Đề xuất các giải pháp điều tiết nước tại Quảng Huế để bảo đảm đủ nước trong mùa kiệt cho Quảng Nam và Đà Nẵng
Đăng ngày 25-05-2018 18:19, Lượt xem: 244

Ngày 25-5, tại Đà Nẵng, Ban điều phối về quản lý tổng hợp lưu vực sông Vu Gia — Thu Bồn tổ chức Hội thảo nhằm phân tích sự thay đổi thủy văn và đề xuất nghiên cứu giải pháp điều tiết nước tại Quảng Huế (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh phát biểu khai mạc Hội thảo

Tham dự Hội thảo có đại diện của Viện chuyển đổi môi trường và Khí hậu (ISET) và Tổ chức Care Quốc tế tại Việt Nam, các thành viên Ban điều phối và chuyên gia của 2 địa phương, và các Công ty thủy điện trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn.

Đây là Hội thảo trao đổi - đối thoại lần 5 trong khuôn khổ Dự án hỗ trợ xây dựng thể chế liên tỉnh để nâng cao khả năng chống chịu ở lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn cho Quảng Nam và Đà Nẵng được bắt đầu triển khai từ năm 2017. Mục tiêu dự án là thúc đẩy đối thoại giữa các bên liên quan theo cách tiếp cận tổng hợp lưu vực sông, giảm rủi ro thiệt hại do ngập lụt, hạn hán trong khu vực.

Đến dự và phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh nhấn mạnh tầm quan trọng cũng như sự cần thiết của việc nghiên cứu đề xuất các giải pháp nhằm điều tiết nguồn nước tại Quảng Huế và xác định vai trò, trách nhiệm của các bên liên quan trên lưu vực. Ông cũng đề nghị Sở NN&PTNT thành phố Đà Nẵng tiếp cận nghiên cứu trên cơ sở kế thừa, khai thác toàn bộ các nghiên cứu khoa học đã thực hiện, các dữ liệu, số liệu đo đã có trên lưu vực; xác định cụ thể công tác tổ chức đo đạc bổ sung đối với các số liệu cập nhật hiện trạng về địa hình của lòng dẫn sông trên các lưu vực liên quan ở Quảng Huế để xác định sự thay đổi địa hình cụ thể của khu vực sông; đồng thời cũng cần phân tích, xác định để đề xuất sử dụng các mô hình tính toán đảm bảo tin cậy, khoa học, thuyết phục để làm sáng tỏ nghiên cứu này.

Báo cáo về Đề cương Đề xuất giải pháp chỉnh trị và nâng cao đập điều tiết nước tại đầu sông Quảng Huế, do TS. Lê Hùng, đại diện nhóm nghiên cứu trình bày tại Hội thảo cho biết, thủy điện Đắk Mi 4 đi vào hoạt động đã chuyển gần một nửa lưu lượng nước trong mùa khô của sông Vu Gia về sông Thu Bồn để phát điện, cùng với sự mở rộng và xói sâu lòng dẫn sông Quảng Huế và bồi lấp nâng cao lòng dẫn sông Ái Nghĩa là nguyên nhân dẫn đến khu vực hạ du sông Vu Gia, đặc biệt là thành phố Đà Nẵng thường xuyên bị thiếu nước, nhiễm mặn nghiêm trọng trong những năm gần đây. Số liệu thống kê của Công ty Cấp nước Đà Nẵng cho thấy trong 6 năm qua từ khi Thủy điện Đắk Mi 4 đi vào hoạt động có đến 648 ngày bị nhiễm mặn, trung bình mỗi năm có đến 108 ngày, gấp 29,19 lần so với điều kiện tự nhiên trước đây.

Tại Hội thảo, các đại biểu cũng được nghe Tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam báo cáo kết quả nâng cao khả năng thích ứng cộng đồng với cảnh báo sớm ngập lụt được thực hiện tại 02 địa bàn thí điểm là xã Hòa Khương (Đà Nẵng) và xã Đại Hồng (tỉnh Quảng Nam).

QUỲNH ĐAN

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác