Hoạt động của Lãnh đạo thành phố trong tuần thứ 50
Đăng ngày 15-12-2018 08:26, Lượt xem: 159

Thường vụ Thành ủy làm việc với Bộ Chính trị về kết quả 15 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị; làm việc với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB); kiểm tra các điểm ngập úng và chỉ đạo khắc phục bất cập thoát nước và sạt lở tại quận Liên Chiểu và huyện Hòa Vang; kiểm tra tiến độ giải tỏa đền bù và thi công hạ tầng dự án Khu công nghệ cao và Khu công nghệ thông tin tập trung; tiếp Đại sứ Argentina tại Việt Nam, Đoàn công tác của thành phố Thành Đô (Trung Quốc) và các đoàn khách quốc tế khác đến thăm và làm việc tại Đà Nẵng... ..là những hoạt động nổi bật của lãnh đạo thành phố trong tuần thứ 50 từ ngày 10/12 đến ngày 15/12.

- Sáng ngày 10-12, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ đã có buổi tiếp đoàn công tác của thành phố Thành Đô- thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc) do ông La Cường, Thị trưởng dẫn đầu đến thăm và làm việc tại Đà Nẵng; cùng đi có bà Hy Tuệ, Tổng lãnh sự Trung Quốc tại Đà Nẵng.  

+ Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ chào mừng chuyến thăm của đoàn công tác thành phố Thành Đô  đến Đà Nẵng đồng thời giới thiệu với đoàn  về tình hình  kinh tế -xã hội của thành phố Đà Nẵng; những thành tựu đã đạt được và cácđịnh hướng mục tiêu phát triển của thành phố trong tương lai. Là một thành phố quan trọng của  khu  vực  miền Trung –Tây nguyên của Việt Nam, Đà Nẵng có vinh dự được đón tiếp các đoàn lãnh đạo cấp cao và các vị nguyên thủ của Trung Quốc đến thăm Đà Nẵng .

+ Chủ tịch cho biết thêm, trong những năm qua Đà Nẵng có thiết lập quan hệ hữu nghị và hợp tác chính thức  với một số địa phương của Trung Quốc như tỉnh Sơn Đông, Giang Tô, đặc khu hành chính Ma Cao, thành phố Côn Minh (tỉnh Vân Nam). Năm 2017, Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc tại Đà Nẵng đã đi vào hoạt động là cầu nối quan trọng cho mối quan hệ hợp tác giữa Đà Nẵng và các địa phương Trung Quốc. Lượng khách du lịch Trung Quốc đến Đà Nẵng ngày càng nhiều thông qua 16 đường bay với tần suất 100 chuyến/ tuần. Hiện nay, Trung Quốc (bao gồm cả Hồng Kông và Đài Loan) có 56 dự án đầu tư FDI tại Đà Nẵng với tổng vốn đầu tư là 98,2 triệu USD.Với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của Đà Nẵng Chủ tịch UBND thành phố  bày tỏ mong muốn  trong thời gian tới hai thành phố sẽ cùng trao đổi để tìm kiếm các cơ hội hợp tác, đặc biệt trong lĩnh vực  du lịch, công nghệ cao; giáo dục -đào tạo và giao cho các ngành liên quan xem xét tiềm năng và thúc đẩy những chương trình kế hoạch hợp tác cụ thể.

- Chiều 10-12. Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ đã có buổi làm việc với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), đơn vị tư vấn thực hiện báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Khu liên hợp xử lý chất thải rắn thành phố

+Tại buổi làm việc, Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường cùng các đơn vị liên quan phối hợp với ADB vận dụng các điều khoản quy định về đầu tư để làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, ngành liên quan, cho phép Đà Nẵng trước mắt chưa phê duyệt Báo cáo khả thi dự án, mà chỉ phê duyệt Báo cáo tiền khả thi dự án và tiến hành bước mời thầu để lựa chọn nhà đầu tư. Cùng với đó, Chủ tịch UBND thành phố đề nghị ADB làm việc với các sở, ngành liên quan sớm đưa ra bộ tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư như ưu tiên công nghệ có tỷ lệ chôn lấp thấp nhất, thân thiện với môi trường; diện tích sử dụng cho dự án hợp lý; khung giá trần quy định của thành phố… để làm cơ sở cho thành phố mời thầu, lựa chọn nhà đầu tư.

+Theo Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ, các phương án ADB đưa ra hiện nay vẫn chưa đáp ứng được các yêu cầu của thành phố. Với chi phí xử lý 37 USD/ tấn rác thì tỷ lệ rác đốt được quá ít (7,3 triệu tấn trên tổng số 18,9 triệu tấn rác); với phương án đốt hoàn toàn thì mức chi phí 65,4 USD/tấn rác là quá cao so với khả năng của thành phố. Vì vậy, phía ADB cần tiếp tục làm việc với các sở, ngành liên quan của thành phố nhằm tính toán, điều chỉnh, tìm ra phương án phù hợp nhất, tối ưu nhất đối với Đà Nẵng.

- Sáng 11-12, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đặng Việt Dũng đã đi kiểm tra các điểm ngập úng và chỉ đạo khắc phục bất cập thoát nước và sạt lở tại quận Liên Chiểu và huyện Hòa Vang.

+Sau khi trao đổi với các hộ dân bị ngập úng nặng nề tại tổ 123 và tổ 124, phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu) do khu đô thị Phước Lý trổ 2 cống thoát nước xuống khu dân cư để chảy ra hồ điều tiết, Phó Chủ tịch Thường trực Đặng Việt Dũng yêu cầu Sở Xây dựng chỉ đạo Công ty CP Đầu tư Đà Nẵng - Miền Trung (đơn vị chủ đầu tư) phải phân lưu hướng thoát nước, giao UBND quận Liên Chiểu phối hợp với chủ đầu tư triển khai khơi thông hướng thoát nước từ khu dân cư ra hồ điều tiết để giảm ngập úng.

+ Phó Chủ tịch Thường trực Đặng Việt Dũng giao UBND quận Liên Chiểu rà soát lại tình hình ngập úng ở khu vực này và hồ sơ giải tỏa trước đây; nếu thấy cần thiết phải giải tỏa thì họp dân để bàn và thống nhất chủ trương, rồi trình thành phố về việc giải tỏa, di dời và bố trí tái định cư.

+ Đến kiểm tra tình hình ngập úng tại khu vực 59 hộ dân ở vùng đệm thoát lũ của kênh thoát lũ Hòa Liên đoạn qua thôn Quan Nam 3 cùng khu vực chậm giải tỏa ở thôn Quan Nam 6, Phó Chủ tịch Thường trực Đặng Việt Dũng yêu cầu Sở Xây dựng và Công ty CP Trung Nam (đơn vị thi công kênh thoát lũ) phối hợp thực hiện các giải pháp giảm ngập úng cho các hộ dân. Sở Xây dựng và Văn phòng UBND thành phố phối hợp trình UBND thành phố xem xét chủ trương giải tỏa, bố trí tái định cư đối với 59 hộ dân nói trên. UBND huyện Hòa Vang chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải tỏa, di dời các hộ dân còn lại ở thôn Quan Nam 6.

+Bên cạnh đó, lãnh đạo thành phố cũng yêu cầu Sở Xây dựng làm việc với các Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng rà soát việc thực hiện hoặc bổ sung phương án thoát nước tạm tại các khu vực đang thi công công trình trên địa bàn thành phố, không để nhà dân bị ngập úng như trong những ngày qua

- Chiều 11-12, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Trương Quang Nghĩa đã có buổi tiếp Đại sứ Argentina tại Việt Nam Juan Carlos Valle Raleigh đến chào xã giao nhân chuyến thăm và làm việc tại Đà Nẵng,

+Tại buổi tiếp, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Trương Quang Nghĩa giới thiệu khái quát tình hình phát triển kinh tế-xã hội của thành phố. Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa cảm ơn sự giới thiệu hợp tác cấp địa phương giữa Đà Nẵng và Mar del Plata của Đại sứ Juan Carlos Valle Raleigh, đồng thời cho rằng đây cũng chính là mong muốn chung của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố.

+Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa cho rằng việc xúc tiến hợp tác giữa hai thành phố trong thời gian tới sẽ góp phần thắt chặt hơn nữa quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với Argentina… Trên cơ sở đó, thành phố Đà Nẵng đã giao Sở Ngoại vụ cùng các sở, ngành chức năng phối hợp, làm việc với phía thành phố Mar del Plata nhằm đề xuất các dự án cụ thể có tiềm năng hợp tác giữa hai thành phố. Theo Bí thư Thành ủy, các lĩnh vực có thế mạnh của Mar de Plata như phát triển du lịch, giáo dục, các hoạt động giao lưu văn hóa, thể thao cũng là những lĩnh vực mà thành phố Đà Nẵng quan tâm, định hướng phát triển. Vì vậy, Bí thư Trương Quang Nghĩa rất mong muốn các dự án hợp tác giữa hai bên sẽ sớm được triển khai trong tương lai, trên quan điểm bình đẳng, hỗ trợ nhau cùng phát triển.

- Chiều 11-12, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh đi kiểm tra thực tế tiến độ giải tỏa đền bù và thi công hạ tầng dự án Khu công nghệ cao và Khu công nghệ thông tin tập trung; đồng thời giải quyết các vướng mắc liên quan đến công tác đền bù giải tỏa tại 2 dự án trọng điểm của thành phố trên địa bàn huyện Hòa Vang.

+Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Hồ Kỳ Minh yêu cầu Ban Giải phóng mặt bằng huyện Hòa Vang tiếp tục  tập trung vận động nhân dân bàn giao mặt bằng để phục vụ thi công; đồng thời đẩy nhanh các thủ tục thu hồi đất, giao đất cho nhà đầu tư và tiến hành bàn giao mặt bằng để triển khai thi công. Việc giải quyết sớm những vướng mắc  liên quan đến công tác đền bù giải tỏa sẽ giúp triển khai thi công đồng bộ, khớp nối hoàn chỉnh hạ tầng Khu công nghệ cao và Khu công nghệ thông tin tập trung. Đại diện Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng cũng đề nghị Sở Xây dựng, Sở Công thương khẩn trương thẩm định các hồ sơ thiết kế, dự toán dự án khớp nối hạ tầng kỹ thuật khu Công nghệ thông tin giai đoạn 1; Sở Giao thông vận tải phối hợp Tổng cục đường bộ Việt Nam hoàn tất thực hiện hồ sơ đấu nối tuyến đường từ Khu Công nghệ thông tin tập trung - Giai đoạn 1 ra nút giao đường tránh Nam hầm Hải Vân với đường Nguyễn Tất Thành nối dài và làm việc với Cục Quản lý đường bộ III để xin cấp giấy phép thi công…

- Ngày 12-12, Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Văn Miên chủ trì buổi tiếp ông Dante Brandi, Tổng Lãnh sự Italy tại thành phố Hồ Chí Minh, nhân chuyến thăm và làm việc tại Đà Nẵng.

+Tại buổi tiếp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Văn Miên  ủng hộ việc mở lại các khóa học tiếng Italy tại Đại học Đà Nẵng, Phó Chủ tịch Trần Văn Miên cho biết, hiện nay, thành phố Đà Nẵng đang đẩy mạnh xúc tiến du lịch tại thị trường châu Âu, vì vậy trong thời gian đến, nhu cầu học ngoại ngữ của sinh viên trong đó có tiếng Italy dự kiến sẽ tăng cao.

+Theo Phó Chủ tịch, với tổng vốn đầu tư khoảng 1,2 triệu USD cho 6 dự án đầu tư FDI của doanh nghiệp Italy tại Đà Nẵng hiện nay, quan hệ hợp tác, đầu tư giữa Đà Nẵng và Italy vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của hai bên, đặc biệt là trong các lĩnh vực thế mạnh như du lịch, dịch vụ. với kinh nghiệm lâu năm trong phát triển du lịch, lữ hành cả về quy hoạch, định hướng và đào tạo nguồn nhân lực, Phó Chủ tịch Trần Văn Miên bày tỏ mong muốn, thông qua sự giới thiệu, kết nối của Ngài Tổng lãnh sự, trong thời gian đến sẽ có nhiều doanh nghiệp Italy quan tâm, đến tìm hiểu môi trường đầu tư, hợp tác với Đà Nẵng trong lĩnh vực này…

- Chiều 12-12, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đặng Việt Dũng làm việc với Sở Du lịch, Viện Nghiên cứu Kinh tế Xã hội thành phố và các sở, ngành liên quan về xây dựng Đề án định hướng phát triển hệ thống cơ sở lưu trú du lịch (CSLTDL ) trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

+Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực Đặng Việt Dũng ghi nhận nỗ lực của các đơn vị trong việc phối hợp thực hiện Đề án nhằm đưa ra các định hướng chung, giải pháp phát triển các loại hình CSLTDL phù hợp với thực tiễn; qua đó, đề xuất các giải pháp kỹ thuật để hạn chế việc xây dựng ồ ạt CSLTDL trong điều kiện cơ sở hạ tầng, giao thông, cấp điện nước, thoát nước và xử lý nước thải của thành phố.

+ Phó Chủ tịch đề nghị trong thời gian tới, các đơn vị cần tiếp tục rà soát khảo sát số liệu, dữ liệu chung, số liệu dự báo tình hình lượng khách du lịch trong thời gian tới… nhằm đưa ra những thông tin tư vấn, những khuyến nghị sát thực nhất về đầu tư xây dựng CSLTDL nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững của dịch vụ lưu trú du lịch và hoạt động du lịch trên địa bàn thành phố. Đồng thời, đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ hệ thống CSLTDL, nâng cao công suất buồng phòng, kéo dài thời gian lưu trú của khách; ban hành các tiêu chí chung trong cấp phép xây dựng CSLTDL bao gồm các điều kiện về diện tích đất, khoảng lùi, vị trí đỗ xe, quy mô diện tích, yêu cầu về phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn; công tác phòng ngừa các tệ nạn xã hội và các loại tội phạm trên địa bàn tại các khách sạn, nhà nghỉ nhằm đảm bảo an toàn cho người dân và du khách... Đặc biệt, tăng cường các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường nhằm hạn chế các ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường đất, nước, không khí và các tài nguyên khác  tại các CSLTDL ven biển và khu vực bán đảo Sơn Trà...

- Chiều ngày 12-12, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đặng Việt Dũng chủ trì cuộc họp với các sở, ngành, địa phương bàn giải pháp nhằm phát triển du lịch đường thủy nội địa trên địa bàn thành phố.

+ Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch cho rằng Năm 2018, du lịch đường thủy nội địa trên địa bàn thành phố có nhiều phát triển khởi sắc.Tuy nhiên, kết quả đó còn chưa tương xứng với tiềm năng, sự kỳ vọng phát triển sản phẩm du lịch đường thủy của thành phố. Vì vậy Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đặng Việt Dũng yêu cầu Sở Du lịch tiếp tục hoàn thiện Kế hoạch phát triển điểm đến, sản phẩm, dịch vụ trên tuyến du lịch thủy nội địa thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2019 – 2021, UBND quận Ngũ Hành Sơn, Cẩm Lệ, Liên Chiểu, huyện Hòa Vang sớm hoàn thiện và đưa Đề án phát triển du lịch về sinh thái, cộng đồng di tích lịch sử K20, Làng rau La Hường, Túy Loan và Thái Lai vào khai thác phục vụ khách du lịch. Song song với kêu gọi đầu tư các dự án dịch vụ vận tải và bến thủy nội địa tại 8 tuyến đường thủy nội địa (Cầu sông Hàn – Cầu Trần Thị Lý, Sông Hàn – Cửa biển – Báo đảo Sơn Trà, Sông Hàn – Hòn Chảo, Sông Hàn – Cù Lao Chàm, Sông Hàn – Ngũ Hành Sơn, Sông Hàn – Cẩm Lệ - Túy Loan – Thái Lai, Sông Cu Đê – Trường Định: 10,4km, Sông Hàn – Vĩnh Điện), Phó Chủ tịch yêu cầu Chi hội vận chuyển đường thủy nội địa tăng cường phối hợp với đơn vị kinh doanh dịch vụ lữ hành tổ chức nghiên cứu khai thác điểm đến K20, CT15, Túy Loan, Thái Lai đầu tư hình thành các tour với lịch trình rõ ràng, giá cả hợp lý, xây dựng đội ngũ hướng dẫn viên; chủ động kết nối các đơn vị kinh doanh lữ hành đưa vào khai thác tuyến đường sông đường thủy nội địa... nhằm thu hút nhiều khách đến với mảng du lịch đầy tiềm năng này hơn.

- Ngày 13-12, tại trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì buổi làm việc của tập thể Bộ Chính trị với tập thể Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng về kết quả 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) (gọi tắt là Nghị quyết 33) về “Xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” ban hành ngày 16-10-2003.

+Sau 15 năm, Đà Nẵng đã có bước phát triển mạnh mẽ, được xem là thành phố đáng sống, là hình ảnh một trong những địa phương tiên phong trong quyết liệt cải cách và năng động phát triển, ngày càng khẳng định là trung tâm kinh tế - xã hội lớn của miền Trung.Cụ thể, kinh tế tăng trưởng tương đối nhanh cả về quy mô và tốc độ. Giai đoạn 2003-2018, tốc độ tăng trưởng bình quân tổng sản phẩm quốc nội trên địa bàn thành phố (GRDP) ước đạt 10%/năm; so với năm 2003 giá trị GRDP năm 2018 tăng gấp 4,2 lần, ước đạt 63.960 tỷ đồng; GRDP bình quân đầu người tăng gần gấp 7 lần, ước đạt 82,8 triệu đồng (3.677 USD).

+Để tiếp tục xây dựng Đà Nẵng theo hướng văn minh, hiện đại và phát triển bền vững, lãnh đạo Đà Nẵng đề nghị Bộ Chính trị tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu ban hành các cơ chế ưu đãi vượt trội mới cho thành phố để có thêm nguồn lực đầu tư nhằm đẩy nhanh quá trình phát triển thành phố như: triển khai thí điểm mô hình chính quyền đô thị đối với Đà Nẵng theo hướng những việc thành phố đảm nhiệm được thì giao cho thành phố, gắn trách nhiệm của thành phố với việc phân quyền. Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa mong muốn Trung ương tiếp tục ban hành nghị quyết mới cho thành phố và cơ chế đặc thù cho Đà Nẵng để thành phố phát triển bền vững hơn nữa trong thời gian tới.

+ Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa khẳng định, với tinh thần xây dựng, trách nhiệm của tập thể Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng, cũng như sự quyết tâm của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố, thời gian tới, Đà Nẵng sẽ tập trung toàn lực để nhận diện và phát huy tốt các động lực tăng trưởng mới, tập trung phát triển vào 5 lĩnh vực mũi nhọn: du lịch và dịch vụ chất lượng cao gắn với bất động sản nghỉ dưỡng; cảng biển, hàng không gắn với dịch vụ logistics; công nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng đô thị sáng tạo, khởi nghiệp; công nghiệp công nghệ thông tin gắn với nền kinh tế số; sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao và ngư nghiệp.“Cùng với đó, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ ngang tầm nhiệm vụ, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền. Phát huy cao độ truyền thống yêu nước cách mạng, sự đồng thuận xã hội, tinh thần tiên phong, năng động, sáng tạo, tự lực tự cường của người Đà Nẵng để phát triển thành phố hơn nữa”, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa nhấn mạnh.

ANH TRỊNH

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác