Tăng cường bảo đảm an toàn, an ninh mạng trong dịp Tết Canh Tý 2020
Đăng ngày 17-01-2020 07:10, Lượt xem: 458

UBND thành phố vừa có văn bản giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu, thực hiện Công văn số 4791/BTTTT-CATTT ngày 31-12-2019 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc đôn đốc tăng cường bảo đảm an toàn, an ninh mạng trong dịp Tết Dương lịch và Tết Canh Tý 2020.

Theo đó, Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước chủ động rà soát các điểm yếu, lỗ hổng trên hệ thống; tăng cường triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn, an ninh mạng cho các hệ thống thông tin của cơ quan, tổ chức mình. Thủ trưởng cơ quan, doanh nghiệp chỉ đạo đơn vị trực thuộc tiến hành rà soát, kiểm tra, thực hiện đầy đủ, kịp thời các quy định về bảo đảm an toàn, an ninh mạng, đặc biệt là trong công tác phòng, chống, gỡ bỏ phần mềm độc hại, phần mềm gián điệp, tấn công có chủ đích (APT).

Bên cạnh đó, tăng cường theo dõi, giám sát, chủ động phát hiện sớm các nguy cơ, dấu hiệu tấn công mạng, kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh. Cử cán bộ kỹ thuật trực theo dõi, giám sát liên tục các hệ thống thông tin trong các dịp nghỉ lễ. Khi phát hiện dấu hiệu của các chiến dịch tấn công mạng, thông báo về cơ quan chức năng liên quan của Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục An toàn thông tin) để có biện pháp xử lý kịp thời, giảm thiểu thiệt hại.

Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước thường xuyên cập nhật thông tin cảnh báo, khuyến nghị về an toàn, an ninh mạng được Cục An toàn thông tin chia sẻ.

Theo đánh giá tình hình diễn biến an toàn, an ninh mạng thế giới năm 2019, mỗi giây trên không gian mạng trung bình có 108 cuộc tấn công mạng và 32 mã độc mới được tạo ra; trong đó, đặc biệt là các cuộc tấn công có chủ đích (APT) nhằm vào các hệ thống viễn thông, tài chính, ngân hàng, các hệ thống thông tin quan trọng, hệ thống thông tin phục vụ Chính phủ điện tử.

Qua công tác theo dõi, giám sát không gian mạng, Bộ Thông tin và Truyền thông ghi nhận có nhiều địa chỉ IP của Việt Nam có kết nối đến các tên miền hoặc IP phát tán/điều khiển mã độc trên thế giới, trong đó có nhiều trường hợp là các địa chỉ IP của các bộ, ngành, địa phương có kết nối tới máy chủ điều khiển mã độc APT. Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, mặc dù các số liệu cho thấy các địa chỉ IP của Việt Nam lây nhiễm mã độc đã giảm hơn so với cùng kỳ năm ngoái; tuy nhiên, thực tế những năm trở lại đây tình hình an toàn, an ninh mạng tại Việt Nam có nhiều diễn biến phức tạp, đặc biệt trong khoảng thời gian diễn ra các sự kiện lớn của đất nước và những dịp nghỉ lễ.

NGÔ HUYỀN

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác