Ban hành kế hoạch thực hiện Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)
Đăng ngày 14-03-2019 04:04, Lượt xem: 131

Ngày 12-3, UBND thành phố ban hành kế hoạch số 1475/KH-UBND về thực hiện Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) trên địa bàn thành phố. Theo đó, Sở Công thương (trực tiếp là Trung tâm về các vấn đề WTO thành phố Đà Nẵng) đảm nhiệm vai trò đầu mối thông tin về CPTPP của thành phố, chủ động liên hệ với Đầu mối thông tin về Hiệp định CPTPP nói riêng và các hiệp định thương mại tự do (FTA), tuyên truyền rộng rãi đến người dân và cung cấp thông tin, hướng dẫn các tổ chức cá nhân có nhu cầu.

Các sở ngành, đặc biệt là các cơ quan có chức năng cung cấp thông tin về thương mại đầu tư đẩy mạnh công tác cung cấp thông tin, dự báo theo lĩnh vực quản lý về các thị trường xuất nhập khẩu, thị trường trong nước, yêu cầu về kỹ thuật, quy định về quản lý xuất nhập khẩu hàng hóa của các nước đối tác CPTPP nói riêng và các đối tác nói chung, giúp các doanh nghiệp có thể kịp thời nắm bắt các thông tin, dự báo nhu cầu của thị trường và ứng phó với sự cạnh tranh của hàng hóa nhập khẩu.

Các sở ngành chủ động theo dõi tình hình xây dựng, ban hành, bổ sung và bãi bỏ các văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý ở cấp trung ương để kịp thời rà soát, đề xuất văn bản quy phạm pháp luật do ngành mình tham mưu ban hành ở cấp địa phương, nhằm đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp và thống nhất của văn bản quy phạm pháp luật. Phối hợp chặt chẽ với cơ quan đầu mối quốc gia về thực thi Hiệp định CPTPP, tổ chức thực thi nghiêm túc các cam kết và nghĩa vụ của Việt Nam đối với cấp địa phương khi tham gia Hiệp định CPTPP, góp phần đảm bảo việc thực thi Hiệp định hiệu quả và đầy đủ.

UBND thành phố yêu cầu các sở ngành triển khai hiệu quả các kế hoạch hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp, hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho các ngành hàng, doanh nghiệp tham gia vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu. Đẩy mạnh dạy nghề và gắn kết đào tạo với doanh nghiệp, chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt trong các ngành kỹ thuật - công nghệ, luật, tài chính, dịch vụ logistics... Tăng cường các hoạt động kết nối doanh nghiệp nhằm khuyến khích doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài kết nối với doanh nghiệp nội địa, góp phần vào hình thành và phát triển chuỗi cung ứng. Nghiên cứu đánh giá những tác động của Hiệp định CPTPP đến kinh tế, xã hội, môi trường, lao động việc làm... đối với các ngành sản xuất, cung ứng dịch vụ thành phố có thế mạnh và tiềm năng. Từ đó, đưa ra khuyến nghị đối với thành phố trong hoạch định chiến lược phát triển kinh tế xã hội, tận dụng hiệu quả CPTPP, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các ngành, lĩnh vực, sản phẩm thành phố có thế mạnh. Phối hợp tham gia hoàn thiện hệ thống pháp luật điều chỉnh quan hệ lao động, tiêu chuẩn lao động phù hợp với các tiêu chuẩn, cam kết, công ước quốc tế... nhằm bảo vệ quyền lợi của người lao động, giúp doanh nghiệp hoạt động ổn định. Triển khai đồng bộ các chính sách an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, đảm bảo phù hợp với cam kết của Việt Nam trong các hiệp định đa phương. Triển khai dự án Phân tích chuỗi giá trị thực phẩm và xây dựng chiến lược thành phố thực phẩm thông minh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Phối hợp tham gia các hoạt động đánh giá những tác động của Hiệp định CPTPP đến vấn đề lao động, việc làm, xã hội, môi trường... do các bộ ngành chủ trì triển khai.

CÔNG TÂM

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác