Tăng cường kiểm tra, đảm bảo an toàn thực phẩm dịp Tết Trung thu
Đăng ngày 28-09-2020 15:12, Lượt xem: 622

Đến hẹn lại lên, mỗi dịp Tết Trung thu về thì nhu cầu tiêu dùng các loại bánh, kẹo, đặc biệt là bánh trung thu tăng đột biến. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm hàng không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm được “lén lút” đưa ra thị trường, đánh lừa người tiêu dùng. Trước thực trạng đó, Ban Quản lý An toàn thực phẩm (ATTP) thành phố đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm nhằm kiểm soát chặt thị trường, hạn chế xảy ra ngộ độc trước, trong và sau Tết Trung thu.

Siết chặt thị trường

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 dẫn đến lượng hàng hóa lớn bị ùn tắc, không được lưu thông. Vì vậy, đây là thời điểm thích hợp để các cơ sở sản xuất, kinh doanh tung ra thị trường các sản phẩm bánh, kẹo, đặc biệt là bánh trung thu không đảm bảo chất lượng về vệ sinh ATTP. Trên cơ sở đó, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm và phòng, chống ngộ độc thực phẩm dịp Tết Trung thu trên địa bàn thành phố là nhiệm vụ vô cùng quan trọng, cấp thiết.


Video: Tăng cường kiểm tra, đảm bảo an toàn thực phẩm dịp Tết Trung thu

Theo đó, để đảm bảo ATTP trong dịp Tết Trung thu năm 2020, Ban Quản lý ATTP thành phố đã tiến hành thành lập các đoàn kiểm tra tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh, kẹo, thực phẩm theo 3 cấp gồm tuyến thành phố; tuyến quận, huyện và tuyến xã, phường.

Đối với tuyến thành phố, Ban Quản lý ATTP đã thành lập 3 đoàn kiểm tra liên ngành vệ sinh ATTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh trung thu lớn. Đối với điểm bán bánh trung thu vừa và nhỏ thì chủ yếu do các đoàn kiểm tra liên ngành tuyến quận, huyện, xã, phường thực hiện.


Đoàn liên ngành Ban Quản lý ATTP thành phố kiểm tra bao bì, nhãn mác của bánh trung thu

Theo ông Nguyễn Tấn Hải, Trưởng Ban Quản lý ATTP thành phố, việc đảm bảo vệ sinh ATTP trong dịp Tết Trung thu là vấn đề tất yếu, được ưu tiên hàng đầu. Quá trình thanh kiểm tra, giám sát các cơ sở kinh doanh các mặt hàng phục vụ Trung thu được đơn vị triển khai từ rất sớm và thực hiện một cách xuyên suốt, quyết liệt, tập trung chủ yếu vào những vi phạm về chất lượng cũng như điều kiện vệ sinh an toàn trong sản xuất, kinh doanh mặt hàng trên.

“Thông qua việc thanh tra, kiểm tra sẽ kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm ATTP, hạn chế nguy cơ ngộ độc thực phẩm. Có thể nói, đến thời điểm hiện tại thì chưa thấy dấu hiệu bất thường hoặc bánh trung thu mất vệ sinh ATTP. Tuy nhiên, chúng ta cũng không vì thế mà chủ quan, lơ là”, ông Hải nói.

Cũng theo ông Hải, ngoài việc thực hiện kiểm tra ATTP, Ban Quản lý ATTP thành phố còn tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn sản xuất, chế biến, bảo quản và tiêu dùng thực phẩm đến người dân cũng như các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh mặt hàng phục vụ Tết Trung thu. Qua đó, góp phần nâng cao vai trò trách nhiệm, tạo chuyển biến trong nhận thức về vệ sinh ATTP của người dân và chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh kẹo.


Đoàn liên ngành Ban Quản lý ATTP thành phố kiểm tra kiểm tra việc chấp hành các quy định về ATTP của các cơ sở sản xuất kinh doanh bánh kẹo Trung thu

Liên quan đến vấn đề bánh trung thu “nhà làm”, ông Hải cho rằng rất khó để kiểm soát cũng như quản lý chất lượng các loại bánh này do chúng được sản xuất bởi các cơ sở tự phát, không đăng ký tiêu chuẩn chất lượng với cơ quan chức năng và chủ yếu bán qua mạng. Thậm chí, có nơi quảng cáo bánh tự làm song được nhập từ Trung Quốc, không rõ xuất xứ.

Về bánh trung thu nhập khẩu, theo ông Hải, nếu không bảo quản đúng sẽ dẫn đến nguy cơ mất vệ sinh ATTP rất cao. Ông Hải cho biết, thời gian đến, Ban Quản lý ATTP thành phố sẽ tổ chức lấy mẫu, kiểm tra hóa đơn chứng từ, công tác bảo quản để đánh giá chất lượng sản phẩm của các mặt hàng trên. Trong trường hợp phát hiện dấu hiệu bất thường sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Ông Hải cũng khuyến cáo, người tiêu dùng khi chọn bánh Trung thu thì nên chọn các loại bánh có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, lớp bao bì còn nguyên vẹn, có hướng dẫn sử dụng, bảo quản... và còn hạn sử dụng. Ngoài ra, khi mua cần yêu cầu hóa đơn bán lẻ để khẳng định trách nhiệm giữa người bán và người mua.


Thông qua việc thanh tra, kiểm tra sẽ kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm ATTP, hạn chế nguy cơ ngộ độc thực phẩm

“Đối với những loại bánh gia công và các sản phẩm làm bánh không có nhãn mác, nếu chỉ nhìn bằng mắt thường thì người tiêu dùng khó nhận biết được sản phẩm đó có an toàn hay không. Vì vậy, người tiêu dùng phải thật sự cảnh giác, tránh để các sản phẩm kém chất lượng gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Ngoài ra, sản phẩm phải được bày bán ở những địa điểm kinh doanh có đủ trang thiết bị bảo quản đúng quy định.”, ông Hải chia sẻ.

Vì sức khỏe người tiêu dùng

Nắm bắt tâm lý người tiêu dùng cũng như nhằm khẳng định thương hiệu của mình, hiện nay, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh mặt hàng phục vụ Tết Trung thu bên cạnh việc chủ động phòng, chống dịch COVID-19, họ còn rất chú trọng vấn đề vệ sinh ATTP để đảm bảo an tâm cho người sử dụng.

Theo chị Phan Thùy Dung, đại diện cơ sở bánh mì Ba Hưng, để đảm bảo vệ sinh ATTP cho sản phẩm bánh trung thu thì phải đảm bảo 3 tiêu chí cơ bản: Thứ nhất là nguyên liệu đầu vào, thứ 2 là quy trình sản xuất và thứ 3 là quy trình đóng gói.

Chị Phan Thùy Dung cho biết, bánh trung thu thường có hạn sử dụng ngắn ngày, vì vậy bắt buộc nguyên liệu đầu vào phải được nhập liên tục, thường xuyên. Đặc biệt, phải lựa chọn nhà cung cấp nguồn nguyên vật liệu uy tín, có xuất xứ, nguồn gốc rõ ràng để đảm bảo bánh trung luôn “tươi mới”, giữ gìn được hương vị bánh trung thu truyền thống.


Các nhân viên làm bánh trung thu tại cơ sở bánh mì Ba Hưng đều phải đeo găng tay, khẩu trang trong suốt quá trình làm việc

“Những năm gần đây, cơ sở của chúng tôi phải đầu tư máy móc, trang thiết bị phục vụ cho việc làm bánh trung thu cổ truyền. Tất cả các nhân viên đều phải đeo găng tay, khẩu trang trong suốt quá trình làm việc. Bên cạnh đó, chúng tôi còn chú trọng các khâu đóng gói, bảo quản bánh trung thu đáp ứng các tiêu chí về vệ sinh ATTP vì đây là sự sống còn của cơ sở.”, chị Dung cho biết.

Cũng theo chị Dung, bánh trung thu được sản xuất tại cơ sở chị không sử dụng chất bảo quản, phụ gia nên sẽ được bán trong ngày.

“Trong trường hợp không bán hết thì bắt buộc chúng tôi phải hủy toàn bộ số sản phẩm này để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.”, chị Dung chia sẻ thêm.

Loay hoay tìm cho mình sản phẩm bánh trung thu yêu thích, anh Nguyễn Mạnh Quỳnh (trú quận Ngũ Hành Sơn) chia sẻ: “Khi mua bánh trung thu, đầu tiên mình sẽ chú trọng các tiêu chí về vệ sinh ATTP, sau đó là bánh phải ngon, nhìn phải bắt mắt và phải của các hãng uy tín, có tiếng. Bởi, các hãng lớn luôn có dây chuyền sản xuất khép kín, đồng thời vấn đề an toàn thực phẩm của họ luôn đặt lên hàng đầu.”.


Người tiêu dùng nên lựa chọn kỹ lưỡng khi mua bánh trung thu để tránh mua phải hàng kém chất lượng

Anh Quỳnh cho biết thêm, bản thân rất cảm thấy yên tâm khi thấy lực lượng chức năng luôn tăng cường các hoạt động thanh, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh trung thu trên địa bàn thành phố.

“Theo tôi, hoạt động kiểm tra của các cơ quan chức năng đã góp phần nâng cao nhận thức của các cơ sở kinh doanh, sản xuất, hạn chế thấp nhất sự xuất hiện của các sản phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo vệ sinh ATTP, mang đến một mùa tết Trung thu an toàn cho người dân thành phố”, anh Quỳnh nói.

THỦY THANH

 

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác