Kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong công tác quản lý an toàn thực phẩm
Đăng ngày 17-09-2018 10:19, Lượt xem: 209

Ngày 17-9, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đặng Việt Dũng chủ trì Hội nghị Giao ban công tác an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố, nhằm nghe báo cáo tình hình triển khai thực hiện nhiệm vụ 7 tháng đầu năm 2018, và có hướng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các đơn vị, sở, ngành chức năng nhằm triển khai tốt công tác an toàn thực phẩm trong thời gian đến.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đặng Việt Dũng chủ trì Hội nghị Giao ban công tác an toàn thực phẩm

trên địa bàn thành phố

Báo cáo về công tác quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) trong lĩnh vực giết mổ gia súc, gia cầm, ông Nguyễn Đỗ Tám, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố, cho biết, trên địa bàn thành phố hiện có 8 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung được phép hoạt động; trong đó có 4 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, 2 cơ sở giết mổ gia súc và 2 cơ sở giết mổ gia cầm, với phương thức giết mổ chủ yếu vẫn là thủ công. Đợt kiểm tra, đánh giá tháng 5-2018, trong 8 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm có 5 cơ sở xếp loại A và 3 cơ sở xếp loại B. Theo ông Nguyễn Đỗ Tám, việc UBND thành phố ban hành Quyết định 15/2012/QĐ-UBND quy định về quản lý hoạt động giết mổ, vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn thành phố đã góp phần tích cực trong quản lý hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm và vận chuyển sản phẩm động vật trên địa bàn thành phố. Đến nay, đã xóa bỏ hết các điểm giết mổ nhỏ lẻ không đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y, các cơ sở được phép hoạt động đều được đầu tư sửa chữa, nâng cấp; việc vận chuyển sản phẩm động vật từ cơ sở giết mổ đến các nơi kinh doanh tiêu thụ hầu hết được thực hiện trên các phương tiện chuyên dùng. Hàng năm, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đều thực hiện chương trình lấy mẫu để kiểm tra chất cấm, tồn dư kháng sinh tại các cơ sở giết mổ và kinh doanh sản phẩm động vật; năm 2017, kiểm tra 133 mẫu thức ăn chăn nuôi, nước tiểu gia súc và thịt đều không phát hiện các chất cấm, kim loại nặng và tồn dư kháng sinh.

Nhằm triển khai đề án “Quy hoạch khu vực chăn nuôi quy mô nhỏ; kiểm soát giết mổ động vật, vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn thành phố Đà Nẵng”, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị UBND thành phố chỉ đạo UBND huyện Hòa Vang đẩy nhanh đầu tư xây dựng mới 2 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm để đưa một số hộ giết mổ nhỏ lẻ vào giết mổ tập trung trên địa bàn huyện. Về vấn đề này, Phó Chủ tịch Đặng Việt Dũng giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố chủ trì, phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan nhanh chóng thống nhất địa điểm xây dựng mới 2 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, trên cơ sở đó hoàn thiện công tác chuẩn bị đầu tư trước ngày 20-10 nhằm đảm bảo khởi công xây dựng vào cuối năm 2018. Phó Chủ tịch cũng yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiến hành rà soát điều kiện vệ sinh tại tất cả các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố, kiên quyết chấm dứt tình trạng giết mổ trên nền đất, thay thế bằng phương pháp giết mổ treo hay giết mổ trên sạp, xử phạt nghiêm cơ sở vi phạm, thậm chí đóng cửa cơ sở trong trường hợp vi phạm nhiều lần; đồng thời, qua rà soát, đề xuất các hình thực hỗ trợ cần thiết, phù hợp cho các cơ sở giết mổ nhằm nâng cao chất lượng, đảm bảo ATTP. Đối với việc giết mổ gà, vịt, cá... tại các chợ, Phó Chủ tịch Đặng Việt Dũng đề nghị Sở Công thương chủ trì, chỉ đạo các địa phương tiếp tục nâng cấp các chợ theo tiêu chuẩn vệ sinh ATTP, đảm bảo có khu vực giết mổ riêng trên sạp, không để xảy ra tình trạng giết mổ dưới nền đất.

Dự kiến, cuối năm 2018, thành phố Đà Nẵng sẽ xây dựng 2 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung tại huyện Hòa Vang

Theo báo cáo của Ban Quản lý An toàn thực phẩm, thời gian qua, các Sở, UBND quận, huyện và các đơn vị quản lý chợ đã có nhiều nỗ lực trong công tác tuyên truyền, triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về ATTP và xây dựng chợ đảm bảo điều kiện ATTP, qua đó thiện một bước về điều kiện cơ sở vật chất tại một số chợ, nhận thức của người kinh doanh thực phẩm được nâng lên; tuy nhiên, so với yêu cầu về điều kiện đảm bảo ATTP theo tiêu chuẩn TCVN 11856: 2017 về chợ kinh doanh thực phẩm thì các chợ trên địa bàn thành phố hiện nay chưa đạt yêu cầu. Cụ thể như, việc bố trí phân khu chức năng giữa các ngành hàng thực phẩm chưa hợp lý, ví dụ như khu hàng rau sống bố trí ngay sát khu hàng thịt, hàng cá, quầy kinh doanh sản phẩm thịt chín ngay sát quầy thịt sống; nền sàn khu vực buôn bán thực phẩm chưa được sạch sẽ, nhất là khu buôn bán thực phẩm tươi sống, còn đọng nước bẩn, chưa được vệ sinh thường xuyên; hệ thống cấp thoát nước chưa đến từng hộ kinh doanh thịt, thủy sản tươi sống và dịch vụ ăn uống; các hộ tiểu thương kinh doanh thực phẩm để chung với hàng hóa, hóa chất, như kinh doanh hàng gia vị, sản phẩm thực phẩm để chung với nước tẩy rửa, khử trùng, xà phòng... gây mất ATTP.

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch Đặng Việt Dũng yêu cầu Ban Quản lý An toàn thực phẩm tiến hành rà soát hệ thống chợ các cấp trên địa bàn thành phố, từ chợ do thành phố quản lý đến chợ do quận/huyện, phường/xã quản lý, kể cả chợ cóc tự phát; qua đó xác định, công nhận các chợ đã đảm bảo điều kiện ATTP, đồng thời tiếp tục đề xuất bổ sung, nâng cao các tiêu chuẩn mới về chợ ATTP hướng đến tiêu chuẩn TCVN 11856: 2017, báo cáo UBND thành phố trong tháng 9 -2018. Phó Chủ tịch nhấn mạnh, phải làm sao để phấn đấu đến năm 2020, 100% chợ trên địa bàn thành phố đảm bảo điều kiện ATTP.

Liên quan đến đề án Phòng xét nghiệm chuyên sâu về an toàn thực phẩm, Phó Chủ tịch Đặng Việt Dũng đề nghị Ban Quản lý An toàn thực phẩm căn cứ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để tổ chức thực hiện, trong đó tập trung đánh giá thực trạng, phân tích và nêu rõ các nguồn lực tối đa hiện có của Ban, lập ra kế hoạch, số lượng mẫu cần xét nghiệm trong một năm. Trên cơ sở kế hoạch, số lượng mẫu và khả năng đáp ứng của các đơn vị khác trên địa bàn thành phố hiện nay, đề xuất việc đầu tư, mua sắm trang thiết bị xét nghiệm chuyên sâu thiết thực nhất, tránh việc đầu tư thiết bị nhưng ít sử dụng gây lãng phí, đảm bảo phục vụ công tác quản lý, giám sát chất lượng về ATTP; báo cáo, đề xuất cụ thể UBND thành phố xem xét trước ngày 15-10.

Phó Chủ tịch Đặng Việt Dũng nhấn mạnh, là 1 trong 4 nhiệm vụ “4 an”, trong thời gian qua, công tác ATTP được thành phố quan tâm chỉ đạo quyết liệt, nhiều chương trình, đề án được triển khai, qua đó cơ bản quản lý được công tác ATTP trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch UBND thành phố, “để đạt được mục tiêu cung cấp thực phẩm sạch cho người dân từ khâu nuôi trồng, sản xuất đến bàn ăn thì ngành quản lý ATTP thành phố vẫn còn rất nhiều việc phải làm”. Phó Chủ tịch đề nghị các ngành, trên cơ sở nhiệm vụ được giao, cần tích cực phối hợp, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho địa phương kịp thời, không để kéo dài, chờ đến các cuộc họp giao ban lớn của ngành; đồng thời, phối hợp với Ban Quản lý An toàn thực phẩm xây dựng kế hoạch cho năm 2019, đảm bảo việc thực hiện nhiệm vụ ngành được xuyên suốt. Phó Chủ tịch Đặng Việt Dũng cũng lưu ý Ban Quản lý An toàn thực phẩm xây dựng chiến dịch truyền thông bài bản, lâu dài nhằm tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân đối với vấn đền vệ sinh an toàn thực phẩm.

NGÔ HUYỀN

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác