Kết nối sinh viên và doanh nghiệp Khu công nghiệp, Khu công nghệ cao
Đăng ngày 15-06-2019 03:49, Lượt xem: 316

Với mục tiêu kết nối và chia sẻ thông tin cung cầu nhân lực giữa nhà trường và doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp và sinh viên, và giữa các doanh nghiệp với nhau, ngày 13-6, Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các Khu công nghiệp Đà Nẵng phối hợp với trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng tổ chức “Tọa đàm Giao lưu sinh viên và doanh nghiệp Khu công nghiệp - Công nghệ cao năm 2019”. Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh tham dự và chứng kiến lễ ký kết Bản ghi nhớ hợp tác đào tạo nhân lực giữa trường và các doanh nghiệp.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh và đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành chứng kiến lễ ký kết Bản ghi nhớ hợp tác đào tạo nhân lực giữa trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng và các doanh nghiệp

Lực lượng lao động chưa đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp

Phát biểu tại tọa đàm, ông Phạm Trường Sơn, Phó trưởng ban phụ trách Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các Khu công nghiệp Đà Nẵng, cho biết, thời gian qua, thành phố luôn tích cực đầu tư các điều kiện tiền đề để phát triển công nghiệp, nhất là hạ tầng các Khu công nghiệp (KCN), Khu công nghệ cao (Khu CNC), Khu công nghiệp công nghệ thông tin. Tính đến tháng 3-2019, tổng số lao động làm việc trong Khu CNC và các KCN trên địa bàn thành phố là 77.472 người (chiếm 14,1 % lực lượng lao động thành phố), trong đó, có 287 lao động là người nước ngoài chiếm 0,35% tổng số lao động toàn khu công nghiệp.

Số liệu khảo sát tình hình sử dụng lao động trong Khu CNC và các KCN cho thấy, tỷ lệ lao động có trình độ phổ thông chiếm tỷ lệ cao nhất 56,6 %, lao động có trình độ trung câp chiếm 12,6%, cao đẳng chiếm tỷ lệ thấp nhất với 6,4%, đại học và trên đại học 24,4%. Như vậy, tương tự các KCN, chế xuất trên cả nước, phần lớn lao động tại Khu CNC và các KCN Đà Nẵng là lao động phổ thông chưa qua đào tạo. Nguyên nhân tình trạng này, theo ông Phạm Trường Sơn, là do hầu hết các vị trí doanh nghiệp tuyển dụng là vị trí lao động thủ công hoặc trực tiếp sản xuất, không yêu cầu khắt khe về yếu tố trình độ và kinh nghiệm. Sau khi tuyển dụng, các lao động này sẽ tham gia các khóa đào tạo ngắn hạn do doanh nghiệp tổ chức để nắm bắt công việc và quy trình làm việc.

Mặt khác, qua nhận xét của một số doanh nghiệp thì kỹ năng làm việc của lao động đã qua đào tạo cũng chưa đáp ứng được yêu cầu của công việc; đa số lao động có chuyên môn kỹ thuật khi được tuyển dụng đều được doanh nghiệp đào tạo lại, bổ sung kỹ năng mới. Bên cạnh đó, ý thức nghề nghiệp, tác phong công nghiệp của hầu hết lao động còn yếu, tính tùy tiện, vi phạm kỷ luật lao động cao. Do đó, sự biến động lao động của các doanh nghiệp KCN chủ yếu là do người lao động tự ý bỏ việc, chuyển từ doanh nghiệp này sang doanh nghiệp khác, từ KCN này sang KCN khác. Đây là điểm hạn chế chung của lực lượng lao động KCN hiện nay, không chỉ riêng thành phố Đà Nẵng mà còn cả nước.

Dự báo nhu cầu tuyển dụng lớn

Khảo thực tế về cung - cầu nguồn lao động tại Khu CNC và các KCN cho thấy, nhu cầu về nguồn lao động của các doanh nghiệp vẫn rất lớn. Các doanh nghiệp tại các KCN Đà Nẵng đang trong tình trạng thiếu hụt công nhân có tay nghề cao, phục vụ cho việc mở rộng kinh doanh, sản xuất, phát triển kinh tế doanh nghiệp. Ước tính hiện nay thiếu hụt khoảng 5.000 lao động, trong đó, chủ yếu là thiếu lao động ở các ngành sản xuất như: may mặc, giày da, lấp ráp điện tử, cơ khí, gò hàn.

Dự báo nhu cầu lao động tại các KCN tiếp tục tăng cao trong giai đoạn tới, do theo Quy hoạch phát triển các KCN của Đà Nẵng, đến năm 2025, thành phố sẽ có thêm 3 KCN mới với diện tích 912,57 ha, gồm: KCN Hòa Nhơn (393,57 ha), Hòa cầm giai đoạn 2 (119 ha) và Hòa Ninh (400 ha). Dự kiến, 3 Khu công nghiệp mới sẽ giải quyết việc làm cho hơn 50.000-70.000 lao động tại địa phương.

Bên cạnh đó, dự án công nghệ thông tin tập trung Danang IT Park, được ví như thung lũng Silicon Đà Nẵng tại Hòa Liên, có tổng diện tích 341 ha với vốn đầu tư gần 300 triệu USD, đã cơ bản hoàn thành giai đoạn 1 với 131 ha, dự báo sẽ cung cấp việc làm cho hơn 25.000 lao động kỹ thuật, chuyên gia công nghệ thông tin trong vòng 10 năm tới.

Riêng đối với Khu công nghệ cao Đà Nẵng, dự kiến đến năm 2030 sẽ thu hút 45.000 lao động khoa học công nghệ trình độ cao, trong đó khoảng 7.500 cho nghiên cứu và phát triển thuộc các ngành công nghiệp công nghệ cao tự động hóa và cơ khí chính xác; công nghệ cơ điện tử, vi điện tử và quang điện tử; công nghệ thông tin, truyền thông và phần mềm tin học; công nghệ vật liệu mới, công nghệ nano, năng lượng mới; công nghệ sinh học phục vụ y tế, nông nghiệp, thủy sản; công nghệ môi trường, công nghệ phục vụ hóa dầu và một số công nghệ đặc biệt khác.

Sinh viên cần năng động hơn trong cuộc cạnh tranh tuyển dụng lao động

Các doanh nghiệp giao lưu với sinh viên trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng

Tại tọa đàm, sinh viên trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng có cơ hội tiếp xúc, trao đổi trực tiếp với các doanh nghiệp trong KCN, Khu CNC về thông tin nhu cầu, yêu cầu tuyển dụng, cơ hội thực tập, giúp sinh viên tìm hiểu và định hướng cơ hội việc làm trước và sau khi tốt nghiệp. Phần lớn câu hỏi của các bạn sinh viên đối với nhà tuyển dụng đều mong muốn hiểu rõ hơn về yêu cầu của doanh nghiệp trong tuyển dụng lao động, cũng như thắc mắc về yếu tố kinh nghiệm đối với sinh viên mới ra trường. Theo bà Nguyễn Thị Tú Uyên, Giám đốc Nhân sự Công ty TNHH Daiwa Việt Nam, bên cạnh kiến thức chuyên môn được đào tạo ở nhà trường, các bạn sinh viên cần năng động hơn, tự trang bị cho mình thêm một số kỹ năng mềm để thu hút nhà tuyển dụng như “tim nhiệt huyết – óc thông minh – tai lắng nghe – chân năng động – tay rộng mở - miệng nở nụ cười – người tràn đầy năng lượng”. Ngoài ra, ngoại ngữ cũng là một yếu tố quan trọng được nhà tuyển dụng yêu cầu ở sinh viên.

Ông Lê Tiến Trường, Giám đốc Công ty TNHH MTV Công nghệ Atoma, cho rằng, để làm công việc về khoa học, kỹ thuật, trước hết sinh viên cần có niềm đam mê, yêu nghề; điều này được thể hiện ngay trong chính quá trình học tập trên ghế nhà trường. “Công ty chúng tôi luôn sẵn sàng tạo điều kiện, hỗ trợ các bạn sinh viên đến thực tập tại công ty. Sau quá trình thực tập, có được tuyển dụng hay không phụ thuộc vào chính thái độ học tập, thái độ đối với công việc của các bạn”, ông Lê Tiến Trường thông tin.

Về yêu cầu kinh nghiệm khi tuyển dụng đối với sinh viên mới ra trường, ông Nguyễn Minh Trí, Giám đốc Quản lý Dự án Công Ty TNHH Kỹ Thuật Công Nghệ Điện Tự Động Biển Đông - Chi Nhánh Đà Nẵng, cho biết, kinh nghiệm ở đây không hẳn là kinh nghiệm làm việc, mà có thể hiểu là sự trải nghiệm. “Nhà tuyển dụng đương nhiên biết các bạn sinh viên mới ra trường thì không thể có kinh nghiệm làm việc. Tuy nhiên, chúng tôi mong muốn ở các bạn sự trải nghiệm trong quá trình học. Trải nghiệm khi tham gia làm một đồ án, một nghiên cứu khoa học, trải nghiệm khi đi làm thêm, làm dự án... Đó chính là “kinh nghiệm” chúng tôi cần ở các bạn”, ông Nguyễn Minh Trí chia sẻ.

Sinh viên trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng đặt câu hỏi về yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp

Theo ông Phạm Trường Sơn, để đáp ứng yêu cầu về phát triển nguồn nhân lực của thành phố, trong đó phát triển nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp Khu CNC và các KCN, trong thời gian đến, cần đẩy mạnh sự kết hợp giữa 3 “nhà”: nhà trường - nhà nước - nhà doanh nghiệp trong đào tạo phát triển nhân lực. Các trường đại học, cơ sở đào tạo nghề cần đổi mới nội dung, phương thức đào tạo nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp. Trong đó, các ngành nghề đào tạo phải gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội thành phố, nhu cầu của thị trường lao động và yêu cầu của các doanh nghiệp. Đồng thời, tăng cường liên kết giữa các trường cao đẳng và dạy nghề với các trung tâm giới thiệu việc làm nhằm tìm kiếm nguồn cung lao động có kỹ thuật, lao động đã qua đào tạo nghệ đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.

Phó trưởng ban phụ trách Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các Khu công nghiệp Đà Nẵng cho rằng, bên cạnh các chính sách và biện pháp hỗ trợ của nhà nước thì các doanh nghiệp cần có chiến lược đào tạo thu hút lao động riêng thông qua chế độ lương thưởng, phụ cấp, đãi ngộ phù hợp và thỏa đáng để tăng tính cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường lao động. Đặc biệt, đối với bản thân sinh viên, người lao động, cần năng động, chủ động học tập, rèn luyện, xóa bỏ những tư duy, tập quán, lề thói cũ, hình thành tác phong công nghiệp hiện đại để có đủ năng lực chuyên môn và kỹ năng cần thiết cho nhu cầu phát triển.

NGÔ HUYỀN

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác