Ý kiến cử tri luôn được Quốc hội  lắng nghe, tôn trọng
Đăng ngày 21-06-2018 09:50, Lượt xem: 300

Hội trường trung tâm hành chính quận Thanh Khê chật cứng với hơn 500 đại diện cử tri đến dự buổi tiếp xúc của Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố nhằm báo cáo kết quả kỳ họp thứ 5 của Quốc hội khóa XIV. Buổi tiếp xúc kéo dài gần 4 tiếng đồng hồ  với số lượng cử tri phát biểu 21/24 ý kiến với 68 vấn đề, đã thể hiện sự quan tâm đến những vấn đề “nóng” và  mong muốn được gửi gắm đến đại diện cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước.

Mối quan tâm lớn nhất của các cử tri Thanh Khê có lẽ là vấn đề độc lập, chủ quyền quốc gia trong Luật đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt (Luật Đặc khu) cho dù Quốc hội đã  quyết định dời lại vào kỳ họp thứ 6. Các ý kiến phát biểu đều bày tỏ sự không đồng tình với thời hạn cho thuê đất như dự thảo là 99 năm. “ Nếu cho thuê thì chỉ tối đa là 30 năm thôi. Kéo dài quá, đời con cháu ta liệu có đòi lại được không?”, cử tri Nguyễn Hùng, Phường Hòa Khê phát biểu bày tỏ băn khoăn bởi các khu vực được lựa chọn làm đặc khu lại cũng chính là nơi có vị trí chiến lược quan trọng của đất nước.  Cũng nói về Luật Đặc khu nhưng cử tri Nguyễn Thanh Ngọc lại đặt vấn đề nên xem xét lại có cần thiết phải thành lập các đặc khu hay không ? hay chỉ cần có những chính sách, cơ chế đặc biệt cho một địa phương hay khu vực nào đó phát triển .“Một số quốc gia trên thế giới cũng từng có các đặc khu kinh tế nhưng hiệu quả thì không cao. Trong thời đại công nghệ 4.0, trong thế giới phẳng như hiện nay, diện tích đất đai, không gian sống  không còn là những điều kiện quyết định cho sản xuất kinh doanh nữa. Như vậy liệu đặc khu  có phải là một bước đi đột phá phát triển hay sẽ vướng nhiều hệ lụy khó lường” cử tri Ngọc thẳng thắn nói.  Cũng như ý kiến của cử tri Nguyễn Bá Trôi (Chính Gián), ông Nguyễn Thanh Ngọc đề nghị nên phát huy nội lực trong nước để đầu tư phát triển các khu kinh tế đặc biệt chứ không nên tính chuyện cho nước ngoài thuế đất. Ví dụ như giao cho VinGroup phát triển Phú Quốc, Vietel  đầu tư vào Vân Đồn, SunGroup đầu tư cho Vân Phong …

 Cử tri Nguyễn Thanh Ngọc: "nên chăng cần có chính sách cơ chế để phát triển địa phươnghơn là đặc khu kinh tế" 

Cử tri Lê Đình Phi (phường  Xuân Hà) đề nghị Quốc hội cần lắng nghe ý kiến của nhân dân. Ông Phi cũng cho rằng do Luật Đặc khu cũng như Luật An ninh mạng nếu được tuyên truyền rộng rãi đề người dân hiểu, đóng góp ý kiến xây dựng thì sẽ không dẫn đến những phản ứng thái quá hoặc bị lôi kéo kích động để gây nên những hoạt động quá khích tại một số địa phương thời gian qua. Cử tri Nguyễn Phú Hải đề nghị hệ thống thông tin chính quyền các cấp cần được củng cố làm tốt hơn nhiệm vụ tuyên truyền, hướng dẫn đến người dân về chính sách pháp luật; nâng cao tính năng tương tác giữa công dân với chính quyền thành phố; phản ảnh những ý kiến nguyện vọng của người dân đến chính quyền thành phố.  

Qua theo dõi các kỳ họp Quốc hội, cử tri đánh giá cao những  hoạt đông  của các đại biểu quốc hội trên diễn đàn, cũng như công tác tiếp xúc cử tri đã có nhiều đổi mới. Tuy vậy, các cử tri Hà Vinh và Nguyễn Hữu Phúc cho rằng trách nhiệm giám sát của các Đại biểu Quốc hội chưa cao như mong muốn; nhiều vấn đề vướng mắc của địa phương chưa được tháo gỡ kịp thời cũng như nhiều vụ việc tiêu cực kéo dài chưa được xử lý gây tác động lớn đến niềm tin của nhân dân. 

Bày tỏ bức xúc trước nhiều vấn đề tiêu cực như tham nhũng, phá rừng, gây thất thoát tài sản… cử tri đề nghị Quốc hội, HĐND các cấp cần phát huy mạnh mẽ hơn công tác giám sát việc thực hiện pháp luật, nhất là giám sát chặt chẽ trách nhiệm của người đứng đầu. Trước vấn đề bổ  nhiệm cấp tướng trong lực lượng công an, cử tri Lê Thị Tám thẳng thắn bày tỏ sự không đồng tình “Người dân mong đạt được những chỉ tiêu phát triển kinh tế, đời sống, việc làm chứ không phải là chỉ tiêu về số lượng các ông tướng”.    

Cử tri thành phố cũng bày tỏ sự quan tâm đến công tác cán bộ. Sự việc kỷ luật đối với nhiều cán bộ chủ chốt cấp thành phố  thời gian qua đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới nhịp độ phát triển và uy tín của thành phố nhưng đến nay chậm được xử lý.  Cử tri thành phố cũng thẳng thắn đề nghị các đại biểu Quốc hội cần kiến nghị các cơ quant rung ương sớm xử lý dứt điểm vụ việc liên quan đến Phan Văn Anh Vũ (Vũ “nhôm”), thu hồi tài sản thất thoát. Cử tri cũng bày tỏ sự đồng tình với lãnh đạo thành phố trong việc xử lý nghiêm đối với các vụ vi phạm trật tự đô thị như xây dựng trái phép, yêu cầu xử lý thu hồi đối với  các dự án không triển khai …

Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa phát biểu tiếp thu ý kiến cử tri

Thay mặt đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa đã tiếp thu đồng thời trả lời một số ý kiến cử tri. Theo Bí thư Trương Quang Nghĩa, tại kỳ họp thứ 5, không khí dân chủ, đổi mới thẳng thắn, dân chủ đã được thể hiện rất rõ nét ; việc Quốc hội chưa thông qua Luật Đặc khu trong kỳ họp thứ 5 này chính là thể hiện sự lắng nghe, tôn trọng ý kiến của người dân. Cùng với  việc phát biểu tại Hội trường, đoàn ĐBQH thành phố cũng đã có nhiều hoạt động khác nhằm giải quyết những vấn đề còn vướng mắc của thành phố . Người đứng đầu Thành ủy cũng bày tỏ cùng cử tri  những  trăn trở về đường hướng phát triển của thành phố để xứng đáng với vai trò động lực của khu vực miền Trung –Tây nguyên.  Kỳ vọng của nhân dân, niềm tin của nhân dân gửi gắm thông qua ý kiến của cử tri tại các cuộc tiếp xúc luôn được lắng nghe, tôn trọng, tiếp thu, xử lý nghiêm túc. Bí thư đề nghị cử tri tiếp tục quan tâm giám sát, đóng góp ý kiến để xây dựng thành phố, xây dựng đất nước, thể hiện tình yêu nước của mình một cách phù hợp, chân thành.       

Một số ý kiến của cử tri là các vấn đề thuộc thẩm quyền  cũng đã được Chủ tịch UBND thành phố và Chủ tịch  UBND quận Thanh Khê giải thích trả lời tại buổi tiếp xúc. 

Ngày 22-6, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố cũng sẽ tiếp xúc cử tri quận Hải Châu tại Trung tâm hành chính quận

LÊ HOA

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác