Hạ tầng sẵn sàng đón chào các nhà đầu tư
Đăng ngày 20-02-2019 07:40, Lượt xem: 324

Khu công nghệ cao Đà Nẵng ngay từ những ngày đầu xuân Kỷ Hợi 2019 đã nhộn nhịp các phương tiện cơ giới, máy móc thi công. Không khí khẩn trương, quyết tâm lan tỏa đến từng công nhân của các đơn vị thi công trên công trình.

Giám đốc Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng khu CNC Đà Nẵng Hồ Thuyên cho biết, năm 2019 thành phố tiếp tục chọn Dự án khu CNC là một trong những dự án trọng điểm của thành phố. Với ý nghĩa đó, BQL dự án tập trung toàn lực đôn đốc các đơn vị thi công hoàn thành hạ tầng kỹ thuật giai đoạn 1 và 2 để tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư.

Khu công nghệ cao (CNC) Đà Nẵng thành lập vào tháng 10/2010, trên diện tích 1.129,76ha tại hai xã Hòa Liên và Hòa Ninh thuộc huyện Hòa Vang với tổng mức đầu tư gần 9 ngàn tỷ đổng từ nguồn vốn Trung ương, địa phương và nguồn vốn khác.

Đây là khu CNC đa chức năng thứ ba của cả nước sau khu CNC Hòa Lạc - Hà Nội và khu CNC thành phố Hồ Chí Minh. Chính phủ đã lựa chọn Khu CNC Đà Nẵng thí điểm nâng cao tính năng sáng tạo, khởi nghiệp với mong muốn Khu CNC sẽ là nơi tạo ra và lan tỏa giá trị, công nghệ mới.

Bước khởi động có nhiều khó khăn nên đến cuối năm 2012, công tác xây dựng hạ tầng kỹ thuật của Khu công nghệ cao mới được bắt đầu và đến cuối năm 2014 mới có mặt bằng để giới thiệu với các nhà đầu tư. Đến nay, Khu công nghệ cao Đà Nẵng đã xây dựng hoàn chỉnh hạ tầng cho khoảng 350 ha đất sạch để kêu gọi các nhà đầu tư.

Các phương tiện thi công trong ngày đầu ra quân trên công trình Khu công nghệ cao Đà Nẵng

Từ doanh nghiệp đầu tiên là công ty Tokyo Keiki Precision Technology (Nhật) được cấp phép đầu tư và đi vào hoạt động vào  năm 2014 với tổng vốn đầu tư 40 triệu USD, đến nay toàn khu đã có 15 doanh nghiệp được cấp phép với tổng số vốn đầu tư gần 8.863 tỷ đồng với tổng diện tích thuê đất 82,55ha. Trong đó có 6 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư  186 triệu đô la, 09 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư 5.272 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Khu CNTT tập trung nằm bên cạnh Khu Công nghệ cao với 341 ha đang khẩn trương hoàn thành các công việc cuối cùng để chính thức khánh thành và đưa vào hoạt động giai đoạn 1 với 131 ha vào cuối tháng 3/2019.

Cùng với đó, thành phố tổ chức rà soát tình hình sử dụng đất tại các khu công nghiệp hiện có để thực hiện việc sắp xếp, thu hồi các dự án không triển khai hoặc sử dụng đất không hiệu quả để bố trí cho các nhà đầu tư khác có nhu cầu. Tính đến ngày 31/10/2018, các lô đất trống còn lại chưa cho thuê tại các khu công nghiệp là 114,70 ha và được công khai rộng rãi trên Trang thông tin điện tử. Tính đến nay đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 475 dự án đầu tư trong khu công nghiệp với tổng số vốn 17.178,99 tỷ đồng và 1.048,246 triệu USD.

Cuối tháng 2 này, Công ty CP Long Hậu sẽ tổ chức lễ Khởi công dự án nhà xưởng cho thuê tại Khu công nghệ cao Đà Nẵng. Đây là dự án đầu tư trong nước với số vốn trên 1 ngàn tỷ đồng, được UBND thành phố trao giấy chứng nhận đầu tư trong năm 2018 vừa qua. Dự án khi đi vào hoạt động sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu đa dạng của các nhà đầu tư, hỗ trợ tốt hơn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong Khu CNC Đà Nẵng. Đối với dự án nhà xưởng này, Công ty Long Hậu sẽ là đơn vị đại diện hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký ngành nghề phụ trợ công nghệ cao thông qua thủ tục một cửa, giúp nhà đầu tư tiết kiệm thời gian, nhanh chóng đi vào hoạt động.

Lãnh đạo thành phố và các đại biểu khách mời chứng kiến nghi thức ký kết Thỏa thuận thuê nhà xưởng

giữa Công ty Long Hậu và Công ty TNHH Hatsuta Seisakusho

Trong năm 2018 và đầu năm 2019, thành phố đã phê duyệt đầu tư 3 Khu công nghiệp mới với gần 950 ha và hai Cụm công nghiệp Cẩm Lệ và Hòa Khánh Nam với gần 50 ha để phục vụ cho các doanh nghiệp sản xuất đang hoạt động trong các khu dân cư.

Một trung tâm logisctics cấp vùng (Trung tâm logistics Cảng Liên Chiểu) và các trung tâm logistics cấp tỉnh (các trung tâm logistics: Hòa Nhơn, Ga hàng hóa Kim Liên mới, Cảng hàng không quốc tế Đà Nằng, Khu Công nghệ cao; các trung tâm logistics nhỏ lẻ và các kho bãi khác) được UBND thành phố phê duyệt thông qua vào cuối năm 2018 trong quy hoạch phát triển cơ sở hạ tầng logistics thành phổ Đà Nang đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Mới nhất, Chính phủ đồng ý trước mắt giao UBND thành phố Đà Nẵng đảm nhận toàn bộ việc đầu tư, xây dựng bến cảng Liên Chiểu. Dự án cảng Liên Chiểu có quy mô 220 ha, tổng vốn đầu tư dự kiến 32.860 tỷ đồng, chia làm 3 giai đoạn. Cụ thể, giai đoạn khởi động năm 2022 khu bến cảng đảm bảo khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải đến 100.000 DWT, tàu container có sức chở từ 6.000-8.000 Teus, năng lực thông qua cảng năm 2022 khoảng 17 triệu tấn/năm (đến năm 2022) có tổng mức đầu tư hơn 7.370 tỷ đồng. Trong đó, phần vốn đầu tư của Nhà nước dự kiến là 3.426 tỷ đồng (Hợp phần A); phần vốn đầu tư của tư nhân dự kiến là 3,951 tỷ đồng (hợp phần B).

Hy vọng với hàng loạt các điều kiện về cơ sở hạ tầng đã có sẵn và đang khẩn trương thực hiện trong thời gian đến của Đà Nẵng sẽ đáp ứng được các yêu cầu của các doanh nghiệp, nhà đầu tư.

HỘI AN

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác