Kế hoạch xét nghiệm phát hiện người nhiễm SARS-CoV-2 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng trong giai đoạn dịch COVID-19
Đăng ngày 14-10-2020 08:46, Lượt xem: 721

Ngày 12-10, UBND thành phố ban hành Kế hoạch số 6716/KH-UBND về việc xét nghiệm phát hiện người nhiễm SARS-CoV-2 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng trong giai đoạn dịch COVID-19, nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc COVID-19 trong số các đối tượng nguy cơ cao hoặc đối tượng nghi ngờ tại cơ sở y tế và trong cộng đồng.

Đồng thời, nghiên cứu, đánh giá theo dõi hiệu quả của các biện pháp điều trị theo dõi bệnh nhân trong quá trình điều trị; các biện pháp phòng chống dịch đã thực hiện; đánh giá tình hình dịch tễ, miễn dịch trong cộng đồng, cũng như giảm tải cho hệ thống xét nghiệm, giảm nhu cầu sinh phẩm, hóa chất, vật tư tiêu hao, giảm thời gian xét nghiệm và tăng công suất xét nghiệm nhưng vẫn bảo đảm chất lượng xét nghiệm.

Theo đó, đối tượng xét nghiệm được phân thành 3 nhóm theo thứ tự ưu tiên: Nhóm 1 được xét nghiệm trong trong mọi trường hợp; Nhóm 2 được xét nghiệm khi có nhiều nguồn lực và đã bảo đảm xét nghiệm hết cho các trường hợp thuộc Nhóm 1; Nhóm 3 được xét nghiệm khi có đủ nguồn lực và đã bảo đảm xét nghiệm hết cho các đối tượng thuộc Nhóm 1 và Nhóm 2. Sử dụng kỹ thuật xét nghiệm phát hiện vật chất di truyền (ARN) hoặc phát hiện kháng nguyên virus để xác định nhiễm SARS-CoV-2. Tùy điều kiện có thể xem xét xét nghiệm huyết thanh học phát hiện kháng thể để điều tra, đánh giá, theo dõi hiệu quả của các biện pháp điều trị, các biện pháp phòng chống dịch đã thực hiện, đánh giá tình hình dịch tễ, miễn dịch cộng đồng.

Đối với nhóm đối tượng theo chỉ định của Bộ Y tế, ở giai đoạn có ca bệnh xâm nhập, ca bệnh thứ phát trong cộng đồng và các ổ dịch khu trú, chưa lây lan rộng trong cộng đồng thì Nhóm 1 bao gồm:

+ Người tiếp xúc gần với ca bệnh nghi ngờ, ca bệnh xác định theo hướng dẫn giám sát ban hành kèm theo Quyết định số 3468/QĐ-BYT ngày 7-8-2020 của Bộ Y tế.

+ Ca bệnh xác định COVID-19 đang trong quá trình điều trị.

+ Các trường hợp đến khám bệnh hoặc nhập viện với triệu chứng viêm đường hô hấp cấp nặng (SARI) hoặc viêm phổi nặng nghi do nhiêm virus (SVP) hoặc hội chứng cúm (ILI) (có sốt và có ít nhất một biểu hiện/triệu chứng về bệnh liên quan đến hô hấp).

+ Nhân viên y tế, người chăm sóc, nhân viên phục vụ không có triệu chứng và tiếp xúc gần với ca bệnh xác định COVID-19 trong vòng 14 ngày mà không sử dụng các biện pháp bảo vệ phù hợp như không tuan thu yẹ sinh tay, khong sư dụng trang bị bảo hộ cá nhân thích hợp, hoặc bị tai nạn nghề nghiệp.

+ Trường hợp nhập cảnh (người nhập cảnh phải cách ly y tế tạp trung, nhà đầu tư, chuyên gia và người nhập cảnh với mục đích ngoại giao, công vụ).

+ Những người ở trong ổ dịch đã được khoanh vùng cách ly.

Ở giai đoạn có ca bệnh xâm nhập, ca bệnh thứ phát trong cộng đồng và các ổ dịch khu trú, chưa lây lan rộng trong cộng đồng, Nhóm 2 bao gồm:

+ Những trường hợp thuộc nhóm nguy cơ phát triển thành bệnh nặng có triệu chứng liên quan đến COVID-19, như người có bệnh nền hoặc cao tuổi hoặc đã nằm viện điều trị lâu ngày.

+ Nhân viên y tế không có triệu chứng nhưng làm việc tại bệnh viện có số lượng ca bệnh COVID-19 tăng nhanh.

+ Người bệnh đến khám và người bệnh nội trú có biểu hiện nghi ngờ COVID-19; đặc biệt lưu ý người cao tuổi, người mắc các bệnh lý mạn tính, kể cả trường hợp người bệnh có tiền sử dịch tễ không rõ ràng, để phát hiện và cách ly kịp thời theo quy định.

+ Nhân viên y tế có triệu chứng cúm, viêm đường hô hấp cấp tính.

+ Định kỳ (7 đến 14 ngày) lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc cho nhân viên y tế có tiếp xúc, điều trị cho người nhiễm trùng đường hô hấp, viêm phổi nặng cũng như xét nghiệm cho người bệnh các khoa hồi sức cấp cứu, thận nhân tạo, lão khoa, ung thư, tim mạch; nhân viên lấy mẫu, xét nghiệm SARS-CoV-2.

+ Các trường hợp xuất cảnh đi nước ngoài cần kết quả xét nghiệm.

Ở giai đoạn có ca bệnh xâm nhập, ca bệnh thứ phát trong cộng đồng và các ổ dịch khu trú, chưa lây lan rộng trong cộng đồng, Nhóm 3 bao gồm các trường hợp giám sát cộng đồng có nguy cơ cao, nhóm yếu thế.

Ở giai đoạn bệnh lây lan rộng trong cộng đồng, Nhóm 1 bao gồm:

+ Người có triệu chứng viêm phổi nặng nghi ngờ nhiễm COVID-19.

+ Ca bệnh xác định COVID-19 đang trong quá trình điều trị.

+ Nhân viên y tế, nhân viên phòng xét nghiệm, người chăm sóc, nhân viên phục vụ có triệu chứng nghi ngờ COVID-19, triệu chứng cúm, viêm đường hô hấp cấp tính.

+ Người có triệu chứng nghi ngờ mắc COVID-19 đầu tiên trong các cơ sở tập trung như trại tập huấn, nhà dưỡng lão...

Ở giai đoạn bệnh lây lan rộng trong cộng đồng, Nhóm 2 gồm :

+ Các trường hợp đến khám bệnh hoặc nhập viện với triệu chứng viêm đường hô hấp cấp nặng (SARI), viêm phổi nặng nghi do nhiễm virus (SVP), hội chứng cúm (ILI) (có sốt và có ít nhất một biểu hiện/triệu chứng về bệnh liên quan đến hô hấp).

+ Người bệnh đến khám và người bệnh nội trú có có triệu chứng liên quan đến bệnh COVID-19; đặc biệt lưu ý nhóm có nguy cơ cao như người cao tuổi, người mắc các bệnh lý mạn tính kể cả trường hợp người bệnh có tiền sử dịch tễ không rõ ràng để phát hiện và cách ly kịp thời theo quy định.

+ Nhân viên tham gia phòng chống dịch  như nhân viên của khu cách ly, công an, dân phòng... có triệu chứng liên quan đến bệnh COVID-19.

+ Nhân viên y tế không có triệu chứng nhưng làm việc tại bệnh viện có số lượng ca mắc COVID-19 tăng nhanh.

+ Định kỳ (7 đến 14 ngày) lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc cho nhân viên y tế có tiếp xúc, điều trị cho người nhiễm trùng đường hô hấp, viêm phổi nặng cũng như xét nghiệm cho người bệnh các khoa hồi sức cấp cứu, thận nhân tạo, lão khoa, ung thư, tim mạch; nhân viên lấy mẫu, xét nghiệm SARS-CoV-2.

+ Một số ca nghi ngờ đầu tiên ở vùng chưa có ca bệnh khẳng định.

Ở giai đoạn bệnh lây lan rộng trong cộng đồng, Nhóm 3 gồm những trường hợp giám sát cộng đồng có nguy cơ cao, nhóm yếu thế. Đặc biệt đối với các khu vực có nguy cơ cao, tiềm ẩn khả năng cao trở thành ổ dịch như bệnh viện, cơ sở y tế, nhà máy, trung tâm thương mại, siêu thị....

Ở giai đoạn chỉ phát hiện ca mắc từ nước ngoài về, không có ca mắc trong cộng đồng, Nhóm 1 gồm:

+ Người tiếp xúc gần với ca bệnh nghi ngờ, ca bệnh xác định theo hướng dẫn giám sát ban hành kèm theo Quyết định số 3468/QĐ-BYT ngày 7-8-2020 của Bộ Y tế.

+ Các trường hợp đến khám bệnh hoặc nhập viện với triệu chứng viêm đường hô hấp cấp nặng (SARI) hoặc viêm phổi nặng nghi do nhiễm virus (SVP) hoặc hội chứng cúm (ILI) (có sốt và có ít nhất một biểu hiện/triệu chứng về bệnh liên quan đến hô hấp).

+ Ca bệnh xác định COVID-19 đang trong quá trình điều trị.

+ Người bệnh đến khám và người bệnh nội trú có biểu hiện nghi COVID-19, đặc biệt lưu ý người cao tuổi, người mắc các bệnh lý mạn tính kể cả trường hợp người bệnh có tiển sử dịch tễ không rõ ràng để phát hiện và cách ly kịp thời theo quy định.

+ Nhân viên y tế có triệu chứng cúm, viêm đường hô hấp cấp tính. Định kỳ (7 đến 14 ngày) lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc cho nhân viên y tế có tiếp xúc, điều trị cho người nhiễm trùng đường hô hấp, viêm phổi nặng cũng như xét nghiệm cho người bệnh các khoa hồi sức cấp cứu, thận nhân tạo, lão khoa, ung thư, tim mạch; nhân viên lấy mẫu, xét nghiệm SARS-CoV-2.

+ Trường hợp nhập cảnh, bao gồm người nhập cảnh phải cách ly y tế tập trung, nhà đầu tư, chuyên gia và người nhập cảnh với mục đích ngoại giao, công vụ.

Ở giai đoạn chỉ phát hiện ca mắc từ nước ngoài về, không có ca mắc trong cộng đồng, Nhóm 2 gồm những trường hợp giám sát cộng đồng có nguy cơ cao, nhóm yếu thế.

Nhóm đối tượng thuộc yêu cầu đặc thù của thành phố Đà Nẵng bao gồm:

+ Ca xác định mắc COVID-19 đã được điều trị khỏi, ra viện và đang được theo dõi tiếp trong vòng 14 ngày kể từ ngày ra viện.

+ Những trường hợp có tiếp xúc gần với ca bệnh COVID-19 tái dương trong vòng 14 ngày.

+ Cán bộ, nhân viên trực tiếp tham gia phòng chống dịch có nguy cơ lây nhiễm cao (nhân viên khu cách ly, công an, quân đội, dân quân tự vệ; các lực lương trực chiến tại các chốt kiểm soát, tại khu vực cách ly và phong tỏa; nhân viên điều tra dịch tễ; lực lượng làm việc trực tiếp tại Tổ Covid cộng đồng...) có triệu chứng liên quan đến bệnh COVID-19.

+ Người nước ngoài nhập cảnh trái phép trên địa bàn thành phố.

+ Tội phạm có tiền sử dịch tễ không rõ ràng trước khi lực lượng công an đưa vào nhà tạm giữ, trại tạm giam.

+ Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại Đà Nẵng đi công tác địa phương khác (xét nghiệm theo yêu cầu của địa phương nơi đến công tác).

+ Đối với các đối tượng khác, Sở Y tế có trách nhiệm chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố làm đầu mối tiếp nhận và tham mưu về chuyên môn và cơ sở pháp lý để có cơ sở trình Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố xem xét, quyết định.

Kinh phí thực hiện Kế hoạch được bố trí từ nguồn kinh phí phòng, chống dịch COVID-19 của thành phố, các nguồn kinh phí hợp pháp khác cho công tác phòng, chống dịch COVID-19, nguồn Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) và nguồn thu hợp pháp theo quy định. Cụ thể, đối với các trường hợp được chỉ định xét nghiệm thuộc đối tượng chi trả từ nguồn Quỹ BHYT theo hướng dẫn tại Công van số 2731/BHXH-CSYT ngày 27-8-2020 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam về thanh toán chi phí xét nghiệm COVID-19 theo chế độ BHYT, kinh phí xét nghiệm từ nguồn Quỹ BHYT. Đối với các trường hợp được chỉ định xét nghiệm không thuộc đối tượng chi trả từ nguồn Quỹ BHYT, kinh phí xét nghiện từ nguồn kinh phí phòng, chống dịch của thành phố, các nguồn kinh phí hợp pháp khác cho công tác phòng, chống dịch và nguồn thu hợp pháp theo quy định.

Đối với các trường hợp được chỉ định xét nghiệm theo yêu cầu đặc thù của thành phố, Sở Y tế có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Sở Tài Chính và cơ quan liên quan lập thủ tục trình các cấp thẩm quyền bố trí kinh phí thực hiện theo quy định.

UBND thành phố giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với UBND quận, huyện và các sở, ban, ngành liên quan tổ chức thực hiện Kế hoạch; theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện Kế hoạch; báo cáo UBND thành phố kết quả, các khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện để kịp thời giải quyết.

Đồng thời, chịu trách nhiệm kịp thời dự trù sinh phẩm, vật tư... để thực hiện lấy mẫu và xét nghiệm SARS- CoV-2 đáp ứng yêu cầu của Kế hoạch; thực hiẹn mua sắm, đấu thầu sinh phẩm, vật tư... theo đúng quy định; đảm bảo chất lượng xét nghiệm, an toàn sinh học trong xét nghiệm COVID-19.

UBND quận, huyện có trách nhiệm chủ động phối hợp với Sở Y tế và các đơn vị liên quan triển khai Kế hoạch; chịu trách nhiệm trong việc lập danh sách người dân trên địa bàn tham gia lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 đối với các trường hợp giám sát cộng đồng có nguy cơ cao quy định tại Kế hoạch. Bên cạnh đó, chủ động tuyên truyền, vận động người dân tham gia lấy mẫu xét nghiệm; chủ động cân đối từ nguồn ngân sách địa phương để thực hiện Kế hoạch.

THÁI BÌNH

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác