Phát triển nguồn nhân lực: cần tiếng nói chung
Đăng ngày 30-03-2019 11:55, Lượt xem: 257

Với mong muốn tạo kênh kết nối, tìm tiếng nói chung giữa kế hoạch đào tạo của các trường và nhu cầu thực sự của doanh nghiệp, ngày 30-3, UBND thành phố tổ chức Tọa đàm liên kết phát triển nguồn nhân lực và đổi mới khoa học công nghệ, với sự tham gia của các trường đại học, cao đẳng, cơ sở đào tạo - dạy nghề và các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.

Tọa đàm liên kết phát triển nguồn nhân lực và đổi mới khoa học công nghệ

Thực trạng nguồn nhân lực thành phố

Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố Nguyễn Văn An cho biết, trong 5 năm qua, lực lượng lao động thành phố tăng cả số lượng và lẫn chất lượng. Đặc biệt, lao động trong các ngành kinh tế mũi nhọn có tốc độ tăng trưởng nhanh  và cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp. Cụ thể từ năm 2013 đến 2018, tăng từ 494.617 lao động lên 609.759 lao động; trong đó, lao động qua đào tạo tăng từ 58,4% lên 63% và qua đào tạo nghề từ 42,54% lên 51%. Tính đến tháng 12-2018, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có 23.669 doanh nghiệp với 341.805 lao động, trong đó, có 70 doanh nghiệp Nhà nước và có cổ phần chi phối của Nhà nước với 42.090 lao động, 22.961 doanh nghiệp dân doanh với 236.222 lao động, và 638 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với 63.493 lao động.

Trong 5 năm (2013 - 2018), việc làm tăng thêm trên địa bàn thành phố được 115.142 việc làm mới, tăng 23,28%. Bằng nhiều kênh thông tin, nhất là qua sàn giao dịch việc làm kết nối giữa cung và cầu lao động, thành phố đã tổ chức được 217 phiên giao dịch với trên 15.000 lượt doanh nghiệp tham gia; đã giải quyết được 54.512 lao động có việc làm, chiếm 47,34% vị trí việc làm mới.

Tuy nhiên theo ông Nguyễn Văn An, hiện nay, việc cung ứng lao động về quản lý điều hành, chuyên gia cao cấp chưa đáp ứng đủ nhu cầu; nguồn nhân lực trong lĩnh vực du lịch, công nghệ thông tin còn thiếu nhiều lao động có tay nghề cao; các ngành công nghệ cao mà thành phố đang kêu gọi đầu tư có nhiều ngành mới so với ngành nghề đào tạo hiện nay. Bên cạnh đó, công tác phối hợp giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp chưa phát huy hết tiềm năng của cả hai bên, chủ yếu từ sự chủ động của cơ sở đào tạo. Phần lớn doanh nghiệp thụ động, trông chờ vào nguồn nhân lực sẵn có để tuyển dụng, trông chờ vào sự đầu tư đào tạo của nhà nước và xã hội, không quan tâm nhiều đến nguồn cung cấp nhân lực cho doanh nghiệp từ sự đầu tư liên kết đào tạo với cơ sở đào tạo. Doanh nghiệp cũng chưa thực hiện công tác dự báo nhu cầu nguồn nhân lực của đơn vị mình, chưa đặt hàng đào tạo mang tính lâu dài với nhà trường.

Nhu cầu lớn từ doanh nghiệp             

Theo dự báo, nhu cầu lao động tăng thêm trên địa bàn thành phố đến năm 2025 là hơn 250.000 lao động và đến năm 2030 là 450.000 lao động, trong đó: nhóm ngành dịch vụ đến năm 2025 tăng hơn 160.000 lao động, đến năm 2030 tăng 330.000 lao động; nhóm ngành công nghiệp - xây dựng đến năm 2025 tăng khoảng 67.000 lao động, đến năm 2030 tăng khoảng 130.000.

Phát biểu tại Tọa đàm, ông Takeshi Takeuchi, Tổng giám đốc Công ty TNHH Điện tử Việt Hoa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Đà Nẵng, cho biết, trên địa bàn thành phố hiện có 134 doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động, trong đó có 49 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực sản xuất và 85 doanh nghiệp dịch vụ. Trong vòng 3 năm qua, số lượng doanh nghiệp đã tăng 25% và có nhu cầu lớn về tuyển dụng lao động có chuyên môn, có kinh nghiệm trong công việc. Theo ông Takeshi Takeuchi, Đà Nẵng có lực lượng lao động trẻ, chăm chỉ, thông minh, học giỏi, năng động, rất đáng kỳ vọng; đây chính là một trong những điểm hấp dẫn, thu hút nhà đầu tư đến với Đà Nẵng. Để tận dụng hiệu quả nhất nguồn tài nguyên quý giá này, ông Takeshi Takeuchi cho rằng, các trường, cơ sở đào tạo và doanh nghiệp trên địa bàn thành phố cần có sự liên kết, phối hợp chặt chẽ nhằm có kế hoạch và tiếng nói chung trong công tác đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu cho doanh nghiệp và cho xã hội.

Ông Takeshi Takeuchi, Tổng giám đốc Công ty TNHH Điện tử Việt Hoa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Đà Nẵng phát biểu tại Tọa đàm

Ông Kevin Loebbaka, Giám đốc điều hành Tập đoàn Universal Alloy Corporation Asia Pte., Ltd (UAC), nhà đầu tư dự án Nhà máy sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine tại Khu Công nghệ cao Đà Nẵng, cho biết, dự án có kế hoạch tuyển dụng 1.087 lao động đến năm 2022, và hơn 4.000 lao động đến năm 2025. Theo ông Kevin Loebbaka, UAC rất coi trọng việc kết nối với các trường đại học, cao đẳng, thậm chí cả trường THPT để xây dựng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phù hợp với yêu cầu của công ty liên quan đến các ngành khoa học công nghệ, kỹ thuật và toán. “Chúng tôi nhận thấy các trường đại học và sinh viên Việt Nam có nền tảng rất tốt trong các lĩnh vực này, vì vậy chúng tôi rất trông đợi vào sự hợp tác với các trường đại học của Việt Nam nói chung, Đà Nẵng nói riêng, nhằm đảm bảo một tương lai phát triển cho ngành hàng không vũ trụ tại Việt Nam cũng như cho sự phát triển của UAC”, Giám đốc điều hành UAC chia sẻ.

Phối hợp đào tạo và hỗ trợ tuyển dụng

Thông tin về một số giải pháp thành phố sẽ triển khai nhằm tăng cường kết nối, phối hợp với các trường trong công tác đào tạo và hỗ trợ doanh nghiệp trong tuyển dụng, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố Nguyễn Văn An cho biết, trong thời gian đến, Đà Nẵng sẽ tăng cường ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong quản lý, dự báo nhu cầu lao động đối với một số ngành, lĩnh vực thành phố đang kêu gọi đầu tư, đặc biệt là các ngành mũi nhọn và công nghệ cao theo từng giai đoạn, để các cơ sở đào tạo chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo theo nhu cầu của thị trường, của doanh nghiệp. Đồng thời, phát triển hệ thống kết nối việc làm giữa người lao động và doanh nghiệp trên hệ thống internet; mở rộng và xã hội hóa hệ thống dịch vụ việc làm, các cơ sở đào tạo tư vấn nghề nghiệp cho lao động xác định mục tiêu học nghề lập nghiệp theo năng lực của người lao động.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác kết nối, liên kết đào tạo giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp; khuyến khích đào tạo cho lực lượng lao động ở các lĩnh vực có nhu cầu lao động cao và phát triển theo định hướng phát triển của nền kinh tế. Tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp vào đào tạo nhân lực bằng các hoạt động: tham gia vào xây dựng giáo trình đào tạo; sẵn sàng và tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên thực tập tại doanh nghiệp; tham gia vào hội đồng sát hạch tay nghề đầu ra và đặc biệt doanh nghiệp đặt hàng đào tạo để cơ sở đào tạo chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo kịp thời, đúng chất lượng.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí phát biểu tại Tọa đàm

Phát biểu tại Tọa đàm, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí cho biết, định hướng trong thời gian tới, thành phố Đà Nẵng sẽ xây dựng và triển khai Chương trình phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng các yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, tập trung vào các lĩnh vực mũi nhọn của thành phố. Thành phố cũng dự kiến rà soát, hoàn thiện chính sách nhập cư, bảo đảm hài hòa, nhân văn, hỗ trợ tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời, nâng cao chất lượng đào tạo của các trường đại học đạt chuẩn quốc tế; thực hiện liên thông, minh bạch về thị trường lao động.

NGÔ HUYỀN

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác