Bài toán khó trong xây dựng mô hình chợ an toàn thực phẩm
Đăng ngày 04-06-2020 02:55, Lượt xem: 1052

Cơ sở vật chất xuống cấp, cống rãnh nhỏ, hẹp không đáp ứng việc thoát nước thải, thiếu hụt kinh phí,… là những khó khăn gặp phải trong quá trình xây dựng mô hình chợ an toàn thực phẩm (ATTP) trên địa bàn thành phố, từ đó ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý Nhà nước về ATTP hiện nay.

Năm 2018, UBND thành phố ban hành Quyết định số 5556/QĐ-UBND về bộ tiêu chí xây dựng mô hình chợ đảm bảo đủ điều kiện ATTP trên địa bàn Đà Nẵng. Tuy nhiên, thực tế đến năm 2019, thành phố chỉ có 8 chợ được Ban Quản lý ATTP thẩm định, công nhận chợ đạt “Mô hình chợ đảm bảo đủ điều kiện an toàn thực phẩm”.

Theo đó, cấp thành phố có 3 chợ gồm: Chợ Hàn; chợ Cồn; chợ Đống Đa (do Sở Công thương quản lý).

Cấp quận, huyện có 5 chợ gồm: Chợ Hòa Cường (quận Hải Châu); chợ Phước Mỹ (quận Sơn Trà); chợ Non Nước (quận Ngũ Hành Sơn); chợ Phú Lộc (quận Thanh Khê); Chợ Cẩm Lệ (quận Cẩm Lệ). 

Thông tin về những khó khăn, vướng mắc khi xây dựng chợ đạt chuẩn ATTP, ông Nguyễn Tấn Hải, Trưởng Ban Quản lý ATTP thành phố cho biết: Hiện nay, hầu hết các chợ truyền thống trên địa bàn đã xây dựng lâu đời, cơ sở vật chất vì thế mà xuống cấp, đơn cử như sàn nền của chợ bị hư hỏng, bám dính nhiều lớp chất bẩn, gạch bị bong tróc, cống rãnh nhỏ, hẹp không đáp ứng việc thoát nước thải.

Ngoài ra, việc quy hoạch, bố trí khu vực kinh doanh, phân lô, quầy kinh doanh của từng hộ tiểu thương tại các chợ từ trước đến nay chưa chú trọng đến vấn đề ATTP, do vậy xuất hiện thực trạng các khu vực kinh doanh, quầy kinh doanh thực phẩm bố trí không hợp lý, không đảm bảo ATTP như: Khu bán thủy hải sản, khu hàng thịt gần sát khu bán thức ăn ngay (mỳ, bún…), bán thịt sống có bán kèm theo chả ăn ngay, dẫn đến dễ bị lây nhiễm chéo về vi sinh vật. Việc bố trí sắp xếp lại các lô, quầy của các hộ tiểu thương đã có từ trước cũng gặp rất nhiều khó khăn, phải qua công tác vận động, tuyền truyền.\


Các khu vực kinh doanh, quầy kinh doanh thực phẩm bố trí không hợp lý, không đảm bảo ATTP. Trong ảnh, khu vực bán thủy hải sản gần sát khu bán chả ăn ngay

“Qua khảo sát thực tế, có thể nhận thấy các khu vực bán thực phẩm tươi sống tại các chợ nhìn chung không được sạch, vẫn thường xuyên xảy ra tình trạng sàn nền đọng nước, rác thải, chất bẩn bám đầy, cống rảnh không thoát nước tốt,…Đồng thời, trang thiết bị, dụng cụ kinh doanh cũng chưa đảm bảo vệ sinh như dao, thớt không được vệ sinh hàng ngày; tái sử dụng thùng đựng sơn để chứa thực phẩm làm lây nhiễm chất độc hại. Bên cạnh đó, tại một số chợ, hệ thống cấp, thoát nước chưa đến từng hộ kinh doanh dẫn đến việc vệ sinh trang thiết bị dụng cụ kinh doanh, vệ sinh khu vực quầy hàng không đảm bảo” ông Hải nói.

“Thực tế nhìn nhận, vẫn còn một vài hộ kinh doanh thiếu ý thức trong việc vệ sinh sạch sẽ khu vực buôn bán, lối đi hay không gian xung quanh quầy hàng của mình. Việc ghi chép, lưu trữ thông tin nguồn gốc đối với sản phẩm kinh doanh tại chợ còn hạn chế, đặc biệt đối với các cửa hàng thịt; rau, củ, quả, thủy sản gây khó khăn cho công tác truy xuất nguồn gốc thực phẩm, một số mặt hàng không tuân thủ quy định về nội dung, cách thức ghi nhãn hàng hóa” Ông Hải chia sẻ thêm.

Cũng theo ông Hải, ngoài các vấn đề trên thì kinh phí đầu tư xây dựng chợ đảm bảo đủ điều kiện ATTP luôn được quan tâm và phân bổ tăng hàng năm. Tuy nhiên, vẫn chưa đáp ứng với yêu cầu thực tiễn đặt ra. Đồng thời, do chợ là đơn vị sự nghiệp nên phải tự cân đối thu, chi, vì vậy việc dành ngân sách cho ATTP cũng là một vấn đề cần quan tâm tháo gỡ.

Bàn về giải pháp để xây dựng các tiêu chí chợ đảm bảo đủ điều kiện ATTP trong thời gian đến, ông Hải cho biết: Ban Quản lý ATTP đã xây dựng kế hoạch lấy mẫu 216 mẫu thực phẩm (thịt heo, thịt gà, bún, mỳ, thị bò khô, dăm bông, tương ớt, ớt bột, thủy hải sản khô, chả, măng chua, dưa cải) nhằm giám sát ô nhiễm thực phẩm tại 21 chợ quận, huyện và 3 chợ thành phố.


Một vài hộ kinh doanh thiếu ý thức trong việc vệ sinh sạch sẽ khu vực buôn bán, lối đi hay không gian xung quanh quầy hàng của mình

Về công tác tuyên truyền, Ban Quản lý đã xây dựng kế hoạch tập huấn, phổ biến, tuyên truyền văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chí mô hình chợ đảm ATTP cho tiểu thương của 8 chợ đăng ký đạt tiêu chí ATTP năm 2020; đồng thời thực hiện video tuyên truyền tại các chợ trên địa bàn thành phố với chủ đề "Nhận biết tiêu chí đảm bảo và không đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm".

Ngoài ra, Ban Quản lý sẽ triển khai công tác thanh, kiểm tra về tiến độ xây dựng chợ đảm bảo đủ điều kiện ATTP của các quận, huyện trong năm 2020; tổ chức kiểm tra việc duy trì điều kiện bảo đảm ATTP tại 8 chợ đã được công nhận năm 2019. Cuối năm 2020, thành lập Đoàn thẩm định liên ngành do Ban Quản ATTP chủ trì, phối hợp cùng Sở Công Thương, Ủy ban Mặt trận Tổ quốcViệt Nam thành phố tiến hành thẩm định, công nhận mô hình chợ đảm bảo đủ điều kiện ATTTP đối với các chợ đã đăng ký năm 2020.

“Bên cạnh đó, chúng tôi đã tham mưu cho UBND thành phố về việc triển khai xây dựng chợ đảm bảo đủ điều kiện ATTP giai đoạn 2019-2023, trong đó nêu rõ mục tiêu đến năm 2023, có 100% các chợ truyền thống được công nhận đảm bảo đủ điều kiện an toàn thực phẩm” ông Hải nhấn mạnh.

THỦY THANH

 

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác