Cung cấp thông tin cho báo chí về xử lý việc bạo hành trẻ mầm non và giữ chân nhân lực chất lượng cao
Đăng ngày 25-05-2018 18:28, Lượt xem: 353

Trước  một số thông tin  bức xúc trong dư luận thời gian gần đây, chiều ngày 25-5, Giám đốc Sở Nội vụ, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cùng Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Khê đã tổ chức buổi họp nhằm cung cấp thông tin chính thức cho báo chí về xử lý việc bạo hành trẻ của Nhóm lớp độc lập Mẹ Mười  (nhóm trẻ  Mẹ Mười) và các trường hợp học viên đề án Nguồn nhân lực chất lượng cao rút khỏi đề án. 

Ông Nguyễn Thanh Xuân, Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Khê và ông Nguyễn Đình Vĩnh,

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo trả lời về vụ bạo hành trẻ em tại nhóm trẻ Mẹ Mười

Về việc xử lý đối với trẻ Mẹ Mười, ông Nguyễn Thanh Xuân, Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Khê cho biết tinh thần của quận là công minh, khách quan , đúng luật và quyết tâm xử lý đến cùng. Trả lời các phóng viên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo và Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Khê khẳng định  nhóm trẻ này được thành lập đúng theo quy định của pháp luật, đáp ứng đủ các điều kiện về tiêu chuẩn thành lập​ bao gồm cơ sở vật chất cũng như về chuyên môn nghiệp vụ. Chủ nhóm trẻ là bà Đinh Thị Hồng có bằng Cao đẳng sư phạm mầm non. Ngay khi video clip việc bạo hành trẻ được tung lên mạng xã hội, các cơ quan chức năng quận Thanh Khê đã vào cuộc rút giấy phép và đình chỉ hoạt động của nhóm trẻ Mẹ Mười. Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với quận và phường đến tận nhà nắm tình hình trẻ, nguyện vọng của phụ huynh. Sở cũng đã yêu cầu quận Thanh Khê có biện pháp hỗ trợ tâm lý, tiến hành kiểm tra sức khỏe và động viên kịp thời các trẻ em, tư vấn tạo điều kiện cho gia đình điều chuyển trẻ đến các điểm trường thuận lợi nhất. Qua phản ảnh của gia đình trẻ thì không thấy có những biểu hiện bất thường về tâm lý và sức khỏe. Có một cháu bé mới đây đã nhập viện, nhưng gia đình cho biết cháu có tiền sử chảy máu cam.

Trả lời phóng viên về chế độ kiểm tra giám sát đối với các cơ sở nuôi dạy trẻ mầm non, Giám đốc Sở GD và ĐT Nguyễn Đình Vĩnh cho biết hàng năm Sở cũng như các quận, phường bằng nhiều hình thức thường xuyên kiểm tra, nắm tình hình hoạt động của các cơ sở này. Ông Vĩnh cũng cho biết thêm, thời gian qua thành phố rất quan tâm và đầu tư cho ngành học mầm non với nhiều chương trình đề án mang tính nhân văn sâu sắc như đề án sữa học đường giai đoạn 2018-2020, Đề án hỗ trợ trang thiết bị dạy học vui chơi giai đoạn 2017-2020; hỗ trợ cho các nhóm trẻ tại khu công nghiệp, chương trình xây dựng nhà trẻ điểm …Trong thời gian tới, nhằm đảm bảo an toàn và ngăn chặn những vi phạm, Sở tiếp tục tham mưu UBND thành phố cơ chế , chiến lược lâu dài phát triển quy mô mạng lưới trường mầm non, trong đó siết chặt các quy định điều kiện thành lập cơ sở giáo dục mầm non, lắp đặt camera giám sát tại các cơ sở; nâng cao trách nhiệm của các xã phường và huy động sự tham gia của xã hội  (nhất là phụ nữ) trong kiểm tra  giám sát hoạt động nuôi dạy trẻ tại các cơ sở mầm non.

Lãnh đạo sở Nội vụ trả lời về Đề án nguồn nhân lực chất lực cao

Về tình hình triển khai Đề án Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao (Đề án 922) Phó giám đốc Sở Nội vụ, ông Nguyễn Đình Chiến cho biết, 14 năm qua (kể từ năm 2004) thành phố đã cử 616 người đi học theo đề án; có 460 học viên được bố trí công tác và có 402 học viên hiện đang làm việc tại các cơ quan đơn vị. Việc tiếp nhận và bố trí công tác cho học viên Đề án cơ bạn đã đáp ứng nhu cầu nhân lực của các cơ quan đơn vị  và hầu hết đều phát huy khả năng, trình độ chuyên môn, thực hiện công việc hiệu quả tích cực.

Tuy vậy từ khi triển khai đề án đến nay, có 93 học viên xin và được thành phố cho rút khỏi đề án, trong đó có 40 người đang công tác vì lý do đoàn tụ gia đình(19 người); vì lý do cá nhân (6 người); vì lý do sức khỏe (3 người) và do muốn thay đổi công việc (16 người). Có 47 học viên bị buộc phải ra khỏi đề án vìtrong đó 23 người không đạt kết quả học tập, 19 người vi phạm quy định đề án  và 5 trường hợp bị  cơ quan sử dụng lao động sa thải hoặc buộc thôi việc. Các trường hợp bị buộc rời khỏi đề án hoặc rút ra khỏi đề án mà không đủ thời hạn làm việc theo thỏa thuận phải hoàn trả  kinh phí đã cấp cho thành  phố. Được biết, số kinh phí được hoàn trả đến nay là 89 tỷ  đồng.

Việc chuyển dịch nhân lực từ khu vực công sang khu vực khác thời gian qua là việc hết sức bình thường  và do nhiều nguyên nhân khác nhau chứ không phải hoàn toàn do môi trường làm việc không phù hợp. Không riêng gì các học viên của đề án 922, nhiều CBCCVC cũng đã xin ra khỏi các cơ quan nhà nước để tự tìm một công việc khác phù hợp hơn với bản thân họ. Để giữ chân những người giỏi trong đó có những học viên đề án, theo Giám đốc Sở Nội vụ Võ Ngọc Đồng, ngoài việc tạo những điều kiện tốt nhất cho họ phát huy khả năng trình độ, thành phố  đã có chính sách chuyển trọng tâm từ chỗ đưa đi đào tạo dài hạn sang việc đào tạo bồi dưỡng ngắn hạn và tại chỗ nhằm khắc phục dần sự bất cập giữa lý thuyết chuyên môn nghiệp vụ với thực tế công tác quản lý nhà nước, gắn với thực tế nhu cầu công việc. Quan điểm “Chiêu hiền đãi sĩ” theo giám đốc sở Nội vụ thể hiện ở chỗ không phải tăng số người mà chính là tăng chất lượng người làm việc trong hệ thống cơ quan nhà nước, không tạo ra những bất hợp lý trong chính sách ưu đãi đối với những người đang làm việc hiện tại.

Cũng tại buổi họp báo, đại diện Sở Nội vụ đã giải thích trường hợp cử đi học nước ngoài bằng ngân sách đối với học viên Trần Văn Mẫn (sở Kế hoạch và Đầu tư). Theo đó, ông Mẫn được cố Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh đồng ý cử đi học vì ngành học của ông này phù hợp với nhu cầu của thành phố tại thời điểm đó. Kinh phí cho ông Mẫn đi học khoảng 500 triệu đồng chứ không phải 3 tỷ đồng như một số báo đưa tin.

LÊ HOA

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác