Trên 1,5 tỷ đồng huấn luyện kỹ năng sơ cấp cứu cho giáo viên mầm non
Đăng ngày 20-02-2019 01:27, Lượt xem: 128

UBND thành phố vừa phê duyệt đề án Huấn luyện kỹ năng sơ cấp cứu cho giáo viên mầm non trên địa bàn thành phố Đà Nẵng tại Quyết định số 758/QĐ-UBND ngày 15-2-2019, nhằm trang bị kiến thức và kỹ năng thực hành về sơ cấp cứu cho giáo viên mầm non để xử lý hiệu quả các trường hợp tai nạn thương tích xảy ra tại trường học, góp phần giảm thiểu hậu quả đáng tiếc, đồng thời góp phần mở rộng mạng lưới tình nguyện viên sơ cấp cứu tại cộng đồng.

Theo đó, đề án đặt mục tiêu 100% giáo viên mầm non hoàn thành khóa đào tạo tình nguyện viên sơ cấp cứu cấp 1 theo quy định tại Thông tư số 17/2014/TT-BYT ngày 2-6-2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế; đảm bảo kiến thức và kỹ năng xử lý các tình huống tai nạn thương tích tại lớp học và trở thành những tình nguyện viên sơ cấp cứu hoạt động hiệu quả tại cộng đồng. Các hoạt động chính của đề án bao gồm: tổ chức hội nghị triển khai đề án và hội nghị đánh giá kết thúc đề án nhằm thu hút sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền, các ban, ngành và tăng cường trách nhiệm cho các đơn vị tham gia phối hợp thực hiện đề án; tổ chức 150 lớp đào tạo tình nguyện viên sơ cấp cứu cấp 1, với tổng số người được tập huấn là 4.462 người trong đó có 1.872 giáo viên mầm non hệ công lập, 2.590 giáo viên mầm non hệ ngoài công lập; tổ chức Hội thi nâng cao năng lực thực hành kỹ năng sơ cấp cứu; xây dựng Cẩm nang thực hành sơ cấp cứu cho giáo viên mầm non và tờ rơi phòng chống tai nạn thương tích tại nhà.

Được thực hiện trong 3 năm từ 2019-2021, đề án có tổng kinh phí 1.551.700.000 đồng, trong đó ngân sách thành phố hỗ trợ  870.100.000 đồng (56 %), Hội Chữ thập đỏ thành phố hỗ trợ 681.600.000 đồng (44 %).

UBND thành phố giao Hội Chữ thập đỏ thành phố có trách nhiệm thành lập Ban Quản lý đề án bao gồm: Thường trực Thành hội và Trung tâm Huấn luyện sơ cấp cứu Chữ thập đỏ, mời đại diện lãnh đạo Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục và Đào tạo các quận, huyện tham gia. Đồng thời, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để triển khai thực hiện đề án như: đội ngũ hướng dẫn viên, tập huấn viên sơ cấp cứu; các chuyên gia tư vấn và hỗ trợ tổ chức hội thi và biên soạn Cẩm nang thực hành sơ cấp cứu cho giáo viên mầm non và tờ rơi phòng chống tai nạn thương tích tại nhà, các trang thiết bị phục vụ hoạt động huấn luyện sơ cấp cứu theo quy định; tài liệu huấn luyện theo chuẩn của Bộ Y tế và Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; địa điểm tổ chức và các điều kiện về cơ sở vật chất có liên quan.

Sở Y tế thành phố Đà Nẵng có trách nhiệm tham gia thẩm định nội dung Cẩm nang thực hành sơ cấp cứu cho giáo viên mầm non và tờ rơi phòng chống tai nạn thương tích tại nhà, tham gia giám sát thực hiện Đề án. Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các Phòng Giáo dục và Đào tạo các quận, huyện hướng dẫn các trường để cử giáo viên các trường mầm non và nhóm trẻ tham gia tập huấn, phối hợp với Hội Chữ thập đỏ tổ chức hội thi cấp thành phố. UBND các quận, huyện chỉ đạo các Phòng Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Hội Chữ thập đỏ các quận, huyện tổ chức hội thi cấp quận, huyện.

THÁI BÌNH

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác