Triển khai các biện pháp điều hành giá năm 2021
Đăng ngày 27-02-2021 05:37, Lượt xem: 547

UBND thành phố vừa ban hành Công văn số 906/UBND-STC ngày 17-2-2021 yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện theo chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục tập trung thực hiện và chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương trực thuộc thực hiện các biện pháp điều hành giá trong năm 2021, theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 655/VPCP-KTTH ngày 27-1-2021.

Cụ thể, UBND thành phố giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp Sở Công Thương, UBND các quận, huyện và các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, cung cầu các mặt hàng, nhất là mặt hàng thịt lợn, đặc biệt trong thời điểm cuối năm; triển khai các biện pháp kịp thời nhằm bình ổn giá, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng vào thời điểm lễ, Tết. Tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả và quyết liệt các biện pháp trong công tác kiểm soát các loại dịch bệnh động vật; tăng cường hướng dẫn người chăn nuôi vệ sinh thú y trong chăn nuôi, chuồng trại, con giống, chăm sóc nuôi dưỡng, áp dụng thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; giám sát chặt chẽ hoạt động chăn nuôi trên địa bàn.

Bên cạnh đó, chủ động thúc đẩy sản xuất chăn nuôi, tái đàn an toàn, kết hợp với việc tăng cường vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường, tiêu diệt mầm bệnh, hạn chế phát sinh dịch bệnh động vật. Tiếp tục xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi trên địa bàn để tăng đàn, tăng nguồn cung ứng tại chỗ, giảm áp lực nguồn nhập từ các địa phương khác để giảm áp lực giá lợn hơi trên địa bàn.

Sở Công Thương có nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghỉệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan có liên quan thường xuyên theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu để kịp thời đề xuất các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu nhằm bình ổn giá cả thị trường, nhất là đối với các mặt hàng có nguồn cung bị thiếu hụt cục bộ do ảnh hưởng của dịch bệnh. Chủ động chuẩn bị các nguồn hàng dự trữ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thường tăng cao vào cuối năm; đồng thời, tiếp tục thực hiện công tác dự báo, phân tích giá cả, cung cầu thị trường để có phương án điều hành giá phù hợp với từng giai đoạn đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát; tiếp tục triển khai tốt các chương trình bình ổn thị trường để tiếp tục giảm giá thịt lợn về mức hợp lý.

UBND thành phố giao Sở Công Thương cập nhật thông tin về giá lợn hơi trên thị trường và nguồn cung cấp lợn thịt thường xuyên kịp thời để người chăn nuôi, kinh doanh giết mổ, kinh doanh thịt lợn trên địa bàn biết và có trách nhiệm đề xuất phương án bình ổn giá thịt heo, cân đối cung cầu để ổn định giá thịt lợn trên thị trường thành phố Đà Nẵng; phối hợp các ngành tăng cường, công tác kiểm tra kiểm soát, giám sát thị trường; xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, trái quy định theo thẩm quyền.

Cục Quản lý thị trường thành phố Đà Nẵng có trách nhiệm tăng cường công tác kiểm tra kiểm soát, giám sát thị trường, nhất là các trường hợp lợi dụng dịch bệnh, lễ, Tết để đầu cơ tăng giá. Ngăn chặn và xử lý nghiêm các sản phẩm hàng nhập lậu, hàng giả, hàng nhái nhãn mác thương hiệu, hàng kém chất lượng, các hành vi đầu cơ tăng giá, gây mất ổn định thị trường. Đặc biệt là nhóm hàng thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ có ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của nhân dân.

UBND thành phố cũng giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị có liên quan thường xuyên theo dõi diễn biến, tình hình giá cả thị trường trên địa bàn thành phố đặc biệt vào dịp Tết Nguyên đán và các ngày lễ trong năm để kịp thời báo cáo, đề xuất UBND thành phố có giải pháp bình ổn thị trường phù hợp theo thẩm quyền, nhất là đối với một số mặt hàng thiết yếu có nhu cầu tiêu dùng cao vào dịp cuối năm và các hàng hóa nhu yếu phẩm phục vụ sinh hoạt của người dân.

Mặt khác, tăng cường công tác kiểm tra thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về giá và kiểm soát chặt chẽ yếu tố hình thành giá đối với các hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, hàng hóa, dịch vụ mua sắm từ nguồn ngân sách nhà nước, hàng hóa, dịch vụ công ích, dịch vụ sự nghiệp công. Việc điều chỉnh giá các mặt hàng do nhà nước quản lý nên tận dụng các tháng có CPI tăng thấp để điều chỉnh giá nhằm hạn chế lạm phát kỳ vọng.

THÁI BÌNH

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác