Thông tuyến sông Cổ Cò trước tháng 9-2020
Đăng ngày 20-04-2019 09:42, Lượt xem: 8595

Chiều 19-4, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh có buổi làm việc với đoàn công tác tỉnh Quảng Nam do ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng đoàn, về việc liên quan đến sự chồng lấn diện tích đất lâm nghiệp khu vực xã Tư, huyện Đông Giang với xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, và tình hình phối hợp giữa 2 địa phương trong dự án khơi thông sông Cổ Cò.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh tại buổi làm việc với đoàn công tác tỉnh Quảng Nam

Theo báo cáo, tổng diện tích đất lâm nghiệp chồng lấn giữa hai địa phương tại khu vực xã Tư, huyện Đông Giang và xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang là 6,44 ha, hiện đang được giao khoán cho 4 hộ dân, trong đó có 2,34 ha trồng cây cao su, 3,9 ha cây keo và 0,2 ha đất chưa sản xuất. Thời gian qua, thành phố đã chỉ đạo Ban Quản lý rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ, nội dung và phối hợp các đơn vị liên quan tham mưu cùng với UBND huyện Hòa Vang làm việc với lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam, UBND huyện Đông Giang để thống nhất bàn giao dứt điểm diện tích và hiện trạng phần đất này.

Theo Phó Chủ tịch Lê Trung Chinh, đối với 3,9 ha cây keo trồng được 6 năm tuổi, đã có thể khai thác, thành phố Đà Nẵng sẽ yêu cầu các hộ dân thu hoạch để thu hồi đất và bàn giao lại cho tỉnh Quảng Nam. Riêng đối với 2,34 ha cao su phát triển tốt, hiện đã được 7 năm tuổi và có thể khai thác mủ, Đà Nẵng đề xuất phương án bồi thường, hỗ trợ cho các hộ dân và bàn giao nguyên trạng cho tỉnh Quảng Nam, bởi cao su là loại cây đa dụng, có giá trị kinh tế lớn, sẽ rất lãng phí nếu chặt bỏ hoàn toàn để giao lại đất sạch cho Quảng Nam.

Đồng ý với đề xuất của Phó Chủ tịch Lê Trung Chinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh thống nhất phương án yêu cầu các hộ dân khai thác 3,9 ha keo để thu hồi đất sạch, đồng thời bồi thường, hỗ trợ giá trị cây trồng trên 2,43 ha cao su để thu hồi nguyên trạng. Trên cơ sở các mốc giới được cắm, UBND tỉnh Quảng Nam sẽ ra quyết định thu hồi đất và giao lại cho Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Kôn quản lý theo hướng phục hồi rừng phòng hộ đầu nguồn sông Vàng đối với toàn bộ diện tích thu hồi, không tiếp tục giao khoán cho các hộ dân.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh tại buổi làm việc

Dự án nạo vét, khơi thông sông Cổ Cò đoạn qua địa phận Đà Nẵng thuộc danh mục các dự án của Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016-2020 và đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cấp khoảng 245 tỷ đồng cho đầu tư công trung hạn. Hiện nay, UBND thành phố Đà Nẵng giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn là đơn vị chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Giao thông vận tải và các đơn vị liên quan triển khai các bước chuẩn bị đầu tư của dự án; dự kiến trong tháng 5 sẽ phê duyệt tất cả hồ sơ. Về phía Quảng Nam, ông Lê Trí Thanh cho biết, dự án sông Cổ Cò dự kiến có tổng kinh phí khoảng 1.000 tỷ đồng, trong đó Trung ương hỗ trợ 340 tỷ đồng.

Qua trao đổi tại buổi làm việc, hai địa phương thống nhất thời gian khớp nối, thông luồng toàn tuyến Đà Nẵng – Quảng Nam trước tháng 9-2020. Đối với các công trình hạ tầng hai bên bờ sông, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho rằng, hai địa phương cần thống nhất các chuẩn thiết kế kỹ thuật như: thông số khẩu độ thông thuyền của các cầu qua sông; thông số thiết kế hệ thống kè và đường hai bên bờ sông… đảm bảo sự đồng bộ trên toàn tuyến, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho tàu thuyền lưu thông khu vực này. Đồng thời, cũng cần có sự hài hòa, tương đồng trong thiết kế các cầu qua sông và hệ thống kè, trên tiêu chí đề cao tính thẩm mỹ, tạo điểm nhấn cảnh quan dọc tuyến sông. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh đề xuất hai địa phương có sự phối hợp trong quy hoạch hệ thống các điểm dừng chân, vui chơi giải trí phục vụ phát triển du lịch dọc tuyến sông Cổ Cò một cách hiệu quả nhất, nhằm đẩy mạnh, khai thác tối đa tiềm năng du lịch đường sông của hai địa phương.

Ủng hộ các đề xuất của tỉnh Quảng Nam, Phó Chủ tịch Lê Trung Chinh cho rằng việc đồng bộ trong thiết kế hạ tầng, cảnh quan dọc tuyến và kế hoạch khai thác lòng sông Cổ Cò giữa Đà Nẵng và Quảng Nam là vô cùng cần thiết. Phó Chủ tịch Lê Trung Chinh đề nghị các sở, ngành chức năng của hai địa phương phối hợp làm việc, đề xuất phương án chung thống nhất trên toàn tuyến nhằm phát huy lợi thế, thúc đẩy phát triển tuyến du lịch đường sông giữa hai địa phương.

Tại cuộc họp, hai địa phương cũng thống nhất phương án thành lập Ban Điều phối Dự án khơi thông sông Cổ Cò do Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng và Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam làm Trưởng ban; thành viên là lãnh đạo các sở, ngành chức năng có liên quan của hai địa phương.

NGÔ HUYỀN

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác