Đà Nẵng quảng bá tiềm năng thế mạnh đến WEF ASEAN 2018
Đăng ngày 12-09-2018 15:17, Lượt xem: 375

Từ ngày 11 đến 13-9, Việt Nam đăng cai Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN năm 2018 (WEF ASEAN 2018). Đây là cơ hội để Đà Nẵng tranh thủ tiếp cận, quảng bá tiềm năng thế mạnh của mình đến với các đối tác, doanh nghiệp hàng đầu thế giới.

Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ dự buổi tiếp Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong chuỗi hoạt động tại WEF ASEAN 2018

Với vị trí chiến lược quan trọng cả về kinh tế - xã hội và quốc phòng - an ninh, Đà Nẵng đang dần được định hình là đô thị biển hiện đại, có bản sắc riêng, là trung tâm thương mại - du lịch và dịch vụ, bưu chính - viễn thông, tài chính - ngân hàng, và cũng là một trong những trung tâm giáo dục và đào tạo của miền Trung.

Đà Nẵng cũng chú trọng xây dựng môi trường sống có chất lượng và thân thiện với môi trường, là điểm đến hấp dẫn, thành phố thông minh gắn với phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, du lịch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thương mại và dịch vụ. Cùng với đó, thành phố đã, đang và luôn nỗ lực trong việc nâng cao vai trò đổi mới, cải thiện môi trường đầu tư và tính năng động của các cấp chính quyền nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Điều đó được thể hiện qua việc Đà Nẵng luôn nằm trong các địa phương dẫn đầu cả nước về các chỉ số đánh giá như PCI, PAPI, PAR index, ICT Index…

Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ cho biết, Đà Nẵng xác định tập trung thu hút đầu tư trong và ngoài nước là một trong những hoạt động quan trọng nhằm góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố trong thời gian đến. Vì vậy, WEF ASEAN 2018 là dịp quan trọng để Đà Nẵng thông tin đến các đối tác trong nước và quốc tế những chính sách thể hiện sự thiện chí, sự minh bạch, công bằng trong thu hút đầu tư của mình.

Bên cạnh việc tham gia các hoạt động chung tại WEF ASEAN 2018 lần thứ 27 với chủ đề “ASEAN thời đại 4.0: Tinh thần doanh nghiệp và Cách mạng công nghiệp lần thứ 4”, sự kiện thu hút hơn 1.000 đại biểu đại diện các chính phủ, doanh nghiệp hơn 300 phóng viên trong nước và quốc tế, lãnh đạo UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức hơn 10 buổi làm việc song phương với các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của thế giới và khu vực như Visa, Schneider Electric, Emotiv, Mitsubishi, Hitachi Asia, Cisco, Nokia, Ericsson, Philips Electronics, Shipa Freight UAE…

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh cùng đại diện các sở, ngành tiếp song phương với các nhà đầu tư tham dự WEF ASEAN 2018

Tại các buổi gặp song phương, các lĩnh vực công nghệ cao, CNTT – viễn thông, điện tử - tự động hóa, logistics, y tế, tài chính…của Đà Nẵng nhận được nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư. Cụ thể, Tập đoàn Cisco System, Nokia quan tâm đến sự phát triển của Đà Nẵng trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) và đô thị thông minh. Đồng quan điểm và nhu cầu, ông Olivier Oullier, Chủ tịch Công ty Emotiv (chuyên về nghiên cứu và phát triển công nghệ điện não, công nghệ điều khiển tự động bằng điện não) tìm hiểu về hạ tầng, nhân lực, các khu công nghệ thông tin và các chính sách ưu đãi đầu tư của Đà Nẵng để công ty có những chiến lược phát triển mới.

Ông Tommy Leong, Giám đốc vùng Đông Á và Nhật, Công ty Schneider Electric kiêm thành viên Ban Giám đốc Phòng Thương mại và Quốc tế Singapore thì cho biết, Việt Nam là quốc gia đang nổi lên trong khu vực và là một trong những thị trường mà công ty có mức tăng trưởng cao nhất. Qua tìm hiểu những tiềm năng và lợi thế của Đà Nẵng, ông Tommy Leong cam kết sẽ khuyến khích các đối tác tìm hiểu đầu tư vào Đà Nẵng và trong tương lai dài hạn sẽ nghiên cứu mở rộng phạm vi sản xuất của công ty tại thành phố. Đồng thời, Công ty cũng đề xuất được tham gia các dự án thành phố thông minh, dự án sử dụng năng lượng mặt trời tại Đà Nẵng.

Đánh giá cao những đề xuất của Công ty Schneider Electric, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh cũng đề nghị Công ty tham gia góp ý đối với đề án xây dựng thành phố thông minh và tham gia tư vấn xây dựng chính sách, dự án sử dụng năng lượng mặt trời, nhất là tại khu vực nội đô của thành phố.

Ông Denis Brunetti, Tổng Giám đốc Ericsson tại Việt Nam kiêm Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) thì đề xuất Đà Nẵng cần sớm đẩy nhanh dự án xây dựng thành phố thông minh, hoàn thiện Khu Công nghệ cao và Khu Công nghệ thông tin tập trung để các nhà đầu tư cũng như Công ty Ericsson nói riêng nghiên cứu, triển khai hiệu quả đầu tư vào Đà Nẵng. Cùng với đó, Chủ tịch EuroCham cũng đề nghị thành phố tập trung thu hút thêm nhân lực người nước ngoài đến làm việc và sinh sống để tận hưởng những giá trị của thiên nhiên mang lại cho thành phố.

Trên lĩnh vực logistics, với định hướng của Đà Nẵng là tập trung phát triển hệ thống cảng hàng không, cảng biển (Cảng Liên Chiểu, mở rộng Cảng Tiên Sa) và các khu ngoại quan, hậu cần logistics, ông Toby Edwards, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Shipa Freight (Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất - UAE) thuộc Tập đoàn Agility bày tỏ mong muốn thành lập Văn phòng đại diện của Công ty tại Đà Nẵng để phục vụ cho các doanh nghiệp thành phố và các khu vực lân cận. Đồng thời, Công ty cũng đề xuất Đà Nẵng tập trung phát triển hơn nữa để trở thành trung tâm logistics của Việt Nam và khu vực.

Những năm qua, GDP của thành phố Đà Nẵng luôn tăng trưởng ổn định, đạt khoảng 9%/năm, cao hơn 1,5 lần so với tỷ lệ tăng trưởng GDP của cả nước.

Kinh tế Đà Nẵng khá đa dạng với tỷ trọng trong GDP của ngành dịch vụ chiếm 53%, công nghiệp 33% và nông nghiệp 2%. Đà Nẵng hiện có hơn 22.000 doanh nghiệp, 59 trung tâm thương mại, siêu thị, gần 700 khách sạn và khu nghỉ dưỡng, 6 khu công nghiệp đang được khai thác hiệu quả và 4 khu công nghiệp mới đang được quy hoạch.

Để thu hút các dự án đầu tư chất lượng, đáp ứng yêu cầu định hướng phát triển của thành phố, ngoài Công viên phần mềm số 1 đang hoạt động, thành phố còn đang triển khai xây dựng và hoàn thiện Khu công nghệ cao Đà Nẵng, Khu Công nghệ thông tin tập trung và quy hoạch xây dựng Công viên phần mềm số 2.

Sân bay quốc tế Đà Nẵng là sân bay quốc tế lớn thứ 3 của Việt Nam với 28 đường bay trực tiếp quốc tế đến Đà Nẵng, tần suất gần 200 chuyến/tuần.

Tính đến nay, Đà Nẵng thu hút được hơn 630 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đến từ 43 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng vốn đầu tư hơn 3,16 tỷ USD. Trong những năm qua, đầu tư trực tiếp nước ngoài đã tham gia tích cực vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế thành phố theo hướng thương mại, du lịch, dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp và đóng góp đáng kể vào sự tăng trưởng chung của nền kinh tế thành phố, góp phần gia tăng vốn đầu tư phát triển và tạo việc làm cho hơn 53.000 lao động.

QUỲNH TRÂM

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác