Thành phố Đà Nẵng sẵn sàng cho Tổng điều tra dân số và nhà ở Đà Nẵng năm 2019
Đăng ngày 20-03-2019 09:12, Lượt xem: 233

Từ ngày 1-4-2019, Tổng điều tra dân số và nhà ở được thực hiện trên phạm vi cả nước. Đây là cuộc tổng điều tra có quy mô lớn nhất, huy động gần như toàn bộ hệ thống chính quyền vào cuộc. Trích trả lời phỏng vấn của Ông Trần Văn Vũ, Cục trưởng Cục Thống kê thành phố, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở thành phố Đà Nẵng xung quanh vấn đề này với cơ quan báo chí.

 

* Ông có thể cho biết mục đích của tổng điều tra lần này?

- Tổng điều tra dân số và nhà ở là 1 trong 3 cuộc tổng điều tra quốc gia được quy định bởi Luật Thống kê và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo chu kỳ 10 năm một lần. Đây cũng là cuộc điều tra có lịch sử lâu đời của nhân loại mà quốc gia nào cũng phải tiến hành. Theo đó, tổng điều tra hướng tới 3 mục đích chính:

Một là, biên soạn các chỉ tiêu dân số, nhân khẩu học và nhà ở phục vụ Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia; phân tích và dự báo tình hình phát triển dân số và nhà ở trên phạm vi cả nước và từng địa phương.

Hai là, đáp ứng nhu cầu thông tin về dân số và nhà ở phục vụ đánh giá kết quả thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020; xây dựng chiến lược và các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030; phục vụ công tác giám sát thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới; giám sát các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc mà Chính phủ Việt Nam đã cam kết.

Ba là, cung cấp thông tin phục vụ xây dựng cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia về dân số; xây dựng dàn mẫu chủ phục vụ các cuộc điều tra hộ dân cư thời kì 2019-2029.

* Công tác điều tra dân số và nhà ở được thực hiện ở những đối tượng nào, thưa ông?

 - Đối tượng điều tra là tất cả người Việt Nam thường xuyên cư trú trên lãnh thổ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam tính đến thời điểm điều tra; người Việt Nam được cơ quan có thẩm quyền cho phép xuất cảnh ra nước ngoài trong thời hạn quy định. Các trường hợp chết của hộ dân cư (nói gọn là hộ) đã xảy ra từ ngày 16-2-2018 đến hết ngày 31-3-2019.

Tại nơi mà các điều tra viên đến để thu thập thông tin (còn gọi là đơn vị điều tra) là các hộ, hộ bao gồm một người ăn riêng, ở riêng hoặc một nhóm người ăn chung và ở chung. Đối với hộ có 2 người trở lên, các thành viên trong hộ có thể có hay không có quỹ thu chi chung; có hoặc không có mối quan hệ ruột thịt, hôn nhân hay nuôi dưỡng hoặc kết hợp cả hai. Từ đối tượng và đơn vị điều tra này sẽ cung cấp 2 thông tin cơ bản là dân số thực tế thường trú và hộ gia đình.

* Ông có thể đề cập rõ hơn về khái niệm dân số thực tế thường trú và hộ gia đình?

- Dân số thực tế thường trú chính là dân số xác định theo khái niệm chuẩn từ nhiều năm nay. Chỉ tiêu dân số này là chỉ tiêu thống kê quốc gia được tính cho từng xã, phường, quận, huyện, tỉnh, thành phố được sử dụng làm căn cứ để xây dựng nên mọi kế hoạch, phân bổ các nguồn lực... Khái niệm này khác với khái niệm dân số đăng ký theo nhân hộ khẩu.

Bên cạnh đó, hộ dân cư hay còn gọi là hộ gia đình xác lập nền tảng căn bản của xã hội là gia đình. Hộ gia đình là khái niệm chuẩn từ nhiều năm nay và khái niệm hộ gia đình khác với khái niệm hộ theo sổ hộ khẩu. Đối với những người không sống theo gia đình, ở tập trung như sinh viên, học sinh trong ký túc xá; những người tu hành sống trong nhà chùa, nhà thờ; những người đang sống trong nhà dưỡng lão, cô nhi, trại xã hội... được gọi là nhân khẩu đặc thù và tạo thành các địa bàn đặc thù. Đây là đối tượng được điều tra riêng.

* Đến nay việc triển khai thành phần nhân lực để bảo đảm cho công tác điều tra như thế nào?

- Đà Nẵng đã thành lập Ban chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở (BCĐ) thành phố, Văn phòng và Tổ giúp việc của BCĐ thành phố.

BCĐ thành phố gồm 13 thành viên, trong đó lãnh đạo của sở, ngành là 12 người do Phó Chủ tịch UBND thành phố làm trưởng ban; Văn phòng BCĐ thành phố đặt tại 310 Hoàng Diệu. Văn phòng có tổ giúp việc gồm 26 người, trong đó có 7 cán bộ từ 7 sở, ngành và 19 cán bộ từ Cục Thống kê. Cấp quận/huyện đã thành lập các BCĐ do Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND quận, huyện làm trưởng ban.

Mỗi quận, huyện thành lập Văn phòng BCĐ với thành phần cán bộ chi cục thống kê và cán bộ nghiệp vụ các ngành liên quan. Tổng cộng đã có 169 cán bộ, trong đó từ các ngành là 137 người và 32 người từ các Chi cục Thống kê. Cấp phường, xã đã thành lập 56 BCĐ, các BCĐ này do Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND phường, xã làm trưởng ban. Một số cán bộ trong Văn phòng UBND phường, xã tham gia vào BCĐ.

Hiện tại đã xác lập sơ bộ mạng lưới thông tin điều tra; hoàn thành công tác vẽ sơ đồ nền và phân chia địa bàn điều tra. Theo quy định, mỗi địa bàn từ 120 đến 150 hộ; ngoài ra địa bàn phải được ghép từ nhiều hoặc là một phần của tổ dân phố hoặc thôn.

Trong thời gian qua, BCĐ các cấp đã tiến hành lập danh sách hộ cho từng địa bàn điều tra. Đây là công việc chuẩn bị để tiến hành điều tra thực tế vào ngày 1-4-2019 tới. Tổng cộng đã có khoảng 2.000 người tham gia vào công tác này.

Hiện nay, BCĐ các cấp đang tiến hành huy động điều tra viên và tiến hành đào tạo nghiệp vụ điều tra. Tổng cộng đã có khoảng hơn 1.200 điều tra viên được tuyển chọn và đào tạo trong thời gian 4 ngày/lớp với 22 lớp trên toàn thành phố. Lực lượng điều tra viên được đào tạo đầy đủ sẽ là cơ sở để thực hiện điều tra chính xác, trung thực và kịp thời.

* Vậy những điểm cần được lưu ý trong tổng điều tra lần này là gì?

- Tổng điều tra dân số là một công việc ích nước lợi nhà. Thông tin thu được từ cuộc điều tra phục vụ cho các mục đích xây dựng và phát triển đất nước, nâng cao hiệu quả phục vụ đời sống người dân. Thông tin cá nhân thu thập được từ cuộc điều tra được giữ kín và không phục vụ cho mục đích nào khác.

Cuộc Tổng điều tra sẽ diễn ra trong khoảng 1 tháng, khởi động từ ngày 25-3, đến ngày 1-4 sẽ chính thức bắt đầu và kết thúc vào khoảng ngày 25-4. Trong thời gian này, các điều tra viên sẽ tiếp xúc với mọi người dân để thu thập thông tin.

Do đó sự cộng tác nhiệt tình, trung thực và đầy đủ của người dân là yếu tố quan trọng cho sự thành công của công tác điều tra. Làm cho người dân hiểu rõ ý nghĩa mục đích của Tổng điều tra, từ đó cộng tác tốt là nhiệm vụ quan trọng mà các cấp chính quyền phải thực hiện trong thời gian sắp tới. Việc tuyên truyền, giới thiệu, họp tổ dân phố, thôn để giới thiệu về cuộc điều tra là công việc cần thiết.

Với sự quan tâm, chỉ đạo chặt chẽ của BCĐ Trung ương; của cấp ủy, chính quyền địa phương; sự ủng hộ của các đơn vị hành chính sự nghiệp đóng chân trên địa bàn thành phố cùng tinh thần trách nhiệm cao của BCĐ Tổng điều tra các cấp, chúng tôi tin tưởng sẽ hoàn thành tốt cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở tại thành phố Đà Nẵng.

* Xin cảm ơn ông!

cucthongke.danang.gov.vn

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác