Đà Nẵng trao đổi kinh nghiệm tổ chức chính quyền đô thị với thành phố Hà Nội
Đăng ngày 08-05-2018 10:16, Lượt xem: 655

Ngày 8-5, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh có buổi làm việc với đoàn công tác Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị của thành phố Hà Nội, do Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa, Thành viên Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án làm trưởng đoàn, nhằm chia sẻ thực trạng, kinh nghiệm tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng trong những năm qua.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh phát biểu tại buổi làm việc

Theo báo cáo, nhiệm kỳ 2016-2021, căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương, thành phố Đà Nẵng tái lập HĐND quận, huyện, phường sau nhiều năm triển khai thí điểm không tổ chức HĐND. Sau khi triển khai công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, đến nay số lượng, tiêu chuẩn đại biểu HĐND, cán bộ bầu cử của HĐND các cấp được đảm bảo theo quy định của Luật Chính quyền địa phương và các văn bản hướng dẫn có liên quan. Cụ thể, HĐND thành phố có 48/50 đại biểu, HĐND quận, huyện có 245/251 đại biểu, HĐND phường, xã có 1525/1559 đại biểu; HĐND thành phố có 4 Ban và 1 Văn phòng HĐND tham mưu, giúp việc cho công tác HĐND. Theo ông Võ Ngọc Đồng, Giám đốc Sở Nội vụ thành phố, vướng mắc chủ yếu của mô hình chính quyền đô thị hiện nay là việc mô hình tổ chức bộ máy cơ quan chính quyền giống nhau ở tất cả các cấp, gồm HĐND và UBND, đã tạo ra một hệ thống bộ máy chính quyền rập khuôn, thiếu tính linh hoạt. Bên cạnh đó, công tác quản lý đô thị yêu cầu sự quản lý tập trung, khép kín đồng bộ, nhưng hiện nay đang bị cắt khúc ra thành các cấp khác nhau, mệnh lệnh quản lý từ chính quyền thành phố xuống đến quận, huyện, phường, xã bị cắt khúc, triển khai chậm do qua nhiều cấp chính quyền trung gian. Ngoài ra, mô hình tổ chức các cơ quan chuyên môn còn rập khuôn, chưa có mô hình riêng cho đô thị; quyết định cuối cùng về nhiều lĩnh vực quản lý chuyên ngành đều do UBND thành phố, quận, huyện quyết định.

Tham gia ý kiến tại buổi làm việc, ông Lê Anh, Chủ tịch UBND quận Hải Châu cho rằng, việc quy định số lượng Phó Chủ tịch UBND các cấp theo phân loại đơn vị hành chính như Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện nay chưa theo được thực tế quản lý, chưa đảm bảo việc triển khai thực hiện nhiệm vụ tại các địa phương. Một số địa phương chỉ có 1 Phó Chủ tịch gặp rất nhiều khó khăn trong việc chỉ đạo thực hiện nhiệm chính trị, kinh tế - xã hội tại địa phương. Cụ thể như đối với phường loại II thuộc quận trung tâm thành phố Đà Nẵng chỉ có 1 Phó Chủ tịch UBND phường, gặp rất nhiều khó khăn trong việc chỉ đạo, điều hành, thậm chí không có đủ lãnh đạo để bố trí thường trực tại UBND phường để ký các giấy tờ cần thiết cho người dân theo quy định. Bên cạnh đó, việc tái lập HĐND quận, huyện, phường làm tăng thêm các cấp giám sát, dẫn đến một số công tác tổ chức, hoạt động, giám sát của HĐND quận, huyện, phường, xã bị chồng chéo, trùng lắp.

Về kết quả thực hiện thí điểm chủ trương không tổ chức HĐND quận, huyện, phường, Sở Nội vụ thành phố cho biết, khi thực hiện không tổ chức HĐND, quyền dân chủ, quyền đại diện của người dân vẫn tiếp tục được duy trì và phát huy thông qua nhiều kênh như: Đại biểu Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội; Thường trực HĐND thành phố, các ban, tổ đại biểu, đại biểu HĐND thành phố, đại biểu HĐND xã, Ủy ban MTTQ Việt Nam, đoàn thể chính trị - xã hội các cấp và đặc biệt là sự phản ánh của tổ dân phố, thôn và ý kiến trực tiếp của người dân thông qua hoạt động của ban thanh tra nhân dân phường xã và ban công tác mặt trận ở khu dân cư. Theo kết quả khảo sát trên địa bàn thành phố, 68,8% ý kiến cho rằng việc thực hiện không tổ chức HĐND không có ảnh hưởng gì đến việc đảm bảo quyền đại diện và quyền làm chủ của người dân vì đã có các kênh giám sát khác.

Đối với việc phân cấp, ủy quyền giữa Trung ương và địa phương, các ý kiến tham gia của các đại biểu sở, ban, ngành, quận, huyện thành phố đều cho rằng, hiện nay, việc phân cấp quản lý thiếu nhất quán, chưa đáp ứng được yêu cầu của xu thế phát triển. Chính quyền trung ương còn điều hành, xử lý nhiều việc cụ thể của địa phương làm giảm quyền chủ động sáng tạo của phương, không đáp ứng kịp thời quyền lợi của dân, vừa hạn chế khả năng tự quản, vừa hạn chế hiệu lực và hiệu quả quản lý tập trung của Nhà nước, đặc biệt trong các lĩnh vực tổ chức bộ máy các cơ quan nhà nước; biên chế và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; quản lý ngân sách, đầu tư phát triển; cơ chế huy động nguồn tài chính cho đầu tư phát triển; quản lý quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, hạ tầng đô thị.

Ở các cấp chính quyền địa phương, thành phố Đà Nẵng đã tăng cường vai trò, trách nhiệm quản lý nhà nước của các sở, ban, ngành và UBND quận, huyện trong việc thực thi pháp luật; các sở, ban, ngành chuyển giao bớt một số nhiệm vụ, có điều kiện đi sâu vào lĩnh vực xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên phạm vi vĩ mô; đồng thời đẩy mạnh công tác hướng dẫn, kiểm tra cơ sở. UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch số 6663/KH-UBND đưa ra 5 lĩnh vực quan trọng, thiết yếu trong công tác chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội cần tập trung phân cấp trong giai đoạn 2016 – 2020 gồm: Quản lý tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; Quản lý đầu tư công; Quản lý đất đai; Quản lý đô thị; Quản lý ngân sách. Các nội dung chỉ đạo từ kế hoạch đã từng bước tạo sự chuyển biến đối với các sở, ban, ngành, quận, huyện trong việc thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước, được HĐND và UBND thành phố đánh giá cao.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Hồ Kỳ Minh cho biết, từ khi chia tách tỉnh năm 1997, bộ máy tổ chức thành phố Đà Nẵng thiên về mô hình quản lý tập trung cấp thành phố, tuy nhiên, xu thế những năm gần đây và về sau này, thành phố phát triển quy mô càng lớn thì việc phân cấp đến quận huyện, phường xã sẽ càng rõ nét hơn. Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết thêm, Đà Nẵng mong muốn hướng đến mô hình chính quyền đô thị có đầy đủ HĐND và UBND ở cấp thành phố, còn lại là cơ quan hành chính UBND ở các cấp quận, phường; đồng thời, sẽ trình Trung ương xem xét cho phép thành phố triển khai thí điểm mô hình chính quyền cảng. Theo Phó Chủ tịch Hồ Kỳ Minh, việc không tổ chức HĐND quận, huyện, phường thí điểm tại Đà Nẵng được triển khai khá thuận lợi, vẫn đảm bảo đầy đủ quyền dân chủ, quyền đại diện của người dân; tuy nhiên, cũng cần hết sức cân nhắc vai trò của Chủ tịch UBND quận khi không có HĐND, bởi lúc này quyền lực quyết định trực tiếp của Chủ tịch quận là rất lớn, chỉ sau Chủ tịch UBND thành phố.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa phát biểu tại buổi làm việc

Thay mặt đoàn công tác, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa đánh giá cao những trao đổi, chia sẻ của thành phố Đà Nẵng về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị; đồng thời đề nghị thành phố tiếp tục tham gia đóng góp ý kiến trong quá trình xây dựng Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị của thành phố Hà Nội. Theo Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa, đề án xây dựng chính quyền đô thị thành phố Hà Nội được phê duyệt sẽ là cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi cho Đà Nẵng cùng các thành phố trực thuộc Trung ương khác trong việc đề xuất triển khai chính quyền đô thị tại địa phương mình.

NGÔ HUYỀN

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác