Doanh nghiệp cần nắm rõ và thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về lao động
Đăng ngày 18-06-2018 01:41, Lượt xem: 535

Năm 2018, thành phố Đà Nẵng chọn chủ đề là “Năm đẩy mạnh thu hút đầu tư” với mong muốn tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, công khai, minh bạch cho doanh nghiệp. Nhằm giúp doanh nghiệp và người lao động hiểu rõ hơn về mối quan hệ lao động và nắm bắt các quy định của pháp luật về lao động, an toàn lao động trong doanh nghiệp, ngày 15-6, Cổng Thông tin điện tử thành phố Đà Nẵng phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức chương trình đối thoại trực tuyến với chủ đề “Quan hệ lao động và An toàn lao động trong doanh nghiệp”, để cung cấp thông tin, giải đáp các vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp liên quan đến vấn đề này.

Ông Nguyễn Văn An, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương Binh và Xã hội thành phố, chủ trì buổi đối thoại

Hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện quy định của pháp luật về lao động

Hiện nay, số lao động làm việc trong các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố là 319.956 người, trong đó đã giao kết hợp đồng lao động đạt tỷ lệ 98,37% trong tổng số lao động làm việc trong các doanh nghiệp; có 6.068 doanh nghiệp đã xây dựng và gửi thang lương, bảng lương đến cơ quan quản lý nhà nước; có 770 doanh nghiệp, đơn vị đăng ký nội quy lao động và có 830 doanh nghiệp ký kết và gửi Thỏa ước lao động tập thể đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Ban Quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất Đà Nẵng. Theo ông Nguyễn Văn An, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương Binh và Xã hội thành phố, nhìn chung, các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đã có ý thức hơn trong việc chấp hành pháp luật lao động và thực hiện đầy đủ hơn về nghĩa vụ của mình đối với người lao động; tuy nhiên, vẫn còn những doanh nghiệp chưa thực hiện đúng các quy định của pháp luật lao động, ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động. Trả lời câu hỏi của bạn đọc Lê Văn Dương về giải pháp để hạn chế tình trạng một số doanh chưa xây dựng thang lương, bảng lương làm ảnh hưởng đến quyền lợi người lao động, ông Nguyễn Văn An, cho biết, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố thường xuyên tổ chức tập huấn, tuyên truyền, hướng dẫn doanh nghiệp xây dựng và thực hiện thang lương, bảng lương để làm cơ sở trả lương cho người lao động; đồng thời, định kỳ hằng năm tổ chức kiểm tra, hướng dẫn để doanh nghiệp thực hiện đúng quy định pháp luật. Trong trường hợp doanh nghiệp đã hiểu biết cụ thể về quy định này nhưng vẫn cố tình vi phạm thì cơ quan chức năng (Thanh tra Sở) sẽ căn cứ vào mức độ vi phạm để xử lý vi phạm hành chính theo quy định. Cụ thể như, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động không gửi thang lương, bảng lương đến cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện theo quy định; phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động không xây dựng thang lương, bảng lương hoặc xây dựng thang lương, bảng lương không đúng quy định của pháp luật...

Cùng quan tâm đến các quy định về thang lương, bảng lương, bạn đọc Đỗ Thị Nga đặt câu hỏi về việc thang lương, bảng lương phải xây dựng bao nhiêu bậc và quy định giữa các bậc lương như thế nào. Về vấn đề này, bà Hồ Thị Ánh Vân, Trưởng phòng Lao động Tiền lương bảo hiểm xã hội, cho biết, theo quy định tại Khoản 2 Điều 7 Nghị định số 49/2013/NĐ-CP ngày 14-5-2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật lao động, số bậc của thang lương, bảng lương do công ty quyết định phụ thuộc vào độ phức tạp quản lý, cấp bậc công việc hoặc chức danh đòi hỏi và khoảng cách chênh lệch 2 bậc lương liền kề phải bảo đảm khuyến khích người lao động nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ, tích lũy kinh nghiệm, phát triển tài năng nhưng chênh lệch giữa 2 bậc lương liền kề ít nhất bằng 5%. Gửi câu hỏi đến chương trình đối thoại, bạn đọc Nguyễn Ngọc Hùng cho biết, ông ty bạn được thành lập năm 2014 và đã đăng ký thang lương, bảng lương theo mức tiền cụ thể; qua nhiều lần thay đổi mức lương tối thiểu vùng, công ty có thực hiện tăng lương cho người lao động nhưng chưa lấy ý kiến của tập thể người lao động và đăng ký lại thang lương bảng lương. Như vậy công ty có bị vi phạm pháp luật lao động không. Theo bà Hồ Thị Ánh Vân, căn cứ Khoản 5, Khoản 6 Điều 7 Nghị định số 49/2013/NĐ-CP ngày 14-5-2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về tiền lương thì công ty thực hiện tăng lương cho người lao động nhưng chưa lấy ý kiến của tập thể người lao động và đăng ký lại thang lương bảng lương là chưa đúng quy định pháp luật. Vì vậy, khi doanh nghiệp rà soát, sửa đổi, bổ sung thang lương, bảng lương thì phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện tập thể người lao động tại doanh nghiệp và công bố công khai thang lương, bảng lương tại nơi làm việc của người lao động trước khi thực hiện, đồng thời gửi cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện (Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận, huyện) nơi đặt cơ sở sản xuất của doanh nghiệp để theo dõi, kiểm tra.

Đai diện các doanh nghiệp tham gia và đặt cau hỏi trực tiếp tại buổi đối thoại

Một trong những vấn đề được doanh nghiệp và người lao động quan tâm, đặt nhiều câu hỏi đến chương trình là các nội dung liên quan đến cấp phép lao động, an toàn lao động. Bạn Phạm Khánh Quân hỏi về việc công ty bạn có thực hiện đúng quy định không nếu chỉ tổ chức huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, còn những người lao động khác thì không thực hiện. Trả lời câu hỏi của bạn Quân, bà Trần Thị Hồng Vân, Chánh Thanh tra Sở, cho biết, Khoản 2 Điều 150 Bộ luật lao động 2012 quy định: người sử dụng lao động, người làm công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động phải tham dự khóa huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động, kiểm tra, sát hạch và cấp chứng chỉ, chứng nhận do tổ chức hoạt động dịch vụ huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động thực hiện; người sử dụng lao động phải tổ chức huấn luyện về an toàn lao động, vệ sinh lao động cho người lao động, người học nghề, tập nghề khi tuyển dụng và sắp xếp lao động, hướng dẫn quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động cho người đến thăm quan, làm việc tại cơ sở thuộc phạm vi quản lý của người sử dụng lao động; người lao động làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, vệ sinh lao động phải tham dự khóa huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động, kiểm tra sát hạch và được cấp chứng chỉ. Căn cứ quy định trên, việc người sử dụng lao động chỉ tổ chức huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động tại doanh nghiệp là chưa đúng quy định. Với hành vi vi phạm đó, người sử dụng lao động sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức xử phạt tùy thuộc vào số lượng lao động chưa được huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động (từ 1.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng). Trả lời bạn đọc Nguyễn Bá Tiến về việc công ty hoạt động trong lĩnh vực xây dựng nhưng không trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động để đảm bảo an toàn trong lao động, mặc dù người lao động đã đề nghị, bà Trần Thị Hồng Vân khẳng định, công ty phải thực hiện việc mua phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động. Vấn đề này đã được quy định tại Thông tư 04/2014/TT-BLĐTBXH ngày 12-2-2014 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, nếu đơn vị không thực hiện thì người sử dụng lao động bị phạt tiền theo Điều 17 Nghị định số 95/2013/NĐ-CP, với các mức phạt từ 3.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.

Tăng cường quản lý lao động nước ngoài

Trong những năm gần đây, xu hướng người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam nói chung và thành phố Đà Nẵng nói riêng đang gia tăng; vì vậy, các doanh nghiệp, người sử dụng lao động rất quan tâm tìm hiểu các quy định liên đến quản lý lao động nước ngoài. Là công ty có vốn đầu tư nước ngoài đóng trên địa bàn Đà Nẵng và đang có nhu cầu tuyển người lao động nước ngoài vào làm việc, bạn Nguyễn Thành An đặt câu hỏi về nơi nộp hồ sơ và các thủ tục để người lao động nước ngoài được vào làm việc Theo ông Võ Văn Tiến, Trưởng phòng Việc làm – an toàn lao động, căn cứ quy định tại Khoản 1, Điều 4 Nghị định số 11/2016/NĐ-CP ngày 3-2-2016 của Chính phủ, trước hết để người nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam thì công ty có trách nhiệm xác định nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài đối với vị trí công việc đó đồng thời có báo cáo giải trình với Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng. Khi có văn bản chấp thuận của Chủ tịch UBND, công ty mới được phép sử dụng lao động nước ngoài. Sau khi được sự đồng ý của Chủ tịch UBND, công ty thực hiện việc nộp hồ sơ xin cấp giấy phép lao động đối với những người lao động nước ngoài mà công ty dự kiến sử dụng. Hồ sơ xin cấp giấy phép lao động phải có đầy đủ các nội dung được quy định tại Điều 10 Nghị định 11/2016/NĐ-CP. Về cách thức nộp hồ sơ báo cáo giải trình nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài và thủ tục đề nghị cấp giấy phép lao động, công ty thực hiện nộp hồ sơ qua dịch vụ công trực tuyến tại địa chỉ: egov.danang.gov.vn. Trả lời câu hỏi của bạn đọc Nguyễn Mạnh Dũng về các mức xử lý vi phạm hành chính đối với những hành vi vi phạm các quy định của pháp luật lao động về sử dụng lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam, ông Võ Văn Tiến cho biết, đối với hành vi không thông báo tình hình sử dụng lao động là người nước ngoài cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động hoặc báo cáo nhưng chưa đảm bảo những nội dung, thời hạn theo quy định của pháp luật, mức phạt tiền là từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng; hành vi sử dụng lao động nước người làm việc mà không có giấy phép lao động hoặc không có giấy xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động hoặc sử dụng người lao động nước ngoài có giấy phép lao động đã hết hạn, mức phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 45.000.000 đồng với vi phạm từ 1 người đến 10 người, từ 45.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng với vi phạm từ 11 người đến 20 người, từ 60.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng với vi phạm từ 21 người trở lên.

Các chuyên viên nghiệp vụ của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội trả lời câu hỏi của bạn đọc gửi đến chương trình

Về thủ tục để được sử dụng người lao động nước ngoài vào làm việc tại công trình đã trúng thầu do bạn Bùi Ngọc Hà đặt câu hỏi, ông Võ Văn Tiến cho biết, trước hết nhà thầu phải thực hiện thủ tục kê khai số lượng, trình độ, năng lực chuyên môn, kinh nghiệm của người lao động nước ngoài cần huy động để thực hiện gói thầu tại Việt Nam và đề nghị tuyển người lao động Việt Nam vào các vị trí công việc dự kiến tuyển người lao động nước ngoài (có kèm theo xác nhận của chủ đầu tư) theo đúng biểu mẫu  quy định và gửi đến UBND thành phố Đà Nẵng. Trong thời hạn tối đa 2 tháng kể từ ngày nhận được đề nghị tuyển từ 500 người lao động Việt Nam trở lên và 1 tháng kể từ ngày nhận được đề nghị tuyển dưới 500 người lao động Việt Nam mà không giới thiệu hoặc cung ứng người lao động Việt Nam được cho đơn vị nhà thầu thì Chủ tịch UBND thành phố Đầ Nẵng xem xét, quyết định việc nhà thầu được tuyển người lao động nước ngoài vào các vị trí công việc không tuyển được người lao động Việt Nam. Trường hợp đơn vị nhà thầu được cho phép tuyển người lao động nước ngoài vào các vị trí công việc không tuyển được người lao động Việt Nam của Chủ tịch UBND thành phố thì đơn vị tiến hành các thủ tục đề nghị cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài vào làm việc theo quy định. Thành phần hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động thực hiện theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 11/2016/NĐ-CP.

Theo ông Nguyễn Văn An, thời gian qua, nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài trong các doanh nghiệp hoạt động ở các lĩnh vực thương mại, dịch vụ và du lịch trên địa bàn thành phố tăng nhanh. Với chức năng là cơ quan tham mưu cho thành phố trong công tác quản lý nhà nước về lao động nước ngoài, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố đã phối hợp với các sở, ngành, các địa phương trong công tác quản lý, cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài vào làm việc tại các doanh nghiệp. Để quản lý tốt cũng như tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong việc sử dụng lao động là người nước ngoài vào làm việc, Sở đã tham mưu UBND thành phố ban hành Quy chế phối hợp quản lý lao động người nước ngoài trên địa bàn thành phố; tổ chức tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài qua dịch vụ công trực tuyến và rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ so với quy định của Trung ương. Bên cạnh đó, các cơ quan như Công an, Lao động, Thương binh và Xã hội, Văn hóa - Thể thao, Du lịch… cũng tăng cường thực hiện công tác kiểm tra từng ngành, liên ngành để hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện tốt việc sử dụng lao động nước ngoài, đồng thời phát hiện kịp thời và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng lao động nước ngoài trên địa bàn thành phố.

NGÔ HUYỀN

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác