Sản phẩm nông nghiệp Đà Nẵng hướng đến tiêu chí chất lượng, an toàn
Đăng ngày 19-09-2018 02:21, Lượt xem: 447

Nhằm cung cấp đến bạn đọc, doanh nghiệp, nhà đầu tư những thông tin về định hướng phát triển nông nghiệp của thành phố, cũng như những kiến thức cơ bản trong lựa chọn sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn, ngày 18-9, Cổng Thông tin điện tử thành phố phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức chương trình tọa đàm, đối thoại trực tuyến với chủ đề “Phát triển nông nghiệp hữu cơ, sinh thái”. 

Ông Nguyễn Đỗ Tám, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thành phố, chủ trì buổi đối thoại

Hướng đi mới cho nông nghiệp 

Trong những năm gần đây, quá trình đô thị hóa mạnh mẽ của thành phố đã tác động không nhỏ đến sự phát triển của nông nghiệp, nông thôn và đời sống, tập quán sản xuất của người nông dân. Trong bối cảnh đó, ngành nông nghiệp thành phố đã có những cách làm, hướng đi phù hợp với xu thế phát triển, góp phần quan trọng trong việc chủ động nguồn lương thực, thực phẩm, đảm bảo kiểm soát chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm phục vụ nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng thành phố. Ông Nguyễn Đỗ Tám, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thành phố, cho biết, quan điểm phát triển ngành nông nghiệp thành phố Đà Nẵng trong giai đoạn 2016-2020 là: phát triển nông nghiệp và nông thôn theo hướng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; nông nghiệp hữu cơ tạo ra sản phẩm nông nghiệp sạch, đảm bảo an toàn thực phẩm theo chuỗi cung cấp sản phẩm an toàn; hình thành những sản phẩm đặc trưng, chủ lực gắn với du lịch sinh thái nông nghiệp và phục vụ đô thị. Theo đó, nông nghiệp Đà Nẵng tập trung xây dựng và phát triển theo hướng hài hòa đô thị, nông nghiệp sinh thái, đặc trưng, chủ lực và tạo ra sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn. 

Để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, tạo nên những sản phẩm sạch, an toàn, Hội đồng nhân dân thành phố đã ban hành Nghị quyết số 104/2017/NQ-HĐND ngày 7-7-2017 về chính sách khuyến khích đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn thành phố và tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị xúc tiến, thu hút các nhà đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Thành phố đã phê duyệt 7 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, diện tích hơn 500 ha nhằm kêu gọi đầu tư trong các lĩnh vực trồng rau, hoa, nấm, cây dược liệu, chăn nuôi khép kín ứng dụng công nghệ cao, nuôi trồng thủy sản. Cụ thể bao gồm: vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hòa Ninh, Hòa Phú (90ha); vùng chăn nuôi tập trung Hòa Khương (30ha); vùng chăn nuôi tập trung Hòa Bắc (230ha); vùng sản xuất rau an toàn thôn 5 Hòa Khương (20ha), thôn Nam Thành (Hòa Phong, Khương); vùng nuôi tôm Trường Định (50ha).  

Bên cạnh đó, thành phố cũng ban hành nhiều chính sách hỗ trợ trong phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, tập trung vào 2 nhóm: ưu đãi, hỗ trợ về đất đai và hỗ trợ về đầu tư sản xuất. Cụ thể như, ngân sách Nhà nước ưu tiên bố trí vốn để đầu tư hạ tầng về giao thông, thủy lợi, điện, cấp thoát nước đến hàng rào dự án đối với khu, vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo dự án được duyệt và kế hoạch bố trí vốn ngân sách của cấp có thẩm quyền; nhà đầu tư được ưu tiên bố trí quỹ đất, giao đất, cho thuê đất, mặt nước tại vùng, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo phê duyệt quy hoạch của thành phố; trường hợp phải thực hiện thu hồi, bồi thường, giải phóng mặt bằng thành phố bố trí ngân sách để thực hiện hoặc ký kết thỏa thuận với nhà đầu tư ứng trước kinh phí để thực hiện, thành phố sẽ khất trừ vào tiền thuê đất của nhà đầu tư. Ngân sách nhà nước ưu tiên bố trí vốn để đầu tư hạ tầng về giao thông, thủy lợi, điện, cấp thoát nước đến hàng rào dự án đối với khu,vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo dự án được duyệt và kế hoạch bố trí vốn ngân sách của cấp có thẩm quyền; hỗ trợ đầu tư đối với dự án sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên lĩnh vực hoa, rau, củ quả, trồng cây dược liệu và sản xuất giống cây trồng, giống cây lâm nghiệp phục vụ trồng rừng gỗ lớn, dự án giống vật nuôi, chăn nuôi gia súc, gia cầm; hỗ trợ lãi suất vay vốn đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thời gian hỗ trợ lãi suất vay không quá 3 năm. theo ông Nguyễn Đỗ Tám, đẩy mạnh xúc tiến, thu hút đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong phát triển nông nghiệp thành phố. Đến nay, bước đầu đã thu hút các doanh nghiệp đầu tư, tập đoàn kinh tế quan tâm đến đầu tư nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn thành phố và đã phát triển được một số mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên các lĩnh vực sản xuất thủy sản nông lâm. 

Đối với mục tiêu hình thành những sản phẩm đặc trưng, chủ lực gắn với du lịch sinh thái nông nghiệp, bà Ngô Thị Thu Vân, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến ngư nông lâm thành phố Đà Nẵng, cho biết, hiện nay, thành phố đang triển khai thực hiện chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tập trung tại huyện Hòa Vang, bước đầu đã có một số sản phẩm chủ lực, đặc trưng có tiềm năng, lợi thế và đang được xây dựng, phát triển với 6 nhóm sản phẩm, bao gồm: nhóm sản phẩm thực phẩm với lúa giống Hòa Tiến, lúa hữu cơ Hòa Vang, rau, củ quả an toàn Hòa Vang, nấm thương phẩm, nấm dược liệu, dưa hấu, dưa lưới Trường Định,  vú sữa Hòa Liên, trứng cút Trà Kiểm, bánh tráng Túy Loan,  bò thịt Hòa Bắc,… trong đó có một số sản phẩm đã được cấp chứng nhận nhãn hiệu, chứng nhận an toàn, VietGAP, được hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu; nhóm sản phẩm đồ uống với rượu cần Phú Túc, mía Hòa Bắc, chè dây Hòa Bắc và khôi phục sản phẩm mới chè tươi tại Hòa Ninh, Hòa Sơn; nhóm sản phẩm thảo dược với mật ong tại Hòa Bắc; nhóm sản phẩm vải, gia công may mặc; nhóm sản phẩm lưu niệm, nội thất, trang trí với đá trang trí Hòa Sơn; nhóm sản phẩm dịch vụ du lịch nông thôn với 2 sản phẩm dịch vụ du lịch sinh thái đồng bào dân tộc tại Hòa Bắc, Hòa Phú và một số mô hình vườn sinh thái, vườn mẫu, thôn kiểu mẫu. Đây là những sản phẩm được lựa chọn, đề xuất từ các địa phương trên cơ sở phát huy tiềm năng lợi thế gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới.

Các sản phẩm nông nghiệp an toàn được giới thiệu tại Hội thảo Thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao thành phố Đà Nẵng

Tìm hiểu về nông nghiệp hữu cơ 

Một trong những vấn đề được độc giả rất quan tâm, gửi câu hỏi đến chương trình đối thoại là về các sản phẩm nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Giải thích rõ hơn về nông nghiệp hữu cơ, bà Ngô Thị Thu Vân, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến ngư nông lâm thành phố Đà Nẵng, cho biết, nông nghiệp hữu cơ là hệ thống sản xuất bảo vệ tài nguyên đất, hệ sinh thái và sức khỏe con người, dựa vào các chu trình sinh thái, đa dạng sinh học thích ứng với điều kiện tự nhiên, không sử dụng các yếu tố gây tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái; là sự kết hợp kỹ thuật truyền thống và tiến bộ khoa học để làm lợi cho môi trường chung, tạo mối quan hệ công bằng và cuộc sống cân bằng cho mọi đối tượng trong hệ sinh thái. Sản xuất nông nghiệp hữu cơ là hệ thống quá trình sản xuất, sơ chế, chế biến, bao gói, vận chuyển, bảo quản phù hợp với tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ. 

Bà Ngô Thị Thu Vân cho biết thêm, chứng nhận PGS là chứng nhận cấp cho các nhóm hoặc các nông dân sản xuất tuân theo quy trình và các tiêu chuẩn PGS, đảm bảo sản phẩm được chứng nhận được sản xuất theo đúng quy trình, tuân thủ các quy định trong sản xuất hữu cơ. Trên thế giới, chứng nhận PGS được áp dụng tại các nước có nền nông  nghiệp phát triển: Hoa Kỳ, Brazil, New Zealand... Tại Việt Nam hiện nay, PGS là hệ thống duy nhất chứng nhận chất lượng các sản phẩm hữu cơ cho thị trường nội địa. Theo bà Ngô Thị Thu Vân, chứng nhận PGS là đáng tin cậy, đảm bảo những sản phẩm được đưa tới bữa ăn của khách hàng thực sự là sản phẩm hữu cơ. Tin vui cho nhà sản xuất và người tiêu dùng thành phố là trong thời gian đến, Đà Nẵng sẽ được tổ chức RiKolto (Bỉ) tài trợ chương trình can thiệp ngành hàng rau giai đoạn 2017-2021; RiKolto sẽ chuyển giao hệ thống PGS đối với sản xuất rau an toàn, rau hữu cơ cho thành phố. 

Trả lời câu hỏi của độc giả về sự khác nhau giữa sản phẩm nông nghiệp hữu cơ và sản phẩm an toàn, ông Đoàn Văn Bảo, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, cho biết, sự khác biệt rõ nhất giữa các loại sản phẩm hữu cơ với sản phẩm an toàn khác là quy trình sản xuất. Sản xuất các sản phẩm hữu cơ không sử dụng thuốc trừ sâu và phân hoá học, trong khi quy trình sản xuất rau quả và sản phẩm nông nghiệp an toàn vẫn sử dụng một số lượng nhất định thuốc trừ sâu và phân bón hoá học tuy nhiên phải đảm bảo tuân thủ đúng các qui định và qui trình kỹ thuật. So với sản phẩm an toàn khác, các sản phẩm hữu cơ sẽ có chất lượng hơn, thơm ngon, giàu chất dinh dưỡng hơn, bảo quản được lâu hơn và giá cả sẽ đắt hơn. Một  sản phẩm nông sản được công nhận là an toàn, hay hữu cơ nghĩa là sản phẩm đó đảm bảo an toàn khi con người sử dụng; vì vậy, tùy theo nhu cầu và khả năng tài chính, người tiêu dùng có thể chọn sản phẩm nông nghiệp hữu cơ hoặc sản phẩm an toàn khác. 

Hiện nay trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, có nhiều siêu thị, mini mart cung cấp nông sản hữu cơ như gạo hữu cơ Quế Lâm, Huyết rồng, orgaGro; thịt heo hữu cơ Aus Farm, GoGreen... Để mua được đúng sản phẩm hữu cơ, thì sản phẩm đạt tiêu chuẩn hữu cơ phải được gắn nhãn ” Certified Organic Foods” hoặc có dấu xác nhận tiêu chuẩn mà sản phẩm đó được chứng nhận (như USDA-NOP, EC, dấu nhận diện của tổ chức chứng nhận). Một số sản phẩm nông nghiệp hữu cơ của Đà Nẵng đang sản xuất sản phẩm theo hướng hữu cơ như gạo, nấm rơm  An Trạch – Hòa Tiến, chuối thanh tiêu Hòa Phú, rau Túy Loan. 

NGÔ HUYỀN 

 

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác