Kết quả đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn huyện Hòa Vang và một số kiến nghị, đề xuất
Đăng ngày 15-12-2017 09:14, Lượt xem: 1044

Sáng 15/12, UBND thành phố Đà Nẵng và Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn tổ chức hội thảo thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao thành phố Đà Nẵng, Cổng TTĐT thành phố xin giới thiệu bài tham luận của UBND Huyện Hòa Vang trình bày tại Hội thảo.

Hòa Vang là huyện nông nghiệp duy nhất của thành phố có vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên và kinh tế xã hội rất thuận lợi để ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp. Với trách nhiệm của mình trong việc quyết tâm thực hiện hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra trên lĩnh vực nông nghiệp, UBND huyện Hòa Vang xin phân tích, làm rõ thêm những tiềm năng, lợi thế cơ bản để thực hiện ứng dụng CNC, đó là:

Thứ nhất, với vị trí nằm bao bọc về phía Tây của thành phố, Hòa Vang có ưu thế ở cả ba loại địa hình là miền núi, trung du, đồng bằng, quỹ đất tự nhiên rất lớn 73.488 ha, chiếm 74,8% diện tích thành phố, trong đó có 64.860 ha đất Nông, Lâm nghiệp, 8.237 ha đất phi nông nghiệp và 391 ha đất chưa sử dụng. Trong bối cảnh gắn với quy hoạch phát triển chung của thành phố, đây là tiềm năng và lợi thế rất lớn để huyện phát triển trong thời gian đến.

Thứ hai, sản xuất nông nghiệp của huyện trong những năm qua có bước phát triển khá; năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi và thủy sản không ngừng được nâng lên; cơ cấu nông nghiệp chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng trồng trọt, tăng tỷ trọng chăn nuôi, thủy sản và lâm nghiệp; có sự chuyển biến tích cực từ sản xuất nhỏ lẻ theo kiểu truyền thống sang sản xuất theo hướng hàng hóa. Hàng năm, 4.690 ha đất sản xuất nông nghiệp  có khả năng cung cấp ra thị trường gần 20.000 tấn rau, 1.200 tấn thủy sản, gần 1 triệu con gia cầm các loại…

Thứ ba, hạ tầng kỹ thuật, nhất là giao thông thuận lợi, bao gồm 3 tuyến quốc lộ 1A, 14B, 14G; các tuyến đường tỉnh lộ 601, 602, 605 và hệ thống đường liên huyện, đường liên xã đã và đang được đầu tư đồng bộ… Bên cạnh đó, trong thời gian đến có nhiều dự án, công trình quan trọng sẽ đưa vào hoạt động như đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi, đường Vành đai phía Nam thành phố, đường Nguyễn Tất Thành nối dài, đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn - Túy Loan, đường Hòa Nhơn đi Hòa Sơn… vừa tạo không gian kết nối, vừa tạo động lực để huyện phát triển.

Thứ tư, hiện nay, dân số của huyện Hòa Vang hơn 130.000 người, tốc độ tăng dân số bình quân 2%/năm, dân số trong độ tuổi lao động chiếm 65%, lao động qua đào tạo chiếm 55% và tăng nhanh qua các năm. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để huyện Hòa Vang thu hút đầu tư vào phát triển kinh tế xã hội trong thời gian đến.

Thứ năm, huyện Hòa Vang đã hoàn chỉnh quy hoạch ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn giai đoạn 2016-2020 và được thành phố thống nhất quy hoạch 07 vùng nông nghiệp ứng dụng CNC với diện tích khoảng 440 ha để kêu gọi đầu tư (Khu nông nghiệp ứng dụng CNC tại thôn Trung Nghĩa xã Hòa Ninh: 35 ha, Khu nông nghiệp ứng dụng CNC tại thôn Đông Lâm xã Hòa Phú: 40 ha, Khu chăn nuôi tập trung xã Hòa Khương: 30 ha, Khu chăn nuôi tập trung thôn Lộc Mỹ xã Hòa Bắc 230 ha, Vùng sản xuất rau an toàn xã Hòa Khương 20 ha, Vùng rau xã Hòa Phong 20 ha, Vùng nuôi tôm Trường Định xã Hòa Liên 20 ha.

Với những tiềm năng, lợi thế cơ bản nêu trên cùng với việc dự báo về thời cơ trong quá trình hội nhập, huyện Hòa Vang xác định nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là khâu đột phá để phát triển kinh tế xã hội địa phương, là đòn bẩy, giải pháp mạnh mang lại hiệu quả trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp để phát triển nông nghiệp. Điều này được khẳng định thông qua việc UBND huyện ban hành Đề án “Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm phục vụ đô thị”; Huyện ủy, HĐND huyện ban hành Nghị quyết chuyên đề về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đẩy mạnh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; HĐND thành phố ban bành Nghị quyết số 104/NQ-HĐND về quy định chính sách khuyến khích đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn - Đây là những căn cứ pháp lý rất quan trọng, là nguồn động lực để các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.

Việc triển khai Đề án Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nhằm tăng năng suất chất lượng sản phẩm nông nghiệp phục vụ đô thị được huyện tập trung thực hiện, đạt kết quả tích cực, hình thành 21 mô hình ứng dụng công nghệ cao trên các lĩnh vực (9 mô hình hoa, 5 mô hình rau, 3 mô hình chăn nuôi, 3 mô hình cây ăn quả, 01 mô hình nấm), các mô hình này đều mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn từ 2-3 lần so với sản xuất thông thường. Đối với sản xuất rau, huyện chỉ đạo thực hiện xây dựng 2 mô hình thí điểm chuyển giao nhà kính, công nghệ tưới tiết kiệm nước, sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao trên 1 ha tại thôn Trung Nghĩa xã Hòa Ninh và 1 ha tại thôn Đông Lâm xã Hòa Phú, với tổng kinh phí 5,6 tỷ đồng. Năng suất các loại rau đạt khá cao, bước đầu đem lại hiệu quả. Sản phẩm đã có mặt trên thị trường tiêu dùng trong thành phố. Huyện Hòa Vang còn hỗ trợ dàn che, hệ thống tưới tiết kiệm tại các vùng Ninh An (Hòa Nhơn) Phú Sơn Nam (Hòa Khương), Túy Loan (Hòa Phong). Đối với sản xuất hoa, huyện khuyến khích mở rộng diện tích sản xuất hoa tại vùng hoa Dương Sơn xã Hòa Châu theo quy hoạch đã được phê duyệt, hỗ trợ giống hoa mới thay thế giống hoa cúc trên địa bàn… Đối với sản xuất lúa, huyện triển khai sản xuất 76,5 tấn lúa giống chất lượng cao, mở rộng sản xuất 74 ha lúa hữu cơ tại xã Hòa Tiến, Hòa Phước, Hòa Phong. Đối với cây ăn quả, huyện triển khai dự án trồng bưởi da xanh tại xã Hòa Ninh với quy mô 10 ha, trong đó tập trung giống chất lượng, đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm nước. Trong chăn nuôi, huyện đưa ứng dụng đệm lót sinh học, xây dựng hầm Biogas để giảm thiểu ô nhiễm môi trường; nhân rộng mô hình chăn nuôi dê thâm canh cho các hộ trên địa bàn tại các xã Hòa Liên, Hòa Phú, Hòa Bắc đã cho kết quả thu hoạch tốt và làm cơ sở để nhân rộng trên địa bàn huyện trong những năm đến. Ngoài ra, huyện đã mời chuyên gia sản xuất rau, hoa tập huấn, hướng dẫn trực tiếp cho nông dân tại vùng sản xuất; vùng ứng dụng công nghệ cao để nhân dân nâng cao kỹ thuật sản xuất, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao thu nhập. Điều đáng mừng là trên địa bàn huyện đã có một số hộ dân mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như hộ Nguyễn Hữu Quyết (sản xuất rau tại vùng rau Phú Sơn Nam, Hòa Khương); hộ Nguyễn Xuân Hùng (sản xuất hoa lan cắt cành tại Dương Sơn), hộ Lê Mạnh Dân (sản xuất rau Hòa Ninh), hộ Nguyễn Văn Nhi (HTX nấm Nhơn Phước), hộ Nguyễn Duy Tuấn (chăn nuôi heo Hòa Khương) và đã có 05 doanh nghiệp đang thực hiện các thủ tục để tiến hành đầu tư các dự án trên lĩnh vực nông nghiệp tại Hòa Vang (Công ty TNHH MTV Bò sữa Việt Nam, Công ty Cổ phần HAPRAS, Công ty CP Greentech, Công ty Cổ phần dược Danapha, Công ty Bách Phương).

Có thể nói hiệu quả và giá trị kinh tế của các mô hình ứng dụng công nghệ cao triển khai trên địa bàn huyện Hòa Vang trong thời gian qua là rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, số lượng các mô hình ứng dụng công nghệ cao vẫn chưa nhiều, diện tích chưa lớn. Do vậy, để phát triển khoảng 240 ha đất nông nghiệp được thành phố quy hoạch cần phải tập trung cải tạo, quy hoạch các vùng chuyên canh mới ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, nuôi trồng.

Giai đoạn từ nay đến năm 2010, huyện phấn đấu giá trị sản xuất ngành nông nghiệp tăng bình quân từ 4-5%/năm, tỉ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm 30-40% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp, thu hút được ít nhất 08 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Để đạt được mục tiêu và tạo bước đột phá trong lĩnh vực này, UBND huyện kính đề xuất một số giải pháp như sau:

Một là: Các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được thành phố phê duyệt và giao cho Trung tâm phát triển quỹ đất tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất. Hiện nay đã tổ chức đấu giá phải đền bù xong đất, nhưng Thành phố chưa có kinh phí bồi thường và tiến độ dự án do Trung tâm quỹ đất làm chậm. Do vậy, để kêu gọi đầu tư, sớm hình thành các vùng sản xuất  ứng dụng công nghệ cao, huyện Hòa Vang kính đề nghị thành phố có cơ chế đặc thù, giao huyện kêu gọi đầu tư theo hướng đấu thầu dự án có sử dụng đất.

Hai là: Đẩy nhanh tiến độ quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhằm đảm bảo tính ổn định lâu dài về đất đai, đồng thời là cơ sở pháp lý quan trọng để tiến hành quy hoạch chi tiết và có kế hoạch đầu tư, kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.

Ba là: Khuyến khích, tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân bỏ vốn đầu tư kinh doanh, xây dựng vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được hưởng ưu đãi theo quy định của pháp luật về đất đai đối với đất sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cũng như xây dựng các cơ sở dịch vụ phục vụ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Bốn là: Đào tạo nâng cao trình độ, năng lực cho cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ chuyện môn về nông nghiệp ứng dụng CNC. Nghiên cứu, tiếp thu và ứng dụng các công nghệ hiện đại (công nghệ sinh học, công nghệ tưới, cơ giới hóa...) để đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp theo quy trình ứng dụng công nghệ cao phù hợp với điều kiện sản xuất.

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT