Đẩy mạnh triển khai đề án “Tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn giai đoạn 2017 - 2020”
Đăng ngày 19-07-2018 00:42, Lượt xem: 400

Tình trạng lạm dụng kê đơn thuốc, kê đơn không hợp lý và bán lẻ thuốc kê đơn mà không có đơn thuốc đã gây ra những tác hại nặng nề đối với người bệnh và xã hội, đặc biệt là tình trạng kháng thuốc kháng sinh. Đây là nhận định của Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường tại buổi làm việc với UBND thành phố Đà Nẵng về tiến độ triển khai đề án “Tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn giai đoạn 2017 - 2020” và công tác chuẩn bị tổ chức Hội nghị Ủy ban tư vấn ASEAN về tiêu chuẩn và chất lượng Nhóm công tác dược phẩm ASEAN lần thứ 25 tại Đà Nẵng, vào chiều 18-7.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường phát biểu tại buổi làm việc

Cùng với Nam Định, Vĩnh Phúc, Cần Thơ, Đà Nẵng là 1 trong 4 địa phương trong cả nước được Bộ Y tế phối hợp triển khai thực hiện thí điểm đề án “Tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn giai đoạn 2017 – 2020. Báo cáo tại buổi làm việc, Bác sĩ Nguyễn Tiên Hồng, Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố, cho biết, để chuẩn bị triển khai thực hiện đề án tại địa phương, Sở Y tế đã tổ chức 2 buổi phổ biến Luật Dược số 105/QH13, Thông tư số 52/TT-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế ngày 29-12-2017 Quy định về đơn thuốc và việc kê đơn hóa dược, sinh phẩm trong điều trị ngoại trú; đồng thời, xây dựng kế hoạch thanh tra các cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở bán lẻ thuốc, hậu kiểm các cơ sở bán lẻ đã được cấp giấy chứng nhận “Thực hành tốt nhà thuốc” (GPP). Bên cạnh đó, tăng cường hoạt động truyền thông, tuyên truyền cho cộng đồng về việc sử dụng thuốc an toàn, hợp lý; tác hại của việc tự ý sử dụng thuốc kê đơn, hậu quả của kháng kháng sinh; lợi ích khi khám bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh. 

Đặc biệt, để khảo sát, đánh giá thực trạng kê đơn và bán thuốc kê đơn trên địa bàn thành phố, Sở Y tế thành phố đã đăng ký đề tài nghiên cứu khoa học cấp thành phố “Đánh giá hoạt động kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn trên địa bàn thành phố Đà Nẵng năm 2018-2019” với các mục tiêu cụ thể: đánh giá thực trạng về hoạt động kê đơn và bán thuốc kê đơn theo quy định trên địa bàn thành phố Đà Nẵng; tìm hiểu các yếu tố liên quan đến việc tuân thủ các quy định về hoạt động kê đơn và bán thuốc kê đơn theo quy định; triển khai các hoạt động kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và các cơ sở bán lẻ thuốc trên địa bàn thành phố.

Theo Bác sĩ Nguyễn Tiên Hồng, hiện nay, khoảng 66% các cơ sở bán lẻ thuốc trên địa bàn thành phố có máy tính và kết nối internet, là điều kiện thuận lợi cho việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà thuốc. Tuy nhiên, vẫn tồn tại một số bất cập, khó khăn như: các cơ sở bán lẻ thuốc tại các xã còn khó khăn của huyện Hòa Vang chưa được trang bị máy tính và kết nối mạng internet; trình độ sử dụng máy tính, phần mềm của nhân viên các cơ sở bán lẻ thuốc không đồng đều, một số nhân viên lớn tuổi gặp khó khăn trong việc tiếp nhận, đào tạo, sử dụng phần mềm; một số phần mềm có nhiều lỗi trong quá trình sử dụng, những lỗi này không được hỗ trợ nhanh, đầy đủ từ nhà cung cấp phần mềm, gây khó khăn cho các cơ sở trong việc sử dụng phần mềm.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Trương Quốc Cường cho biết, đề án “Tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn giai đoạn 2017 - 2020” nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về việc sử dụng thuốc an toàn, hợp lý và nâng cao trách nhiệm của cán bộ y tế, đặc biệt là người kê đơn thuốc và bán lẻ thuốc, trong việc thực hiện quy định của pháp luật về kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn mà trọng tâm là kháng sinh, qua đó góp phần giảm tình trạng kháng kháng sinh, lạm dụng thuốc, sử dụng thuốc không hợp lý. Vì vậy, đề nghị thành phố Đà Nẵng sớm ban hành kế hoạch triển khai đề án một cách chi tiết, cụ thể, trong đó cần chú trọng công tác tuyên truyền đến các cơ sở khám chữa bệnh, nhà thuốc, người dân; trước mắt có thể triển khai trên quy mô nhỏ tại 1 vài quận, huyện để rút ra đánh giá hiệu quả một cách chính xác nhất. Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, trong thời gian đến, Bộ sẽ ban hành chuẩn hóa đầu ra cho các phần mềm quản lý nhà thuốc, trên cơ sở đó, đề nghị thành phố Đà Nẵng cũng như 3 địa phương còn lại khẩn trương tiến hành triển khai áp dụng, nhằm đảm bảo đúng tiến độ đề án là hết năm 2018 thực hiện kết nối mạng các nhà thuốc, cơ sở bán buôn, các bệnh viện trên toàn quốc.

Về công tác chuẩn bị tổ chức Hội nghị Ủy ban tư vấn ASEAN về tiêu chuẩn và chất lượng Nhóm công tác dược phẩm ASEAN lần thứ 25, Thứ trưởng Trương Quốc Cường đề nghị thành phố Đà Nẵng tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế trong công tác hậu cần phục vụ hội nghị như các thủ tục liên quan đến xuất nhập cảnh của đại biểu, công tác đảm bảm an ninh, đảm bảo an toàn thực phẩm, đảm bảo y tế... nhằm đảm bảo hội nghị diễn ra thành công, tốt đẹp.

NGÔ HUYỀN

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác