Phê duyệt Kế hoạch Phòng, chống thiên tai giai đoạn 2021-2025
Đăng ngày 28-05-2022 12:24, Lượt xem: 371

Ngày 26-5, UBND thành phố ban hành Quyết định số 1440/QĐ-UBND về phê duyệt Kế hoạch Phòng, chống thiên tai giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn thành phố.

Kế hoạch được xây dựng nhằm triển khai thực hiện công tác phòng, chống thiên tai giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng; đảm bảo chủ động trong công tác phòng, chống thiên tai, sẵn sàng ứng phó kịp thời đối với các loại hình thiên tai, giảm thiểu đến mức thấp nhất những thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra; khắc phục khẩn trương, kịp thời và hiệu quả sau thiên tai. Đồng thời, huy động mọi nguồn lực để chủ động ứng phó có hiệu quả trước mọi tình huống thiên tai có thể xảy ra trên địa bàn thành phố, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản, tài nguyên thiên nhiên, môi trường, di sản văn hóa, cơ sở hạ tầng và các công trình trọng yếu do thiên tai gây ra; góp phần quan trọng phát triển bền vững kinh tế - xã hội của thành phố.

Các sở, ban, ngành, các địa phương trên địa bàn thành phố trên cơ sở kế hoạch tổng thể của thành phố, chủ động xây dựng, rà soát kế hoạch của ngành, địa phương sát với tình hình thiên tai và điều kiện thực tế nhằm ứng phó kịp thời, đạt hiệu quả với từng tình huống thiên tại diễn ra. Bảo đảm sự chỉ đạo thống nhất, phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng nhằm đáp ứng kịp thời yêu cầu ứng phó, khắc phục hậu quả khi có thiên tai.

Kế hoạch là cơ sở cho các cơ quan, đơn vị đề xuất kinh phí đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm phương tiện, trang thiết bị phát triển nguồn nhân lực, đào tạo kỹ thuật để phục vụ tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ; triển khai công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của chính quyền các cấp, ngành và người dân chủ động ứng phó có hiệu quả nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại khi xảy ra thiên tai.

Kế hoạch được ban hành phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, các chiến lược, quy hoạch, xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; kế hoạch phòng, chống thiên tại của Chính phủ, UBND thành phố; năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai; tình hình thực tế và nguồn lực của thành phố và các cấp, ngành. Phát huy mọi nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, kỹ thuật có hiệu quả phương châm “bốn tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ) và nguyên tắc phòng ngừa, chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương, có hiệu quả sau thiên tại.

Đồng thời, nâng cao năng lực xử lý tình huống, sự cố, chỉ huy điều hành tại chỗ để ứng phó thiên tai đạt hiệu quả của các cấp, các ngành. Xác định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành trong hoạt động phòng, chống thiên tai theo quy định của pháp luật. Tăng cường thông tin, tuyên truyền, cảnh báo, hướng dẫn các biện pháp phòng tránh và ứng phó thiên tai kịp thời đến cộng đồng dân cư.

Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng để phát huy ý thức tự giác, chủ động phòng, tránh thiên tại của người dân. Phát huy sức mạnh tổng hợp của các ban ngành, các cấp trên cơ sở chủ động tại chỗ từ cơ sở, kết hợp ứng cứu nhanh, huy động vật tư, phương tiện, lực lượng của các cơ quan, tổ chức, cá nhân để cứu người, sơ tán nhân dẫn, cứu tài sản. Phương tiện, trang thiết bị được huy động trưng dụng của các đơn vị, cá nhân vào hoạt động tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ bị thiệt hại sẽ được bồi thường theo quy định của pháp luật.

Các biện pháp phòng, chống thiên tai gồm 2 nhóm chính: Biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu; Biện pháp ứng phó và tổ chức khắc phục hậu quả, tái thiết sau thiên tai.

Cụ thể, Biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu gồm: Biện pháp phi công trình và Biện pháp công trình.

Các Biện pháp phi công trình gồm: Hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách phòng, chống thiên tai; Thông tin tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kỹ năng, nâng cao nhận thức về phòng, chống thiên tai và quản lý rủi ro thiên tại dựa vào cộng đồng; Nâng cao năng lực cho lực lượng làm công tác phòng chống thiên tai; Điều tra cơ bản, quy hoạch, kế hoạch, phương án phòng chống thiên tai; Chương trình trồng và bảo vệ rừng; Nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế.

Các biện pháp công trình gồm: Các giải pháp công trình phòng chống thiên tai; Danh mục các dự án đầu tư công trong lĩnh vực phòng chống thiên tai giai đoạn 2021-2025.

Nội dung phòng, chống thiên tai được lồng ghép vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Nguồn nhân lực cho phòng, chống thiên tai gồm: Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn là lực lượng tại chỗ thực hiện hoạt động phòng, chống thiên tai; Dân quân tự vệ là lực lượng tại chỗ thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai theo phương án ứng phó thiên tai của địa phương và sự điều động của người có thẩm quyền; Quân sự thành phố, Công an thành phố có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai và là lực lượng nòng cốt trong công tác sơ tán người, phương tiện, tài sản, cứu hộ, cứu nạn, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội theo sự điều động của người có thẩm quyền; Tổ chức, cá nhân tình nguyện tham gia hỗ trợ hoạt động phòng, chống thiên tai thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tại theo sự chỉ huy của người có thẩm quyền; Người làm công tác phòng, chống thiên tai tại cơ quan nhà nước thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai.

Lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã được thành lập ở cấp xã, hoạt động kiêm nhiệm, do Chủ tịch UBND cấp xã quyết định trên cơ sở nguồn nhân lực theo quy định gồm: dân quân ở thôn, tổ dân phố, khu phố, khối phố; dân quân ở cấp xã và tổ chức khác tại địa phương thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai theo phương án ứng phó thiên tai của địa phương.

Hiện nay, 56 xã, phường đã thành lập đội xung kích phòng chống thiên tai. Các đội xung kích ở cấp xã, phường có 30 - 40 người là lực lượng thường trực trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn với lực lượng nòng cốt là lực lượng dân quân tự vệ, thanh niên, tổ đội của các hội nông dân, cựu chiến binh, phụ nữ.

Chế độ, chính sách đối với lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã được thực hiện theo Nghị định 66/2021/NĐ-CP.

Kinh phí thực hiện Kế hoạch phòng, chống thiên tai giai đoạn 2021-2025 gồm: Ngân sách Nhà nước; Qũy phòng, chống thiên tai; Các nguồn huy động hợp pháp khác.

HỒNG QUÂN

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác