Công nghệ 4.0 với xây dựng Chính phủ điện tử
Đăng ngày 30-11-2018 18:20, Lượt xem: 153

Nằm trong khuôn khổ Ngày hội khởi nghiệp Techfest Vietnam 2018, chiều 30-11, Hội thảo khởi nghiệp Công nghệ 4.0 diễn ra với sự tham dự của bà Nguyễn Thy Nga, Giám đốc V-Startup, Trưởng làng Công nghệ 4.0; ông Đàm Bạch Dương, Vụ trưởng Vụ công nghệ cao, Bộ Khoa học và Công nghệ; cùng các doanh nghiệp, startup, các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ 4.0 và các chuyên gia trong nước và quốc tế.

Phát biểu khai mạc hội thảo, bà Nguyễn Thy Nga cho biết, Ngày hội khởi nghiệp Techfest Vietnam 2018 được chia thành 8 làng, trong đó Công nghệ 4.0 là một làng mới và cũng là làng chủ đề của Ngày hội, thu hút rất nhiều sự quan tâm và chú ý của các chuyên gia, các nhà đầu tư và startup. Hội thảo khởi nghiệp Công nghệ 4.0 được tổ chức nhằm cung cấp những xu hướng công nghệ mới nhất trong cuộc Cách mạng 4.0 cũng như cách mà các startup ứng dụng nền tảng công nghệ này vào hoạt động của mình, thông qua các tham luận như: Liệu chính phủ điện tử có tạo nên cuộc cách mạng mới ở Đông Nam Á?; Chính phủ số - Những đổi mới sáng tạo từ New Zealand; Chính phủ điện tử xây dựng thành phố thông minh và con người thông minh; Mô hình startup sáng tạo trong kỉ nguyên 4.0 và ứng dụng ở Việt Nam…

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hay được biết đến rộng rãi là cách mạng công nghệ số đang tác động mạnh mẽ và tích cực trên mọi mặt đời sống, kinh tế, chính trị - xã hội như góp phần giúp cải thiện dịch vụ y tế, ngân hàng, xây dựng, giáo dục đào tạo… và một trong số đó là cải cách hành chính công mà mô hình chính phủ điện tử đóng vai trò rất quan trọng. Với việc sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông để thúc đẩy chính phủ một cách hiệu lực và hiệu quả, hỗ trợ truy cập tới các dịch vụ của chính phủ, cho phép truy cập nhiều hơn vào thông tin đã cho thấy những tiềm năng của mô hình này và thậm chí tạo nên sự thay đổi lớn cho các quốc gia, đặc biệt tại những nước đang phát triển như Việt Nam. Hiện nay, hầu hết các chính phủ điện tử đều hướng đến xu thế "người dân là trung tâm" (citizen centric), người dân chỉ cần truy nhập dịch vụ một lần (single sign on) qua một cửa (single window) là có thể tương tác, sử dụng các dịch vụ từ Chính phủ 24/7. Quá trình này sẽ giúp tăng tính minh bạch, giảm chi phí, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, góp phần làm giảm tiêu cực.

Cuộc cách mạng 4.0 đang được đề cập khá nhiều tại Việt Nam, do vậy, việc xây dựng Kiến trúc tổng thể Chính phủ điện tử Việt Nam trong giai đoạn 2018 - 2025 là một chủ đề nóng thu hút sự quan tâm và nghiên cứu của nhiều chuyên gia trong ngoài nước.

NGÔ HUYỀN

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT