Đà Nẵng sẽ tạo điều kiện tốt nhất, phối hợp với UNDP xây dựng mô hình City Lab
Đăng ngày 26-11-2019 08:39, Lượt xem: 684

Sáng 26-11, Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Xã hội Đà Nẵng phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) tổ chức Tọa đàm “Kinh nghiệm quốc tế và ý tưởng xây dựng Đà Nẵng City Lab”. Tham dự tọa đàm có Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh, đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam Caitlin Wiesen cùng đại diện các Sở, Ban, ngành liên quan và các chuyên gia của UNDP.

Phát biểu tại Tọa đàm, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh cho biết, tọa đàm là bước đi đầu tiên để thực hiện Bản ghi nhớ xây dựng Đà Nẵng City Lab do UBND thành phố Đà Nẵng và UNDP ký kết ngày 4-11-2019.

“Đà Nẵng sẽ tạo điều kiện tốt nhất, phối hợp với UNDP trong quá trình tìm kiếm, thử nghiệm những giải pháp xây dựng và phát triển thành phố, trong đó có việc xây dựng mô hình City Lab… Tôi đề nghị đại diện các chuyên gia UNDP trình bày, giải thích rõ hơn về kinh nghiệm xây dựng và triển khai mô hình City Lab tại các thành phố trên thế giới”, Phó Chủ tịch Hồ Kỳ Minh chia sẻ.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh thông tin thêm, hiện tại, Đà Nẵng đang quan tâm đến một số vấn đề phát triển đô thị: Quy hoạch giao thông; Quản lý môi trường, rác thải; Thành phố thông minh; Phát triển du lịch bền vững; Đổi mới sáng tạo; Chính quyền điện tử. Phó Chủ tịch Hồ Kỳ Minh cho biết, thành phố hoan nghênh và kêu gọi sự hỗ trợ, hợp tác của các cơ quan, đơn vị, chuyên gia trong và ngoài nước để tìm kiếm giải pháp phù hợp, hiệu quả cho việc giải quyết những vấn đề nêu trên.

Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam Caitlin Wiesen cho biết, điểm quan trọng nhất là Đà Nẵng có những chỉ số về hạnh phúc, chỉ số hòa bình, chỉ số về quản trị công rất cao. Đồng thời, Đà Nẵng có những biểu hiện rất tốt liên quan đến chính quyền điện tử so với các tỉnh, thành khác ở Việt Nam.

“UNDP sẽ hỗ trợ Đà Nẵng để xây dựng, phát triển Đà Nẵng thành thành phố thích ứng, thành phố năng động hàng đầu thế giới, giải quyết được những vấn đề về kinh tế, văn hóa, xã hội”, Bà Caitlin Wiesen nói.


Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam Caitlin Wiesen cho biết, Đà Nẵng có những chỉ số về hạnh phúc, chỉ số hòa bình, chỉ số về quản trị công rất cao

Bà Caitlin Wiesen mong muốn thông qua buổi tọa đàm, hai bên sẽ cùng trao đổi, đưa ra những giải pháp thử nghiệm, đổi mới để giúp Đà Nẵng đạt mục tiêu phát triển bền vững.

Tại buổi tọa đàm, Cựu sáng lập – Giám đốc Mexico City Lab Gabriela Gomez-Mont đã trình bày về kinh nghiệm xây dựng và triển khai mô hình City Lab.

Bà Gabriela Gomez-Mont giới thiệu, thành phố Mexico là City Lab đầu tiên của khu vực Mỹ La-tinh. Thành phố Mexico có hơn 21 triệu dân với rất nhiều dịch vụ công, đảm bảo nhu cầu của người dân và sự minh bạch về thông tin.

Chia sẻ về Nhóm xây dựng City Lab cho thành phố Mexico, bà Gabriela Gomez-Mont cho biết, nhóm có 20 thành viên với độ tuổi trung bình là 20 tuổi. Họ là những con người có nền tảng tri thức tốt và có khả năng kết nối liên ngành, kết nối các cán bộ ở tất cả các ngành, lĩnh vực để đưa ra những giải pháp thiết thực, hiệu quả cho thành phố giải quyết các vấn đề.

Theo bà Gabriela Gomez-Mont, việc tạo không gian để hình thành các ý tưởng, tăng cường sự tương tác giữa chính quyền và công dân của City Lab là việc làm vô cùng quan trọng. Bà Gabriela Gomez-Mont cũng nhấn mạnh, một trong những điều quan trọng khi xây dựng City Lab là cần có sự tham gia, chung tay của người dân thì chính quyền mới có thể điều hành, phát triển thành phố. Chính quyền và người dân cùng mở ra tương lai, cùng vạch ra định hướng phát triển. Có như vậy chính quyền mới thích ứng, đáp ứng được nhu cầu, mong mỏi của người dân.

Bà Gabriela Gomez-Mont đã đưa ra những ví dụ về các vấn đề và cách giải quyết của thành phố Mexico: quản lý hệ thống xe buýt đêm; quản lý hệ thống taxi; hệ thống đậu đỗ xe đạp; mô hình bác sĩ gia đình;…

Với Đà Nẵng, theo bà Gabriela Gomez-Mont cần tập trung vào 03 vấn đề: Ý tưởng về đổi mới sáng tạo; Giao thông; Xem xét nền kinh tế đêm.


Toàn cảnh Tọa đàm “Kinh nghiệm quốc tế và ý tưởng xây dựng Đà Nẵng City Lab”

Tại phần thảo luận, đại diện các Sở, ngành đã trình bày các câu hỏi, thắc mắc về một số vấn đề liên quan khi xây dựng City Lab: làm thế nào để có thể đánh giá được tác động của người dân và giữ được tính riêng tư của người dân khi sử dụng dữ liệu mở; vấn đề tăng trưởng du lịch, phát triển du lịch sinh thái bền vững với các mô hình du lịch cộng đồng; ngân sách xây dựng, hoạt động City Lab;…

Đại diện phía UNDP, bà Gabriela Gomez-Mont cho rằng, cần nhấn mạnh Đà Nẵng là một thành phố tuyệt vời và có nhiều tiềm năng để xây dựng City Lab.

Về vấn đề dữ liệu mở, đại diện đoàn UNDP cho biết, dữ liệu mở được xây dựng nhằm phục vụ người dân, đối tác. Khi sử dụng dữ liệu mở cần chú trọng đến việc bảo vệ thông tin cá nhân của những người liên quan. Phía UNDP cho biết thêm, việc bảo mật thông tin cá nhân cần thực hiện theo tiêu chuẩn quốc gia hoặc quốc tế. Có như vậy, các thông tin được cung cấp mới đảm bảo được tính khách quan.

Về du lịch, đại diện UNDP nhìn nhận, chất thải và giao thông là hai vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng du lịch. City Lab sẽ tác động đến ý thức, trách nhiệm của mỗi công dân. Sự phản hồi của người dân và du khách sẽ là đầu mối thông tin quan trọng để thành phố xác định được mối quan tâm, các vấn đề cần được chú trọng giải quyết.

THANH THẢO

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác