Hội thảo Nâng cao chất lượng giảng dạy bộ môn lich sử cho giáo viên
Đăng ngày 20-06-2019 08:23, Lượt xem: 147

Sáng ngày 20-6, nhân Hội nghị BCH Hội khoa học lịch sử Việt Nam, Hội khoa học lịch sử thành phố đã phối hợp tổ chức Hội thảo với chủ đề “Nâng cao chất lượng giảng dạy bộ môn lich sử cho giáo viên trên địa bàn thành phố Đà Nẵng”. Hội thảo được tiến hành với sự tham gia của nhiều giáo sư, nhà nghiên cứu, nhà sử học nổi tiếng trên cả nước.

Nhiều năm qua ghi nhận một thực tế đáng buồn là tình trạng học sinh không thích học môn lịch sử và kết quả thi môn học này thường rất hạn chế. Một chương trình mới của môn lịch sử đã được soạn thảo và công bố  và việc biên soạn sách giáo khoa lịch sử cũng đang được tiến hành là những hy vọng mới cải thiện tình hình dạy và học môn này trong trường phổ thông. Theo Giáo sư Vũ Dương Ninh, một trong những người hiện đang tổ chức biên soạn sách giáo khoa mới, chia sẻ tại Hội thảo, trước đây việc giảng dạy  thiên về truyền bá kiến thức lịch sử để học sinh có thể  hiểu biết một cách căn bản những nét chính trong quá trình  phát triển lịch sử của dân tộc; các kiến thức trong sách giáo khoa nặng về lý thuyết,; phương  pháp giảng dạy chưa phù hợp, đơn điệu, thiếu hấp dẫn; học sinh bị rơi vào thế bị động, dễ chán nản,; việc tổ chức thi, kiểm tra nặng nề … . Đến nay, một trong những nét đổi mới quan trọng của “Chương trình môn Sử năm 2018” là nhấn mạnh việc bồi dưỡng, phát triển năng lực chung và năng lực lịch sử, áp dụng phương pháp dạy học chủ đạo là tích cực hóa hoạt động của của người học. Cụ thể đó là năng lực tự chủ và tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo…

Nhà sử học Dương Trung Quốc cũng cho biết đang thực hiện thí điểm đề tài nghiên cứu việc phổ biến mang tính tích hợp những yếu tố lịch sử, văn hóa, truyền thống, điều kiện tự nhiên, xã hội … của các địa phương nhằm đưa những kiến thức về quê hương đến cho các học sinh một cách trực quan sinh động, hấp dẫn để từ đó bồi dưỡng tình yêu quê hương đất nước, lịch sử cho các thế hệ mai sau …

Những kinh nghiệm hay từ thực tế chương trình, sách giáo khoa, phương pháp nghiên cứu, giảng dạy bộ môn lịch sử đã được các chuyên gia giới thiệu tại Hội thảo. 

Đối với thành phố Đà Nẵng, các giáo sư, nhà sử học, nhà nghiên cứu nhấn mạnh đến những vấn đề lịch sử và bảo vệ chủ quyền biển đảo, đặc biệt là đối với việc nghiên cứu học tập các tài liệu lịch sử liên quan đến quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.   

LÊ HOA

 

  

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác