Trao đổi một số nội dung lớn trong dự thảo Luật Đặc xá (sửa đổi)
Đăng ngày 02-07-2018 13:46, Lượt xem: 344

Ngày 2-7, tại Đà Nẵng, Ủy ban Tư pháp Quốc Hội tổ chức hội thảo "Một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau về Dự thảo Luật Đặc xá (sửa đổi)". Tham dự có bà Lê Thị Nga - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh - Cục trưởng Cục pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp (Bộ Công an), Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Văn Miên cùng sự tham gia của các chuyên gia tư pháp các địa phương.

Tại hội thảo, các chuyên gia đã trao đổi, trình bày các chuyên đề về thời điểm đặc xá; đối tượng được đề nghị đặc xá theo quy định của dự thảo Luật Đặc xá (sửa đổi), phân tích trong mối liên hệ với đối tượng được tha tù trước thời hạn theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015; điều kiện phải chấp hành xong hình phạt bổ sung là hình phạt tiền, nghĩa vụ bồi thường... Đồng thời, thảo luận về đặc xá trong trường hợp đặc biệt; pháp luật đặc xá một số nước và kinh nghiệm rút ra đối với việc hoàn thiện pháp luật Việt Nam. Qua đó, góp phần hoàn thiện quy định trong dự thảo Luật về phạm vi điều chỉnh thời điểm đặc xá, điều kiện được đặc xá; đối tượng được đặc xá, các trường hợp không đề nghị đặc xá, trình tự thực hiện việc đặc xá… để báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Ông Nguyễn Đình Quyền - Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp trình bày chuyên đề về thời điểm đặc xá

Theo ông Nguyễn Đình Quyền - Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trên thế giới, thời điểm đặc xá theo đợt được nguyên thủ quốc gia quyết định chủ yếu dựa trên truyền thống và tiền lệ - thường vào dịp đặc biệt, trọng đại của quốc gia. Pháp luật các nước trên thế giới thường không quy định cụ thể vấn đề này, pháp luật Việt Nam cũng theo hướng này. Điều này xuất phát từ vị trí, chức năng của đặc xá trong hệ thống các biện pháp hình sự mang tính nhân đạo, khoan hồng. Tuy nhiên, để kiểm soát và bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của thẩm quyền đặc xá thì các nước có những cơ chế, cách thức khác nhau để thực hiện. Về mặt pháp lý, pháp luật đặc xá các nước thường giới hạn, kiểm soát việc thực hiện quyền đặc xá thông qua những quy định về chủ thể đề nghị, tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình, thủ tục cũng như sự tham gia mang tính đại diện và chuyên môn của các chủ thể có liên quan. Bên canh đó, quy phạm đạo đức, chính trị và truyền thống pháp lý cũng giữ vai trò quan trọng. 

Phát biểu tại hội thảo, bà Lê Thị Nga - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho biết, Luật Đặc xá (sửa đổi) được ban hành sẽ cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013 bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, đồng thời khắc phục những khó khăn, bất cập trong việc thực hiện đặc xá trong những năm qua. Luật Đặc xá (sửa đổi) được xây dựng theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật trên cơ sở tổng kết thực tiễn, tiếp thu ý kiến tham gia của các bộ ngành, các địa phương, cơ quan chuyên môn của Quốc hội và ý kiến của các đại biểu Quốc hội, của cử tri nhân dân.

CÔNG TÂM

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác