Triển khai công tác giáo dục nghề nghiệp năm học 2018-2019
Đăng ngày 09-12-2018 05:39, Lượt xem: 117

Chiều 7-12, Sở Lao động Thương binh và Xã hội tổ chức "Hội nghị triển khai công tác giáo dục nghề nghiệp năm học 2018-2019". Theo thống kê của Sở Lao động Thương binh và Xã hội, tại Đà Nẵng hiện có 64 cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo hơn 52.000 học sinh sinh viên với 260 ngành nghề đào tạo ở các cấp trình độ khác nhau, trong đó có 20 trường cao đẳng, 6 trường trung cấp, 11 trung tâm giáo dục nghề nghiệp và 27 cơ sở khác có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp tuyển sinh, đào tạo liên thông, liên kết, đào tạo theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp. Hiện quy mô tuyển sinh đào tạo thuộc nhóm ngành/ nghề thương mại dịch vụ chiếm 66,07%, ngành công nghiệp xây dựng chiếm 30,95% và ngành nông, lâm, ngư nghiệp chiếm 2,98%. Một bộ phận người dân đã thay đổi nhận thức để tham gia học nghề, giải quyết việc làm, tỷ lệ học sinh sinh viên học nghề ra trường có việc làm trên 70%. Trong đó, một số nghề về dịch vụ du lịch, công nghệ thông tin, cơ khí, công nghệ ô tô có tỷ lệ việc làm đạt 90 – 100%; tỷ lệ thất nghiệp của lao động được được đào tạo nghề chỉ chiếm 10-12% trong tổng số tỉ lệ thất nghiệp của thành phố.

Các em học nghề lĩnh vực dịch vụ du lịch, công nghệ thông tin, cơ khí, công nghệ ô tô... có tỷ lệ việc làm cao

Trong thời gian qua, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên; sửa đổi, bổ sung chương trình, giáo trình đào tạo với sự phối hợp tham gia của doanh nghiệp; đồng thời đầu tư mua sắm thiết bị trang thiết bị giảng dạy với tổng chi phí hơn 26,2 tỷ đồng. Trong năm 2018 – 2019, các trường dạy nghề trên địa bàn thành phố dự kiến sẽ tuyển mới hơn 54.500 học sinh sinh viên, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề lên 53% và 80% lao động học giáo dục nghề nghiệp sẽ được giới thiệu và giải quyết việc làm. Bên cạnh tăng cường hợp tác quốc tế trong thiết kế và chuyển giao chương trình đào tạo, các cơ sở dạy nghề sẽ tiếp tục chủ động xây dựng các dự án để đầu tư vào các nghề trọng điểm theo quy hoạch của thành phố, nâng cao kỹ năng tay nghề của đội ngũ nhà giáo, phối hợp với các doanh nghiệp đưa nhà giáo tham gia vào quá trình sản xuất, dịch vụ tại doanh nghiệp.

Tuy nhiên, sự gắn kết trách nhiệm của doanh nghiệp trong tất cả các khâu của quá trình đào tạo và sử dụng nhân lực sau đào tạo trên địa bàn thành phố vẫn còn nhiều hạn chế. Theo bà Trương Thị Kim Ánh - Đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Đà Nẵng, nhiều doanh nghiệp chưa dự báo được nhu cầu lao động, do đó, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp vẫn còn lúng túng trong việc xác định ngành nghề; số lượng và yêu cầu về kỹ năng lao động một cách chính xác để đào tạo nguồn nhân lực phù hợp với nhu cầu xã hội.

Tại hội nghị, đại diện các trường Cao đẳng nghề, Cao đẳng nghề du lịch thành phố đề nghị thành phố và các ngành liên quan cần sớm ban hành các bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia cho tất cả các ngành nghề và mở rộng đánh giá kỹ năng nghề cho giáo viên, người lao động trong một số ngành nghề phù hợp với cơ cấu phát triển kinh tế xã hội của thành phố. Đồng thời, cần mở rộng quy mô xây dựng Trường Cao đẳng Nghề thành phố theo chuẩn quốc tế và là trường đầu tàu trong đào tạo các nghề kỹ thuật và dịch vụ cho khu vực miền Trung – Tây Nguyên. Cùng với đó, Sở Lao động thương binh và Xã hội phối hợp với các cơ sở dạy nghề chọn một số ngành nghề mũi nhọn, hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động. Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục thực hiện việc hướng nghiệp cho học sinh trung học, phân luồng cho học sinh để giảm thiểu chi phí cho các em học sinh, tránh trường hợp các em học những ngành nghề và trình độ không phù hợp với nhu cầu xã hội, không tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp.

CÔNG TÂM

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác