Trên 432 tỷ đồng Phát triển hệ thống Thư viện công cộng thành phố
Đăng ngày 15-10-2021 09:38, Lượt xem: 362

UBND thành phố vừa ban hành Quyết định số 3071/QĐ-UBND ngày 27-9-2021 phê duyệt Đề án “Phát triển hệ thống Thư viện công cộng thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030”, với tổng kinh phí dự kiến trên 432 tỷ đồng.

Đề án đặt mục tiêu giai đoạn 2021 – 2025 phấn đấu và giữ vững chỉ tiêu mỗi người dân đọc tối thiểu từ 0,8 bản sách (kể cả sách điện tử, sách số) tại hệ thống thư viện công cộng, từ 50% dân số toàn thành phố tiếp cận, sử dụng các dịch vụ của thư viện công cộng. Phát triển mạng lưới thư viện công cộng rộng khắp, lịnh hoạt, phù hợp với các địa bàn dân cư. Xây dựng thói quen đọc sách, phát triển văn hóa đọc rộng khắp trong cộng đồng nhằm góp phần tạo nên một thế hệ tương lai có nền tảng văn hóa đọc tốt.

Đầu tư bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị; kiện toàn, nâng cao bộ máy, đội ngũ người làm công tác thư viện; đảm bảo phát triển đồng bộ toàn thống thư viện công cộng từ thành phố đến quận, huyện, xã, phường, trong đó tập trung vào thư viện công cộng cấp quận, huyện. Ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ vào hoạt động nghiệp vụ thư viện và phát triển mạnh thư viện điện tử trong toàn hệ thống. Mỗi năm, bổ sung bằng ngân sách 17.000 bản sách giấy, 1.500 đầu sách điện tử, 200 đầu báo - tạp chí. Số người đăng kí thẻ bạn đọc mới tại thư viện đạt tối thiểu 9.000 thẻ/năm.

Đến năm 2025, phấn đấu xây dựng thư viện thành phố là thư viện số hiện đại hàng đầu toàn quốc đáp ứng tốt nhu cầu đọc và thông tin đa dạng của mọi tầng lớp nhân dân trong nước và quốc tế với chất lượng dịch vụ cao. Hoàn tất hồ sơ, thủ tục xin đầu tư xây dựng Thư viện Khoa học Tổng hợp thành phố - cơ sở 2. Mỗi năm, bổ sung bằng ngân sách 11.000 bản sách giấy, 1.500 đầu sách điện tử, 200 đầu báo - tạp chí. Luân chuyển 1.100.000 lượt người đọc/2.300.000 lượt tài liệu.

Thực hiện các chuyên đề về ứng dụng công nghệ số trong quản lý và cung cấp các dịch vụ thư viện công cộng trên địa bàn thành phố. Phát triển và sử dụng tối ưu vốn tài liệu địa chí về thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam và các tài liệu quý, hiếm (hằng năm bổ sung khoảng 100 tài liệu). Xây dựng được bộ sưu tập số tài liệu cổ Hán Nôm nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản dân tộc, phục vụ công tác nghiên cứu về địa phương. Phấn đấu trở thành trung tâm biên mục tập trung cho hệ thống thư viện cơ sở trên địa bàn thành phố, nhằm đảm bảo tính chính xác, thống nhất, chuẩn hóa trong nghiệp vụ thư viện.

Tiếp tục bổ sung, phát triển nguồn tài nguyên - thông tin, đặc biệt nguồn tài nguyên số. Thực hiện tốt việc luân chuyển sách báo để phát huy hiệu quả nguồn sách báo trong toàn hệ thống. Là đầu mối bổ sung, trao đổi tài nguyên thông tin, thực hiện tốt các phương thức hợp tác chia sẻ, liên kết tài nguyên thông tin giữa các thư viện và trung tâm thông tin tư liệu lớn trong nước và quốc tế. Xử lý nghiệp vụ, biên mục tập trung tất cả nguồn sách mới bổ sung cho toàn hệ thống thư viện cơ sở theo đề án để chuyển về các đơn vị quận, huyện.

Giai đoạn 2021 – 2025 cũng đặt mục tiêu đẩy mạnh công tác truyền thông các hoạt động thư viện dưới nhiều hình thức qua nhiều kênh. Triển khai mở rộng thêm một số bộ phận mới trực thuộc các phòng chức năng. Đảm bảo đến năm 2025, tổng sổ viên chức, người lao động của Thư viện là 46 chỉ tiêu phù hợp với từng vị trí việc làm.

Thư viện quận,huyện mỗi năm bổ sung bằng ngân sách 6.000 bản sách giấy, 70 đầu báo - tạp chí. Luân chuyển 100.000 lượt người đọc/200.000 lượt tài liệu. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị kỹ thuật bảo đảm tiêu chuẩn phát triễn thư viện hiện đại, đáp ứng yêu cầu phục vụ được từ 100 - 150 bạn đọc/thư viện/ngày. 100% thư viện quận, huyện có tối thiểu từ 3 nhân sự chuyên trách, được đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ Thư viện và Tin học nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động, phục vụ tốt nhu cầu bạn đọc.

Đối với phòng đọc sách xã, phường, củng cố, tăng cường đầu tư thiết bị, tài liệu, nhân lực cho các phòng đọc sách hiện có; lhuyến khích xây dựng mới phòng đọc sách (nằm trong thiết chế văn hóa thể thao xã, phường), ưu tiên phát triển tại các xã của huyện Hòa Vang để đáp ứng yêu cầu Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới.

Định hướng đến năm 2030, phấn đấu mỗi người dân đạt 1,2 bản sách (kể cả bản sách điện tử, bản sách số) trong thư viện công cộng, từ 60% dân số toàn thành phố sử dụng các dịch vụ của thư viện công cộng. Toàn hệ thống thư viện công cộng thành phố mỗi năm bổ sung bằng ngân sách 20.000 bản sách giấy; 2.000 đầu sách điện tử; 20Ọ đầu báo - tạp chí. Luân chuyển 1.500.000 lượt người đọc/3.000.000 lượt tài liệu (bao gồm cả phục vụ tại thư viện, phục vụ lưu động và phục vụ trên không gian mạng), số người đăng kí thẻ bạn đọc mới tại thư viện đạt tối thiểu 11.000 thẻ.

Tiếp tục nâng cấp phần mềm liên thông, phát triển và khai thác hiệu quả hệ thống thư viện điện tử công cộng. Ứng dụng khoa học công nghệ cao nhằm tự động hóa, hiện đại hóa các khâu hoạt động của thư viện. Phát triển mạng lưới thư viện thành phố theo đúng định hướng quy hoạch chiến lược phát triển ngành Văn hóa và Thể thao thành phố Đà Nẵng; có cơ chế, chính sách hỗ trợ đối với cán bộ thư viện công cộng cấp quậ huyện, xã phường.

Khởi công xây dựng và đưa vào sử dụng Thư viện Khoa học Tổng hợp thành phố - cơ sở 2. Tiếp tục phát triển Thư viện thành phố theo hướng thư viện số hiện đại hàng đầu toàn quốc đáp ứng tốt nhu cầu đọc và thông tin đa dạng của mọi tầng lớp nhân dân thành phố, bạn đọc trong nước và quốc tế với chất lượng dịch vụ cao. Từng bước hướng tới mô hình “Thư viện không biên giới”, thực hiện liên kết mạnh mẽ với các thư viện trong nước và quốc tế để đẩy mạnh quá trình trao đổi tài nguyên thông tin phục vụ cho công tác nghiên cứu học tập của mọi tầng lớp nhân dân.

Đồng thời, hiện đại hóa các điểm truy cập và giao diện nhằm phổ biến việc truy cập các nguồn tin từ mọi nơi, mọi lúc. Tiếp tục phát triển bộ phận Phong trào cơ sở, phục vụ thường xuyên liên tục các điểm trên địa bàn thành phố. Đảm bảo đến năm 2030, tổng số viên chức, người lao động của Thư viện là 57 chỉ tiêu phù hợp với từng vị trí việc làm.

Đối với hệ thống thư viện quận, huyện, đề án đặt mục tiêu tập trung đầu tư mạnh mẽ để thư viện quận, huyện trở thành thư viện vệ tinh của Thư viện Khoa học tổng hợp thành phố; đảm bảo được bố trí trụ sở ổn định, trang thiết bị hiện đại, kinh phí và nguồn nhân lực để hoạt động hiệu quả. Hằng năm, bổ sung 1.000 bản sách và 15 tên báo - tạp chí/1 thư viện từ nguồn ngân sách nhà nước. Xây dựng mới 10 phòng đọc sách xã, phường; phấn đấu 100% tổng số phòng đọc sách xã, phường đạt chuẩn về vốn tài liệu, trụ sở trang thiết bị, cán bộ chuyên trách và kinh phí hoạt động.

Tổng kinh phí thực hiện đề án dự kiến trên 432 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2021-2025 gần 51 tỷ đồng, giai đoạn 2026-2030 trên 381 tỷ đồng.

UBND thành phố giao Sở Văn hóa và Thể thao chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các quận, huyện tổ chức triển khai thực hiện Đề án phát triển hệ thống thư viện công cộng thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Theo dõi, kiểm tra, tiến hành sơ kết, tổng kết, đánh giá và tổng hợp kết quả thực hiện Đề án báo cáo UBND thành phố. Tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về nội dung đề án, phù hợp với tiến độ thực hiện Đề án.

Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với UBND các quận, huyện và các sở, ban, ngành liên quan rà soát, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cho các công trình văn hóa, ưu tiên bố trí đất để xây dựng thư viện. Hướng dẫn việc thực hiện chính sách ưu đãi về sử dụng đất, chuyển quyền sử dụng đất, cơ chế cho thuê đất đối với thư viện ngoài công lập. Sở Xây dựng phối hợp với các sở, ban, ngành và địa phương xác định về mặt quy hoạch tổng thể tuyến thư viện từ cấp thành phố đến cấp xã, phường; thực hiện quản lý xây dựng theo Luật Xây dựng và các văn bản về xây dựng có liên quan trong công trình thư viện.

UBND thành phố giao UBND các quận, huyện hàng năm cân đối, bố trí ngân sách huyện Hòa Vang cho hệ thống thư viện huyện và phòng đọc sách xã; phân bổ ngân sách cho hệ thống thư viện quận và phòng đọc sách phường. Phối hợp với các sở, ban, ngành xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện Đề án thuộc phạm vi quản lý của địa phương; vận động các tổ chức và cá nhân trên địa bàn tích cực tham gia xã hội hóa các hoạt động thư viện.

Đồng thời, tổ chức thực hiện phương án quản lý, sử dụng tài sản công của thư viện, phòng đọc được giao quản lý theo đúng quy định của pháp luật có liên quan. Đề xuất kịp thời những vấn đề phát sinh cần điều chỉnh cho trong quá trình thực hiện Đề án với tình hình, điều kiện của từng địa phương.

Mặt khác chỉ đạo UBND các xã, phường tổ chức thực hiện phương án quản lý, sử dụng tài sản công của thư viện, phòng đọc được giao quản lý theo đúng quy định của pháp luật có liên quan; phát huy hiệu quả tối đa hoạt động của các phòng đọc sách xã, phường.

THÁI BÌNH

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác