệp thành phố đang giảm dần, cần phải tìm kiếm giải pháp sản xuất mới, đột phá về năng suất, chất lượng, phát triển bền vững để tiếp tục giữ vững tăng trưởng của ngành nông nghiệp, gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp trên đơn vị diện tích sản xuất theo hướng phát triển nông nghiệp đô thị, tạo nguồn hàng ổn định có chất lượng, xây dựng nhãn hiệu, chứng nhận chất lượng, liên kết sản xuất theo chuỗi cung ứng cho thị trường tiêu thụ trong và ngoài thành phố.

Thời gian qua, sản xuất ngành nông nghiệp đã có bước phát triển đáng kể, thu nhập và mức sống của nông ngư dân không ngừng được nâng cao. Mặc dù giá trị sản xuất nông nghiệp của Đà Nẵng chỉ chiếm từ 2-2,5% GRP toàn thành phố nhưng ngành nông nghiệp có vị trí khá quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội, tạo nhiều việc làm, sản xuất nguồn lương thực, thực phẩm, kiểm soát chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thành phố, bảo vệ môi trường sinh thái và thực hiện  an sinh xã hội. Sản xuất nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản) của thành phố tập trung chủ yếu trên địa bàn huyện Hòa Vang. Trong những năm qua, để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất  nông lâm thủy sản, việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật luôn được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo thực hiện. Nhiều giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản có chất lượng cao, quy trình sản xuất tiên tiến được ứng dụng vào sản xuất, nhiều vùng sản xuất chuyên canh được hình thành, đầu tư cơ sở vật chất sản xuất, góp phần tăng năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi,  nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho nông dân. Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở các cấp độ quy mô hộ gia đình, HTX, doanh nghiệp đã bước đầu khẳng định được hiệu quả kinh tế như trồng rau an toàn trong nhà lưới theo tiêu chuẩn VietGAP (Hòa Khương, Hòa Phong, Hòa Tiến)-Hòa Vang, La Hường-Hòa Thọ Đông Cẩm Lệ, trồng hoa trong nhà lưới (Hòa Châu, Hòa Phước)-Hòa Vang, chăn nuôi heo (Hòa Tiến, Hòa Khương), gà trứng (Hòa Ninh) bằng công nghệ chuồng lạnh, sản xuất lúa giống (Hòa Tiến), trồng nấm (Hòa Tiến, Hòa Phong), nuôi tôm Trường Định –Hòa Liên…

Tuy nhiên, mức tăng trưởng ngành nông nghiệp chưa cao. Sản xuất nông nghiệp có quy mô kinh tế hộ nhỏ lẻ, thiếu liên kết, còn hạn chế về năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh sản phẩm. Khí  hậu Đà Nẵng chia làm hai mùa rõ rệt, có những tháng trong năm nắng gắt vào tháng 5-8 và mưa nhiều từ tháng 9-12. Vì vậy, các hoạt động sản xuất nông nghiệp, nhất là lĩnh vực trồng trọt thường gặp nhiều khó khăn và rủi ro cao dưới tác động của các điều kiện ngoại cảnh (nhiệt độ, mưa bão…) trong môi trường biến đổi khí hậu. Những hạn chế nêu trên đã làm cho sản xuất nông nghiệp của thành phố chưa tạo đột phá mạnh về năng suất, chất lượng, năng lực cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa... Đây là những thách thức rất lớn của ngành nông nghiệp thành phố. 

Vì vậy, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, năng cao năng lực sản xuất, trình độ tổ chức, quản lý là hướng đi tất yếu để đảm bảo hiệu quả kinh tế cao và phát triển nông nghiệp bền vững. Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp đang ngày càng phát triển và có xu hướng phát triển mạnh, giữ vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng suất, chất lượng, truy xuất nguồn gốc, hiệu quả sản xuất, hạn chế tối đa các tác động bất lợi của khí hậu, cung cấp các điều kiện tối ưu cho sản xuất cây trồng, vật nuôi. Đây là xu hướng tất yếu trong xu thế hội nhập, là giải pháp công nghệ hiệu quả trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tạo đột phá mới trong phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn trên địa bàn thành phố.

 I. TÌNH HÌNH SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ CAO, NÔNG NGHIỆP SẠCH TẠI THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

1. Lĩnh vực trồng trọt

Trong lĩnh vực trồng trọt, mặc dù ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch vào sản xuất nông nghiệp được thực hiện ở nhiều đối tượng nhưng chủ yếu tập trung vào các sản phẩm chủ lực, thế mạnh của vùng như sản xuất lúa, cây rau màu.

1.1.  Cây lúa

Lúa là cây trồng chính trong sản xuất lương thực của thành phố. Hàng năm, diện tích gieo trồng lúa ổn định từ 5.400 - 5.500 ha, sản lượng 31.000 tấn. Vùng trồng lúa giống được hình thành tại xã Hòa Tiến (100 ha); 04 vùng trồng lúa theo hướng hữu cơ được hình thành tại thôn An Trạch, Hòa Tiến (30 ha), Trà Kiểm, Hòa Phước (25 ha) , Hòa Quý (25 ha), Hòa Phòng (20 ha).

Trong những năm qua, nhằm mục đích nâng cao giá trị, đảm bảo cho sản xuất lúa hạn chế rủi ro do biến đổi khí hậu, ngành nông nghiệp đã thực hiện du nhập, khảo nghiệm, các giống lúa trung ngày có năng suất, chất lượng, có tính chống chịu cao với các dịch bệnh như rầy nâu, bạc lá, đạo ôn... để thay thế dần giống lúa dài ngày (NX30 , Xi23) đã sản xuất trong thời gian dài và đang dần thoái hóa tại Đà Nẵng. Tính đến nay, tỉ lệ cơ cấu diện tích sử dụng giống trung ngắn ngày đạt trên 70%. Song song với công tác giống, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất lúa được đẩy mạnh và thực hiện đồng bộ với chương trình quản lý dịch hại tổng hợp IPM, ICM  trong phòng ngừa sâu bệnh, chăm sóc cây trồng. Ngành nông nghiệp thành phố đã đầu tư hỗ trợ đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp trang bị máy cày đất, máy gặt đập liên hợp, máy sấy lúa cho các hợp tác xã nông nghiệp, tổ hợp tác, hộ nông dân giảm lao động, tăng năng suất và hiệu quả sản xuất, giảm hao hụt trong khâu thu hoạch. Theo đó, mặc dù diện tích lúa liên tục giảm do tác động của quá trình đô thị hóa nhưng năng suất vẫn ở mức ổn định và liên tục tăng, đảm bảo sản lượng lương thực hàng năm.

1.2. Cây thực phẩm

* Rau: Năm 2008, Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn thành phố Đà Nẵng đã xây dựng dự án “Nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học” nhằm giải quyết liên hoàn chuỗi vấn đề nhân lực (Cán bộ quản lý, kỹ thuật, hộ nông dân); công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát sản phẩm từ quá trình sản xuất kinh doanh đến khâu đưa sản phẩm ra thị trường. Nhờ đó, việc sản xuất cây thực phẩm, chủ yếu là rau an toàn có bước chuyển biến tích cực, sản xuất theo hướng đầu tư thâm canh cao, bước đầu đã áp dụng một số công nghệ mới trong sản xuất như: sử dụng màng phủ nông nghiệp, sản xuất trong nhà lưới, hạn chế sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật độc hại cao, sử dụng hệ thống tưới phun, tưới nhỏ giọt, hạt giống lai F1, thuốc trừ sâu sinh học tạo sản phẩm an toàn, chất lượng. Một số mô hình nhà màng sản xuất rau ăn lá, ăn quả với mức độ đầu tư công nghệ cao khá hiện đại đã được hình thành và đưa vào sản xuất. Đây được xem là bước đầu đánh dấu đột phá mới trong ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố.

* Nấm: Trong thời gian qua, theo định hướng phát triển nông nghiệp đô thị, ngành nông nghiệp thành phố đã chú trọng đầu tư sản xuất nấm trên địa bàn. Hiện nay, có 4 HTX, 07 THT sản xuất nấm và các nhóm hộ sản xuất phân bố tại tất cả các quận, huyện với 252 hộ sản xuất, với hơn 650 lao động, sản lượng đạt 320 tấn/năm gồm: nấm rơm 90 tấn, nấm linh chi 3 tấn, nấm sò, tai mèo… khoảng 222 tấn. Ngành nông nghiệp, các tổ chức ban ngành khác đã triển khai hỗ trợ đầu tư các thiết bị máy móc ứng dụng công nghệ cao phục vụ sản xuất nấm ăn, nấm linh chi như: máy hấp thanh trùng bịch phôi nấm bằng than, điện 3 pha, hệ thống phun sương tạo ẩm cảm biến tự động, máy sấy nấm... Nhiều sản phẩm nấm sò, nấm rơm, nấm Linh Chi được đóng gói có nhãn mác, đạt chứng nhận chất lượng được phân phối trên thị trường và cung cấp cho người tiêu dùng. Việc áp dụng thiết bị cơ giới hóa vào ngành nấm mang lại hiệu quả cao như giảm chi phí lao động, tăng năng suất, giảm giá thành tăng khả năng cạnh tranh sản phẩm. Đặc biệt, việc sử dụng máy hấp hơi tự động giảm thời gian hấp bịch còn 5-6 giờ /mẻ so với hấp bằng than đá truyền thống, chi phí hấp bịch giảm hơn 70% so với phương pháp hấp thông thường, bộ máy phun sương cảm biến tự động giúp đảm bảo ẩm độ nhà trồng phù hợp nhu cầu sinh trưởng của nấm, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí, nâng cao năng suất, tăng hiệu quả sản xuất.

1.3.  Cây hoa

Hiện nay, việc áp dụng công nghệ cao để trồng hoa trên địa bàn thành phố chủ yếu tập trung tại các vùng quy hoạch chuyên hoa như vùng hoa Nhơn Thọ-Hòa Phước, Gò Giảng-Hòa Phong, Dương Sơn –Hòa Châu...  và một số hộ cá thể ở các quận Cẩm Lệ, quận Liên Chiểu với đối tượng hoa chính là hoa cúc trồng đất và trồng chậu… Ứng dụng nhà lưới, nhà màng, các giống hoa mới, giống nuôi cấy mô, ứng dụng hệ thống tưới phun mưa, phun sương, hệ thống đèn chiếu sáng kích thích sinh trưởng về đêm chủ yếu được thực hiện để phục vụ sản xuất hoa Tết. Nhiều giống hoa mới, hoa cao cấp có giá trị kinh tế cao đã được du nhập và trồng thích ứng như các giống hoa lan Moncara, Dentro… Mặc dù hiệu quả mang lại khá cao nhưng nhìn chung chưa khai thác hết tiềm năng và chưa tạo ra đột phá mới để thúc đẩy phát triển nghề trồng hoa của thành phố. Dưới tác động của quá trình đô thị hóa trong giai đoạn sắp đến, sản xuất hoa sẽ là hướng sản xuất có khả năng phát triển mạnh và mang lại hiệu quả kinh tế cao trên cùng một đơn vị diện tích so với các cây trồng khác.

2.  Lĩnh vực chăn nuôi

Tại Đà Nẵng, chăn nuôi chủ yếu tập trung tại huyện Hòa Vang. Một số cơ sở chăn nuôi theo hướng tập trung, trang trại và công nghiệp đã được hình thành. Nhiều mô hình chăn nuôi tập trung, ứng dụng cao công nghệ chăn nuôi theo hướng liên kết cũng được hình thành. Ngoài việc tập trung chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm truyền thống, ngành chăn nuôi đã chú trọng đưa vào chăn nuôi các đối tượng giống mới như: thỏ Newzealand, gà Ai cập, dê Boer…  Bên cạnh đó, còn thực hiện áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học đối với chăn nuôi gà, heo và triển khai các chương tình nâng cao chất lượng đàn bò theo công nghệ thụ tinh nhân tạo bằng các giống bò chuyên thịt nhiệt đới Brahman, Drough Master. Ứng dụng công nghệ biogas, đệm lót sinh học trong xử lý chất thải chăn nuôi giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường kiểm soát dịch bệnh, góp phần hỗ trợ chăn nuôi phát triển bền vững. Nhìn chung, chăn nuôi ở Hòa Vang còn phân tán, quy mô nhỏ, việc áp dụng công nghệ cao trong chăn nuôi chưa được rộng rãi. Vì vậy, ngành chăn nuôi trên địa bàn huyện Hòa Vang vẫn chưa phát huy hết tiềm năng, còn nhiều hạn chế về năng lực cạnh tranh trên thị trường. Sản phẩm gia súc, gia cầm tiêu thụ trên địa bàn còn mang tính nhỏ lẻ kinh tế hộ, nguồn cung sản phẩm cho thị trường còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng.

3.  Lĩnh vực nuôi trồng thủy sản

Nuôi trồng thủy sản của thành phố chủ yếu tập trung tại khu vực huyện Hòa Vang theo hướng hình thành các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung tại khu vực hạ lưu các hồ Hòa Trung, Đồng Nghệ... Trong đó, diện tích ao nuôi trồng thủy sản là 148 ha, còn lại nuôi tại 329 ha hồ chứa. Hiện nay, đang tập trung đầu tư hình thành các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung tại Bàu Tràm, Hòa Phong (12,78ha), An Châu-Hòa Phú (5ha), Nam Thành-Hòa Phong (10ha), Phú Sơn 1,2-Hòa Khương (5ha)…để phát triển các đối tượng nuôi thủy đặc sản nước ngọt gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới. Nuôi nước lợ tập trung tại 02 địa điểm: Thôn Trường Định, xã Hòa Liên (28,6 ha), với 36 hộ nuôi và phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn (15,1 ha) với 10 hộ nuôi.  

Trong ngành thủy sản, việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất chủ yếu được áp dụng trong việc đưa vào nuôi trồng các giống thủy sản nước ngọt có giá trị thương phẩm cao (cá trắm cỏ, cá điều hòng, cá rô đơn tính, tôm thẻ chân trắng…), cung cấp hệ thống giàn sục khí, sử dụng công nghệ men vi sinh xử lý môi trường, tăng tỉ lệ tiêu hóa, phòng trị bệnh để hỗ trợ nuôi thâm canh, bán thâm canh. Trong những năm gần đây, Trung tâm Khuyến ngư nông lâm đã chú trọng chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, ứng dụng công nghệ trong nuôi thủy sản nước ngọt như triển khai mô hình nuôi cá an toàn sinh học. Việc ứng dụng chế phẩm sinh học trong nuôi cá nước ngọt giúp rút ngắn thời gian nuôi, hạn chế dịch bệnh, giảm chi phí nuôi, từng bước khuyến cáo người nông dân sử dụng các chế phẩm sinh học trong xử lý môi trường, phòng trừ bệnh, hạn chế lạm dụng hóa chất và kháng sinh trong nuôi cá nước ngọt, tạo nguồn sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, góp phần phát triển bền vững ngành nuôi trồng thủy sản tại địa phương. Công tác giống thủy sản nước ngọt được quan tâm đầu tư cải thiện. Hàng năm, trại giống thủy sản nước ngọt Hòa Khương của Ngành sản xuất ứng ra sản xuất khoảng 1 triệu con cá giống nước ngọt các loại có chất lượng. Việc triển khai nghiên cứu thực hiện sinh sản nhân tạo các đối tượng (cá trê lai, cá rô đầu vuông, cá leo…) tại trại đã đạt được những kết quả bước đầu khả quan và đã được áp dụng vào sản xuất con giống tại chỗ cung ứng giống thương phẩm cho người dân. 

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT