Cần hoàn thiện chính sách pháp luật về dịch vụ logistics
Đăng ngày 17-04-2018 02:16, Lượt xem: 437

Đó là một trong những chỉ đạo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc với các bộ, ngành tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về Logistics, các giải pháp chi phí, kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông tổ chức vào sáng 16-4 dưới sự chủ trì của Thủ tướng. Tại điểm cầu Đà Nẵng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Văn Miên chủ trì với sự tham dự của các sở, ngành và các doanh nghiệp logistics trên địa bàn.

Theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, dịch vụ logistics ở Việt Nam hiện có quy mô khoảng 20 – 22 tỷ USD/năm, chiếm 20,9% GDP của cả nước. Tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành dịch vụ logistics trong những năm qua đạt từ  16 – 20%/năm. Theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam đứng thứ 64/160 nước về mức độ phát triển ngành logistics và đứng thứ 4 trong ASEAN sau Singapore, Malaysia và Thái Lan. Tuy nhiên, chi phí logistics của Việt Nam còn ở mức cao, trong đó chi phí vận tải chiếm khoảng 59%. Nguyên nhân là do các hạn chế về hạ tầng, doanh nghiệp, thị trường vận tải ở Việt Nam còn chưa minh bạch, thiếu thông tin, giá cước vận tải cao và hiệu quả khai thác thấp.

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Công cho biết, với mục tiêu thị phần vận tải hàng hóa liên tỉnh đường bộ đến năm 2020 khoảng 54,4%, đường sắt 4,3%; đường thủy nội địa 32,4%, trong thời gian tới, Bộ Giao thông vận tải sẽ đẩy mạnh tái cơ cấu thị trường vận tải nội địa theo hướng giảm thị phần vận tải đường bộ, tăng vận tải đường sắt, đường thủy; nâng cao năng lực vận chuyển hàng hải, tăng lưu lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường biển. Đồng thời, tăng cường hợp tác với các đối tác nước ngoài để mở rộng kết nối hạ tầng Logistics; nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng vốn đầu tư trong xây dựng kết cấu hạ tầng. Để giảm chi phí logistics, kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng trong lĩnh vực giao thông vận tải, các Bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp tăng cường kết nối và phát triển hợp lý các phương thức vận tải, vận tải đa phương thức và dịch vụ logistic, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý và khai thác vận tải.

Phát biểu tại tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh ngành logistics là một trong 12 nhóm ngành được cộng đồng ASEAN ưu tiên hỗ trợ phát triển. Tuy nhiên, chi phí logistics của Việt Nam vào khoảng 21% GDP, đứng thứ 4 trong số các nước ASEAN. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, việc đầu tư cho các phương thức vận tải, việc kết nối kém làm tăng chi phí vận tải... đang là những thách thức lớn của nhiều địa phương. Với mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GDP đạt 8 -10%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ đạt 15 - 20%, tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 50 - 60%, chi phí logistics giảm xuống tương đương 16 - 20% GDP, xếp hạng theo chỉ số năng lực quốc gia về logistics (LPI) trên thế giới đạt thứ 50 trở lên, Thủ tướng yêu cầu trong thời gian tới, Bộ Giao thông vận tải cần hoàn thiện chính sách pháp luật về dịch vụ logistics và kết cấu hạ tầng logistics; nâng cao năng lực doanh nghiệp và chất lượng dịch vụ. Bộ Công Thương phối hợp với các địa phương thực hiện tốt việc quy hoạch sử dụng quỹ đất thích hợp để xây dựng trung tâm phân phối hàng hóa, dịch vụ hậu cần cảng, kết nối thuận tiện với mạng lưới giao thông quốc gia. Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng quy hoạch phát triển và cơ chế phát triển hàng hóa tại các khu kinh tế, khu công nghiệp. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao đáp ứng yêu cầu phát triển của dịch vụ logistics. Thủ tướng cũng đề nghị Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam chủ trì tổ chức các Hội nghị chuyên đề, nghiên cứu xây dựng chương trình hành động nâng cao năng lực dịch vụ logistics; khuyến khích doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý và khai thác vận tải.

CÔNG TÂM

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác