Nỗ lực nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của công nhân, người lao động
Đăng ngày 28-05-2018 08:22, Lượt xem: 429

Nhân “Tháng Công nhân” năm 2018, sáng 27-5, tổ đại biểu HĐND thành phố đơn vị quận Liên Chiểu, do ông Võ Công Chánh, Bí thư Quận ủy Liên Chiểu, làm tổ trưởng, tổ chức tiếp xúc cử tri chuyên đề với công nhân – người lao động, nhằm phát huy vai trò của công nhân trong việc góp phần xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội của doanh nghiệp, địa phương, đồng thời lắng nghe ý kiến phản ánh về tâm tư, nguyện vọng của công nhân.

Tổ đại biểu HĐND thành phố đơn vị quận Liên Chiểu tổ chức tiếp xúc cử tri trên địa bàn quận 

Đời sống công nhân, người lao động còn nhiều khó khăn

Hiện nay, trên địa bàn quận Liên Chiểu có 2 khu công nghiệp với tổng số 289 doanh nghiệp, trong đó có 88 doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài, với khoảng 38.874 công nhân lao động, tập trung chủ yếu trên địa bàn phường Hòa Khánh Bắc. Lực lượng công nhân ở các khu công nghiệp có vai trò quan trọng trong việc đóng góp vào sự phát triển kinh tế của quận Liên Chiểu nói riêng cũng như thành phố Đà Nẵng nói chung. Đồng thời, cũng đặt ra nhiều vấn đề cần quan tâm giải quyết như: tình hình an ninh, trật tự phức tạp, tệ nạn xã hội; điều kiện ăn, ở, sinh hoạt của công nhân tạm bợ; điều kiện giáo dục cho con em công nhân còn hạn chế; các điều kiện phục vụ đời sống tinh thần còn nghèo nàn.

Một trong những vấn đề được phần lớn cử tri rất quan tâm, nêu kiến nghị tại buổi tiếp xúc là việc xây dựng thêm trường mầm non, và thủ tục nhập học của con em công nhân lao động trên địa bàn. Ông Nguyễn Thanh Dũng, thuộc Ban Điều hành Tổ công nhân tự quản số 01, đề xuất thành phố đầu tư xây dựng nhà trẻ, nhà mẫu giáo cho đối tượng là con em công nhân lao động (CNLĐ) tại khu dân cư Quang Thành 4A, 4B nằm gần cổng Khu công nghiệp Hòa Khánh, nơi tập trung đông công nhân và người lao động ở khu công nghiệp Hòa Khánh đến sinh sống tạm trú đông nhất. Theo chị Nguyễn Thị Theo, công tác tại công ty May TPU (khu công nghiệp Hòa Khánh), hiện nay, đa số gia đình công nhân lao động gặp có con lớn gặp nhiều khó khăn trong việc làm thủ tục cho con cái đi học tại các trường mẫu giáo, tiểu học, THCS trên địa bàn quận Liên Chiểu, vì chưa có hộ khẩu, tạm trú lâu dài, thủ tục nhập học còn rườm rà, phức tạp; vì vậy, rất mong lãnh đạo thành phố và lãnh đạo quận Liên Chiểu quan tâm đầu tư xây dựng thêm 1 trường tiểu học và 1 trường THCS tại khu vực dân cư Quang Thành 4A, 4B, nhằm tạo điều kiện để con em CNLĐ được đến trường.

Liên quan đến vấn đề về nhà ở cho CNLĐ, anh Lê Minh Huy, công tác tại công ty TNHH Mabuchi (khu công nghiệp Hòa Khánh), cho rằng, hiện nay thành phố cũng đã quan tâm xây dựng nhà ở chung cư bán trả góp thông qua các chủ đầu tư, ngân hàng... cho công nhân tại các khu công nghiệp, tuy nhiên chỉ giải quyết được một phần rất nhỏ so với nhu cầu thực sự của người lao động. Đa số người lao động trong các khu công nghiệp là lao động ngoại tỉnh và tuổi đời còn rất trẻ, vì nhiều lý do khác nhau nên họ chỉ làm việc tại Đà Nẵng một thời gian rồi quay về quê tiếp tục làm ăn sinh sống, vì vậy họ không đủ điều kiện để mua nhà ở xã hội. Do đó, rất mong thành phố có chủ trương xây nhà cho công nhân thuê lâu dài để yên tâm làm việc tại thành phố Đà Nẵng. Đồng tình với ý kiến của anh Lê Minh Huy, chị Phạm Thị Thủy, công tác tại công ty Dinco (khu công nghiệp Hòa Khánh), kiến nghị thành phố xây dựng các khu chung cư thu nhập thấp bán hoặc cho công nhân, người lao động thuê để ổn định cuộc sống.

Công nhân, người lao động nêu kiến nghị tại buổi tiếp xúc

Đối với công nhân ngoại tỉnh, đi đôi với nỗi lo về nhà ở là vấn đề đăng ký tạm trú tạm, tạm vắng. Nêu ý kiến tại buổi tiếp xúc, chị Trần Thị Huệ, công tác tại công ty Dệt phong phú (khu công nghiệp Hòa Khánh) cho biết, thời gian vừa qua, CNLĐ trên địa bàn quận đã được chính quyền và Công an phường đến tận nơi ở hướng dẫn và giúp đỡ làm đăng ký tạm trú, tạm vắng; điều này đã tạo điều kiện rất thuận lợi cho những người công nhân xa nhà yên tâm tham gia lao động sản xuất để cống hiến cho địa phương và xã hội. Do đó, đề nghị lãnh đạo các cấp, các ngành tiếp tục quan tâm giúp đỡ CNLĐ việc làm thực sự có ý nghĩa và hết sức cần thiết này.

Xây dựng khu vui chơi, khu thiết chế văn hóa cho con em CNLĐ hiện làm việc trong các khu chế xuất, khu công nghiệp cũng là một vấn đề được cử tri quan tâm. Chị Nguyễn Thị Đông, tổ trưởng Tổ tự quản số18, cho biết, sau khi chia tách từ khu dân cư Đa Phước 2, hiện nay chi bộ 4,5,6 Đa Phước 2 chưa có Nhà Văn hóa để tổ chức các hoạt động cũng như nơi sinh hoạt văn hóa tinh thần cho thanh niên công nhân, người lao động. Vì vậy, đề nghị lãnh đạo quận Liên Chiểu và lãnh đạo thành phố quan tâm hỗ trợ đầu tư xây dựng Nhà Văn hóa để người dân, người lao động, đặc biệt là công nhân lao động cư trú tại các Tổ công nhân tự quản khu nhà trọ có được nơi giao lưu, sinh hoạt nhằm nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho anh em công nhân sau những ngày làm việc vất vả tại khu công nghiệp.

Các cấp, các ngành cùng vào cuộc

Thấu hiểu và chia sẻ với những khó khăn của CNLĐ, đặc biệt là CNLĐ ngoại tỉnh, trong những năm qua, chính quyền thành phố, địa phương, các sở, ngành đã nỗ lực từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của lực lượng công nhân. Nhằm giải quyết nhu cầu bức xúc về nhà ở cho người lao động đang làm việc trong các khu công nghiệp, UBND thành phố đã có Quyết định số 1772/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án phát triển nhà ở công nhân các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; theo đó, trên địa bàn quận Liên Chiểu, đến năm 2020 thành phố dự kiến phát triển nhà ở công nhân tại một số địa điểm như: dự án Khu chung cư nhà ở xã hội khu công nghiệp Hoà Khánh tại vệt kẹp đường ĐT 602 và khu công nghiệp Hoà Khánh, với tổng mức đầu tư trên 639 tỷ đồng; dự án Nhà ở công nhân và người lao động tại khu đất B4-1, B4-2 thuộc khu tái định cư Hòa Hiệp 4, với quy mô 14 khối nhà 9 tầng (2.112 căn hộ) và các công trình phụ trợ, tổng mức đầu tư trên 1.200 tỷ đồng. Bên cạnh đó, trước thực tế điều kiện sinh hoạt trong những khu nhà trọ tư nhân là tạm bợ, không đảm bảo an toàn, UBND thành phố đã phê duyệt nhiệm vụ thiết kế, Quy chế và kế hoạch cuộc thi tuyển phương án kiến trúc mẫu nhà ở, nhà trọ công nhân các khu công nghiệp; kết quả cuộc thi sẽ được UBND thành phố chọn lọc, dự kiến ban hành trong năm 2018.

Xác định giáo dục là vấn đề bức thiết đối với CNLĐ có con em đang độ tuổi đến trường, UBND thành phố và UBND quận Liên Chiểu đang tiếp tục đầu tư xây dựng để mở thêm các trường, đặc biệt là trường mầm non và tiểu học. UBND thành phố cũng đã tiếp nhận dự án Trung tâm chăm sóc giáo dục mầm non OneSky- Đà Nẵng do tổ chức Half the Sky Foundation tài trợ, thu nhận hơn 250 trẻ là con công nhân nghèo trong khu công nghiệp, khu chế xuất quận Liên Chiểu, thời gian giữ trẻ từ 6h-18h30 với học phí ưu đãi là 800.000đ.  UBND quận Liên Chiểu cũng đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp nhằm đảm bảo an ninh trật tự tại các khu vực tập trung các nhà trọ; thực hiện chặt chẽ công tác quản lý, đăng ký tạm trú, tạm vắng; tăng cường tuần tra, kiểm soát, trấn áp tội phạm; phối hợp giải quyết tốt các trường hợp đình công, lãng công, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động. Từ cuối năm 2016 đến đầu năm 2017, Quận ủy, UBND quận đã giao Công an quận chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương tiến hành khảo sát, đánh giá kỹ toàn bộ thực trạng nhà cho thuê trọ, phòng cho thuê trọ. Qua đó, làm việc với chủ nhà cho thuê, nâng cấp, cải tạo, đảm bảo kiên cố nhằm bảo vệ tài sản của người thuê trọ.

Nhằm chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho CNLĐ, tổ chức công đoàn đã triển khai thực hiện nhiều hoạt động liên quan đến quyền và lợi ích của công nhân, như giám sát việc mua bảo hiểm, chế độ tiền lương, thưởng, nghỉ lễ, nghỉ tết, thăm bệnh, thai sản, thời gian lao động, an toàn lao động.... đa dạng hóa các hoạt động vui chơi giải trí, giao lưu thể thao, văn hóa văn nghệ; định kỳ tổ chức “Phiên chợ Công nhân” bán hàng giảm giá, hàng khuyến mãi đảm bảo chất lượng phục vụ CNLĐ. UBND thành phố và quận Liên Chiểu đã đầu tư xây dựng Trung tâm Văn hóa Thể thao công nhân tại Khu công nghiệp Hòa Khánh có diện tích 4.500 m2, với tổng mức đầu tư hơn 4,2 tỷ đồng, phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa, thể thao, rèn luyện thân thể của CNLĐ trên địa bàn quận. Đặc biệt, từ nguồn “Quỹ Hoạt động xã hội Công đoàn”, đã xây dựng, sửa chữa 24 nhà “Mái ấm Công đoàn’ với số tiền 495 triệu đồng; hỗ trợ đột xuất cho 423 đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với số tiền 216 triệu đồng; hướng dẫn thủ tục và phối hợp thực hiện giải ngân cho 122 đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động khó khăn vay 3,6 tỷ đồng từ “Quỹ trợ vốn công nhân, viên chức, lao động nghèo thành phố”.

Tại buổi tiếp xúc, 20 công nhân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn được tặng quà hỗ trợ

Chia sẻ và tiếp thu đầy đủ ý kiến, kiến nghị của cử tri, CNLĐ về vấn đề nhà ở, việc làm, giáo dục, y tế, vệ sinh an toàn thực phẩm, ông Võ Công Chánh cho biết, tổ đại biểu HĐND thành phố đơn vị quận Liên Chiểu sẽ tổng hợp, báo cáo, trình UBND thành phố xử lý. Ông Võ Công Chánh khẳng định, trong thời gian đến, tổ đại biểu sẽ tiếp tục tổ chức các buổi tiếp xúc với công nhân, người lao động nhằm lắng nghe tâm tư nguyện vọng, kịp thời nắm bắt những khó khăn, bất cập để có biện pháp xử lý, hỗ trợ phù hợp. Trước mắt, ông Võ Công Chánh đề nghị Sở Tư pháp thành phố phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và xã hội thành phố tăng cường phổ biến pháp luật với những tài liệu tuyên truyền dành riêng cho CNLĐ về những chủ trương, cơ chế, chính sách hỗ trợ của nhà nước cũng như thành phố đối với đối tượng này, bởi qua ý kiến của cử tri tại buổi tiếp xúc có thể nhận thấy CNLĐ đang rất thiếu thông tin về quyền lợi, nghĩa vụ của mình như lương, thưởng; chế độ thai sản; chế độ làm việc, tăng ca... Đặc biệt, thống nhất công khai số điện thoại đường dây nóng của Liên đoàn lao động thành phố để công nhân, người lao động phản ánh là: 0236 3841721.

NGÔ HUYỀN

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác