Tăng cường quản lý việc đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng
Đăng ngày 22-01-2020 03:51, Lượt xem: 955

UBND thành phố vừa có văn bản yêu cầu Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các sở, ngành chức năng, các địa phương triển khai thực hiện Công văn số 805-CV/BCSĐ ngày 18-11-2019 của Ban Cán sự đảng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc tăng cường quản lý công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Cụ thể, giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng xuất khẩu lao động (XKLĐ) cho các doanh nghiệp và người dân, trong đó thông tin đầy đủ các hình thức đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo quy định của pháp luật nhằm nâng cao ý thức chấp hành, tuân thủ pháp luật Việt Nam và nước tiếp nhận lao động cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài. Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo giám sát chặt chẽ các cơ sở có hoạt động giáo dục nghề nghiệp, ngoại ngữ và các kiến thức cần thiết cho người lao động kết hợp với hoạt động XKLĐ trên địa bàn thành phố.

Đồng thời, phối hợp với các doanh nghiệp hoạt động XKLĐ để tuyên truyền vận động người lao động tuân thủ hợp đồng, pháp luật nước sở tại, về nước đúng hạn khi kết thúc hợp đồng; cung cấp đầy đủ các thông tin liên quan đến với người lao động có nguyện vọng đi làm việc ở nước ngoài như: công việc, điều kiện làm việc, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, yêu cầu về đào tạo, chi phí, mức lương... để người lao động có sự lựa chọn phù hợp. Phối hợp với Công an thành phố tăng cường công tác thanh tra. kiểm tra, giám sát các hoạt động của các doanh nghiệp hoạt động XKLĐ trên địa bàn; phát hiện, ngăn chặn xử lý kịp thời, nghiêm minh đối với các hành vi cho thuê, mượn, mua, bán giấy phép hoạt động XKLĐ.

Sở Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm chủ động xây dựng kế hoạch và chỉ đạo các cơ quan báo, đài phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các địa phương tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng như: tin, bài, phóng sự... về các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác XKLĐ; trong đó, thông tin đầy đủ các hình thức đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo quy định của pháp luật, nhằm tạo điều kiện cho người lao động được tiếp cận với các thông tin về XKLĐ. Ngoài ra, cần quan tâm tăng thời lượng phát sóng, đưa tin kịp thời, khách quan về tình hình người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài; biểu dương và nhân rộng các điển hình tốt, phê phán các biểu hiện tiêu cực, vi phạm pháp luật về XKLĐ.

UBND đề nghị Công an thành phố tăng cường triển khai các biện pháp nhằm chủ động phòng ngừa, đấu tranh đối với các tổ chức, cá nhân lợi dụng chính sách về XKLĐ để dụ dỗ, lôi kéo, đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài bất hợp pháp; thường xuyên phối hợp với các cơ quan liên quan để nắm tình hình các doanh nghiệp hoạt động XKLĐ, kịp thời chấn chỉnh, xử lý việc lợi dụng đưa người ra nước ngoài để trốn, ở lại nước ngoài lao động, cư trú bất hợp pháp.

UBND các quận, huyện có trách nhiệm chủ động thực hiện và tăng cường chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan, UBND xã, phường đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về XKLĐ để đông đảo người dân được biết; xây dựng và triển khai các chương trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương nhằm tạo việc làm, hạn chế tình trạng ra nước ngoài lao động trái phép. Đồng thời, chỉ đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp hoạt động XKLĐ trên địa bàn quận, huyện; phối hợp với UBND xã, phường tổ chức kiểm tra, xử lý các tổ chức, cá nhân hoạt động XKLĐ không đúng pháp luật.

NGÔ HUYỀN

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác