Góp ý dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở
Đăng ngày 08-08-2022 21:17, Lượt xem: 559

Chiều 8-8, Ban Thường vụ Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Đà Nẵng tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, nhằm góp phần hoàn thiện dự án Luật trước khi trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 4 vào tháng 10-2022. Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Lương Thị Đạo chủ trì hội nghị.

Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Lương Thị Đạo chủ trì hội nghị

Phát biểu tại hội hội nghị, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Lương Thị Đạo nhìn nhận, qua hơn 20 năm triển khai thực hiện, những chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về thực hiện dân chủ ở cơ sở đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần nghiên cứu xây dựng và ban hành Luật.

Thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 Quốc hội khóa XV, Chính phủ đã xây dựng dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến vào kỳ họp thứ 3 (tháng 5-2022). Để tiếp tục nghiên cứu chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật trước khi trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10-2022), lần này Bộ Nội vụ tiếp tục tổ chức lấy ý kiến dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Theo đó, Dự thảo Luật gồm 7 chương, 74 điều với các nội dung cơ bản: Những quy định chung, gồm 8 điều (Chương 1); Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, gồm 25 điều (Chương 2); Thực hiện dân chủ trong nội bộ cơ quan hành chính Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, cơ quan, đơn vị, gồm 11 điều (Chương 3); Nội dung và cách thức thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp, gồm 12 điều (Chương 4); Thanh tra nhân dân, gồm 7 điều (Chương 5); Trách nhiệm tổ chức thực hiện, gồm 8 điều (Chương 6); Điều khoản thi hành, gồm 3 điều (Chương 7).

Đại biểu tham gia góp ý dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở tại hội nghị

Dự thảo Luật đưa ra nhiều điểm mới cơ bản, trong đó có các nội dung: quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của công dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong thực hiện dân chủ ở cơ sở; quy định phạm vi thực hiện dân chủ đối với từng loại hình cơ sở; quy định hình thức chế tài xử lý vi phạm đối với từng nhóm chủ thể và hành vi vi phạm; đa dạng hóa hình thức công khai thông tin ở cấp xã; bổ sung các vấn đề nhân dân bàn và quyết định trực tiếp, quy định về sáng kiến đề xuất của Nhân dân; quy định trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực hiện dân chủ ở cơ sở…

Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận, cho ý kiến đối với các nội dung của các chương từ 1 đến 5 và một số nội dung khác như thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; thực hiện dân chủ tại cơ quan, đơn vị; thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp; Ban Thanh tra nhân dân. Trên cơ sở các góp ý, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố sẽ tổng hợp, gửi Sở Nội vụ để báo cáo Bộ Nội vụ, góp phần hoàn thiện dự án Luật trước khi trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 4 vào tháng 10-2022.

“Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở ra đời sẽ khắc phục những hạn chế, bất cập, phát sinh trong quá trình thực hiện Pháp lệnh số 34 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XI, Nghị định số 04 và Nghị định số 145 của Chính phủ; tạo ra quy định thống nhất, đồng bộ và thực hiện hiệu quả việc phát huy dân chủ trong nhân dân”, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Lương Thị Đạo cho biết.

NGÔ HUYỀN

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác