Xe buýt TMF dần thay đổi thói quen di chuyển của người dân
Đăng ngày 21-02-2020 21:40, Lượt xem: 675

Đó là chia sẻ của Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đặng Việt Dũng tại buổi lễ tổng kết dự án “Cải thiện hành lang giao thông đô thị thành phố Đà Nẵng” do UBND thành phố và Quỹ Toyata Mobility Foundation (Quỹ TMF) phối hợp tổ chức vào sáng 21-2.

Dự án Cải thiện hành lang giao thông đô thị thành phố Đà Nẵng được triển khai với 02 hợp phần chính: Đầu tư thí điểm tuyến buýt trung chuyển (tuyến buýt TMF) nối các khu dân cư mới phía đông sông Hàn với các công trình công cộng khu trung tâm thành phố (Hợp phần 1); Đầu tư mô hình thí điểm quản lý bãi đỗ xe trên đường với ứng dụng công nghệ trả phí thông qua điện thoại di động (Hợp phần 2).

Theo đại diện Ban Quản lý dự án (QLDA), sau thời gian triển khai tuyến buýt TMF, người dân đã dần quen với dịch vụ xe buýt và đã thay đổi suy nghĩ để lựa chọn xe buýt là phương tiện di chuyển của mình. Đại đa số người đi xe buýt đưa ra đánh giá “Rất tốt” cho tuyến buýt TMF và “Tốt” đối với các tiêu chí được khảo sát (sự thoải mái, an toàn, vệ sinh, thái độ phục vụ, mức độ đóng góp vào việc tăng cường mạng lưới, thời gian hoạt động).


Sau 1,5 năm hoạt động, tổng số lượng hành khách của tuyến buýt TMF đạt 190.376 hành khách. ẢNH: Sưu tầm

Đồng thời, qua khảo sát cho thấy, tần suất sử dụng xe buýt “Rất thường xuyên” tăng tới 41% và “Khá thường xuyên” là 42%. Bên cạnh đó, tỷ lệ sử dụng xe máy giảm đến 25% và tỷ lệ sử dụng xe buýt tăng đến 55%.

Sau 1,5 năm hoạt động, tổng số lượng hành khách của tuyến buýt TMF đạt 190.376 hành khách, trung bình 6,6 hành khách/ lượt (tăng từ 5,3 hành khách/ lượt năm 2017 lên 8 hành khách/ lượt trong năm 2018).

Qua những con số trên, có thể thấy, tuyến buýt TMF đã có tác động tích cực đến mục tiêu tổng thể của quy hoạch giao thông công cộng của thành phố. Dự án đã góp phần tăng cường phạm vụ dịch vụ và khả năng kết nối của mạng lưới xe buýt thành phố, giúp người dân dần chuyển đổi thói quen từ sử dụng phương tiện cá nhân sang lựa chọn xe buýt. Từ đó, góp phần giảm tắc nghẽn giao thông và cải thiện tình hình giao thông đô thị. Việc hỗ trợ chính sách để tiếp tục vận hành tuyến TMF với các thay đổi phù hợp với việc điều chỉnh toàn bộ các tuyến xe buýt của thành phố đã tiếp tục được đảm bảo sau khi hoàn thành dự án. Một số tuyến buýt mới ra mắt cho thấy cam kết và nỗ lực cao của Đà Nẵng về một hệ thống giao thông hoàn chỉnh, đồng bộ và bền vững.

Việc triển khai thí điểm tuyến buýt TMF cũng được đánh giá bền vững về khía cạnh tài chính và kỹ thuật. Một số tính năng kỹ thuật tiên tiến của tuyến buýt TMF được ứng dụng vào cải tiến cơ sở hạ tầng của mạng lưới xe buýt thành phố như: Mô hình thí điểm các bảng thông tin tuyến buýt LED-VMS theo thời gian thực được xây dựng bởi dự án đã được xem xét nhân rộng để lắp đạt tại các điểm thu hút chính; Cơ sở vật chất của bãi đỗ xe P&R của dự án cũng được đánh giá cao và xem xét nhân rộng giúp tối đa hóa sự tiện lợi và khả năng tiếp cận cho hành khách đi xe buýt.

Mô hình điểm quản lý bãi đỗ xe trên đường với ứng dụng công nghệ trả phí thông qua điện thoại di động (Hợp phần 2) được thí điểm trên đường Bạch Đằng và mở rộng thí điểm trên đường Trần Phú với các công nghệ tiên tiến trong việc quản lý đậu đỗ xe trên đường: thu phí tính theo thời gian, quản lý thu phí bằng phần mềm tự động, thông tin liên tục cập nhật theo thời gian thực giúp lái xe dễ dàng tìm kiếm điểm đỗ xe trên lộ trình của mình.

Hợp phần Đầu tư mô hình thí điểm quản lý bãi đỗ xe trên đường với ứng dụng công nghệ trả phí thông qua điện thoại di động được đánh giá khá cao với các tính năng riêng biệt: Tài khoản đỗ xe được khởi tạo trên nhiều phương diện (qua ứng dụng trên điện thoại di động, trên giao diện website, qua tin nhắn SMS); Nhiều phương thức thanh toán (bằng thẻ cào; qua hệ thống Internet Banking; ứng dụng ví điện tử Momo); Tính năng ghi nợ/ trả sau phí đỗ xe; Tính năng chia sẻ phí đỗ xe.


Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đặng Việt Dũng nhận định, dự án “Cải thiện hành lang giao thông đô thị Đà Nẵng” đã thành công trên 03 phương diện

Việc sử dụng thí điểm mô hình quản lý bãi đỗ xe với ứng dụng công nghệ đã tác động tích cực đến trật tự xã hội và minh họa được những lợi ích thiết yếu của việc giảm áp lực giao thông đô thị, hình thành khung pháp lý cho việc quản lý đỗ xe trên đường và tạo thói quen đỗ xe theo quy định. Đồng thời, mô hình còn đóng vai trò quan trọng trong bối cảnh chỗ đỗ xe còn hạn chế, phương tiện giao thông chủ yếu là xe máy cá nhân và lượng xe ô tô riêng tăng nhanh làm gia tăng áp lực lên giao thông đô thị. Việc thu phí ở một mức độ nào đó đã đóng góp vào ngân sách thành phố để phát triển cơ sở hạ tầng.

Tổng thể, cả 2 hợp phần của dự án “Cải thiện hành lang giao thông đô thị thành phố Đà Nẵng” đều được triển khai hiệu quả, tác động tích cực đến đời sống người dân. Ban QLDA cũng đưa ra một số đề xuất, kiến nghị để dự án đạt hiệu quả tích cực hơn nữa. Đối với tuyến buýt TMF, cần có quy hoạch tích hợp nhiều phương thức giao thông (MRT, xe buýt, taxi, xe ôm) nhằm đáp ứng trọn gói nhu cầu đi lại của du khách; sắp xếp các bãi đỗ xe P&R tại các điểm đầu cuối và trạm trung chuyển để đảm bảo chuyển giao thuận tiện từ phương tiện cá nhân sang xe buýt;… Mô hình quản lý bãi đỗ xe trên đường cũng cần có các quy định xử phạt; các tính năng tiên tiến cho việc nạp tiền trả phí cũng cần được xe xét bổ sung và hoàn thiện thêm;…

Tại lễ tổng kết, ông Shin Aoyama, Giám đốc điều hành, Tổng Thư ký TMF cho biết, dự án “Cải thiện hành lang giao thông đô thị thành phố Đà Nẵng” được triển khai với mục tiêu phát triển một hệ thống giao thông đa phương thức thông minh và tiên tiến cho Đà Nẵng. Ông mong rằng dự án sẽ có những đóng góp tích cực và hiệu quả cho người dân thành phố và sẽ trở thành một mô hình tiêu biểu trong việc giải quyết nhu cầu đi lại trên khắp Việt Nam.

Phát biểu tại lễ tổng kết, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đặng Việt Dũng nhận định, dự án “Cải thiện hành lang giao thông đô thị Đà Nẵng” đã thành công trên 03 phương diện.

Thứ nhất, Đà Nẵng đã lựa chọn mô hình rất đặc biệt, một mô hình chưa từng có tiền lệ tại Việt Nam: giao cho UBND cấp quận, huyện (quận Hải Châu) trực tiếp tiếp nhận, tổ chức 01 dự án chuyên ngành cao của nước ngoài. Sự thành công của dự án thể hiện quyết tâm lớn và năng lực tổ chức, thực thi của đội ngũ tiếp nhận.

Thứ hai là sự quyết tâm triển khai công nghệ mới để quản lý xe buýt. Nhờ vậy, Đà Nẵng đã thu được kinh nghiệm, nâng cao năng lực quản lý của đội ngũ và lựa chọn công nghệ tốt nhất để triển khai mở rộng các giải pháp đậu đỗ xe trên toàn địa bàn thành phố, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm để tổ chức xe buýt trong nội thành.

Thứ ba, dự án đã tác động tích cực, dần thay đổi thói quen di chuyển của người dân. Hình ảnh tuyến buýt TMF lưu thông trên đường đã đem lại niềm tin cho người dân thành phố. Sự kiên trì và cách thức tổ chức thực hiện cũng đã giúp người dân thay đổi nhận thức, hành vi, tăng tỉ lệ sử dụng phương tiện công cộng.


Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đặng Việt Dũng và Lãnh đạo Quỹ TMF chụp ảnh lưu niệm

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đặng Việt Dũng đề nghị, trong thời gian tới, cần có thêm các đánh giá và định hướng nhân rộng dự án “Cải thiện hành lang giao thông đô thị Đà Nẵng”.

Phó Chủ tịch Thường trực Đặng Việt Dũng mong rằng, mô hình thí điểm tại Đà Nẵng sẽ là mô hình nghiên cứu mới cho nhiều thành phố khác trong việc ứng dụng công nghệ trong hỗ trợ di chuyển. Đồng thời, đề nghị ngành giao thông vận tải lấy kết quả ứng dụng thực tế này để làm cơ sở, rút kinh nghiệm trong việc triển khai xe buýt trong tương lai để phục vụ người dân tốt nhất.

DỰ ÁN “CẢI THIỆN HÀNH LANG GIAO THÔNG ĐÔ THỊ ĐÀ NẴNG”

Dự án “Cải thiện hành lang giao thông đô thị Đà Nẵng” được đầu tư từ nguồn tài trợ của Quỹ Toyota Mobility Foundation (TMF) với tổng mức đầu tư 2.868.700 USD (khoảng 350 triệu Yên Nhật) theo Thỏa thuận tài trợ ký vào tháng 6-2015 giữa UBND thành phố Đà Nẵng và TMF. 

Thời gian thực hiện dự án: Từ tháng 7-2015 đến 9-2019.

Mục tiêu dự án: Góp phần cải thiện hệ thống giao thông đô thị thông qua việc giới thiệu các vận tải đa phương thức vì một xã hội di chuyển linh hoạt hơn, đồng thời tăng cường công tác quản lý giao thông đô thị nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững của thành phố Đà Nẵng.

NGUYÊN THẢO

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác