Đại biểu Quốc hội chất vấn và trả lời chất vấn trên lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch
Đăng ngày 10-08-2022 22:17, Lượt xem: 221

Chiều 10-8, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 14, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Chất vấn và Trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, theo hình thức kết nối truyền hình trực tuyến từ Nhà Quốc hội đến 62 Đoàn đại biểu Quốc hội tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Văn Quảng chủ trì tại điểm cầu Đà Nẵng.

Trên lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch, đại biểu Quốc hội tập trung chất vấn Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng về việc thực hiện chính sách, pháp luật để du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn; nhiệm vụ, giải pháp kích cầu du lịch sau đại dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động trong ngành du lịch, chính sách khuyến khích xã hội hóa trong phát triển ngành du lịch.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Văn Quảng chủ trì tại điểm cầu Đà Nẵng

Đại biểu Quốc hội cũng đặt nhiều câu hỏi chất vấn về công tác quản lý, bảo tồn, cải tạo và phát huy giá trị các di sản lịch sử quốc gia bao gồm công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích, khai thác, phát huy giá trị di tích, góp phần giáo dục truyền thống và phát triển kinh tế xã hội địa phương.

Giải pháp ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức xã hội và đạo đức ứng xử, bao gồm: hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách xây dựng đạo đức, lối sống con người Việt Nam; công tác phối hợp giữa các ban, bộ, ngành trong triển khai các biện pháp ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức và văn hóa ứng xử.

Tham gia chất vấn từ điểm cầu Đà Nẵng, đại biểu Trần Chí Cường, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng, cho rằng, du lịch được xác định là ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao. Do đó, vấn đề liên kết, phối hợp là yếu tố hết sức quan trọng để phát triển du lịch, tăng khả năng cạnh tranh và đảm bảo tính bền vững trong phát triển của ngành.

Tuy nhiên, thực tế thời gian qua, sự liên kết trong phát triển du lịch, nhất là liên kết, phối hợp giữa ngành du lịch với các ngành khác, liên kết giữa các địa phương, giữa các doanh nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập và có lúc chưa thực chất.

Đại biểu Trần Chí Cường, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng, đặt câu hỏi chất vấn

“Trong bối cảnh khôi phục phát triển kinh tế bởi tác động ảnh hưởng của dịch bệnh thì hoạt động du lịch nội địa được xem là yếu tố quan trọng, là chìa khóa cốt lõi cho duy trì, phục hồi và tạo đà phát triển du lịch. Đề nghị Bộ trưởng cho biết, Bộ đã có giải pháp gì để giải quyết bài toán liên kết trong hoạt động du lịch, đảm bảo hoạt động liên kết phát triển du lịch bền vững và hiệu quả”, đại biểu Trần Chí Cường đặt câu hỏi chất vấn.

Phát biểu tại điểm cầu Nhà Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng, cho rằng, vấn đề quan tâm nhất về văn hóa hiện nay là xây dựng nếp sống văn hóa, ngăn chặn sự xuống cấp về văn hóa, đạo đức xã hội. Đây là vấn đề này đã được chỉ ra từ lâu nhưng chưa được giải quyết, và một mình ngành văn hóa không thể giải quyết được việc này. “Là người đứng đầu cơ quan nhà nước về văn hóa, Bộ trưởng thấy trách nhiệm của mình đến đâu và có kiến nghị gì để thay đổi thực trạng cơ quan quản lý nhà nước thì không đủ thẩm quyền mà cơ quan có thẩm quyền thì không phải chịu trách nhiệm”, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy đặt câu hỏi.

Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về giải pháp cho ngành du lịch, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, đây là ngành chịu nhiều thiệt hại do đại dịch COVID-19; sau khi mở cửa lại du lịch, Việt Nam đang chọn du lịch nội địa làm bước đà phát triển. Với việc thu hút khách quốc tế còn nhiều khó khăn, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng cần có thời gian để kết nối với khách hàng truyền thống, đồng thời cần phối hợp chặt chẽ với các ngành có liên quan để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho khách tham quan, bảo đảm hơn về chất lượng dịch vụ du lịch, chuyên nghiệp hóa hoạt động kinh doanh lữ hành.

“Do chính sách phòng, chống dịch bệnh ở các quốc gia khác nhau, nên việc đón khách nước ngoài còn gặp một số vướng mắc. Việt Nam về cơ bản đã sẵn sàng đón khách du lịch quốc tế, tuy nhiên vẫn cần khắc phục một số khó khăn mang tính tình thế”, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát biểu.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng, đặt câu hỏi chất vấn

Đối với khó khăn về nguồn nhân lực trong ngành du lịch, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng thông tin, Bộ đã và đang tăng cường năng lực cho các cơ sở đào tạo và giảng viên; đẩy mạnh xã hội hóa và hợp tác quốc tế về đạo tào nhân lực; nâng cao kỹ năng nghề qua hoàn thiện và áp dụng các bộ tiêu chuẩn nghề thống nhất ở cấp độ quốc gia và quốc tế. Đồng thời, kiến nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục cho kéo dài thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động trong lĩnh vực này để góp phần giúp các doanh nghiệp du lịch vượt qua những khó khăn do đại dịch.

Về ý kiến của đại biểu Quốc hội đối với việc di tích bị biến dạng sau trùng tu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, trong việc tôn tạo, phát huy các giá trị di tích, đầu tư cho di tích đã phân cấp nguyên tắc đầu tư, nguyên tắc tôn tạo, thì do chính quyền địa phương sở tại làm chủ đầu tư. Các dự án này đều xuất phát từ địa phương và địa phương lập và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Bộ chỉ thẩm định về tính xâm hại di tích. Cùng với đó, tùy quy mô mà còn có sự tham gia của nhiều cơ quan thẩm định như lĩnh vực xây dựng, kiến trúc. Sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì trách nhiệm chính thuộc về cấp lãnh đạo cấp quyết định đầu tư phải tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện.

Với trách nhiệm của của mình, khi phát hiện sai phạm, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có chấn chỉnh, cử đoàn công tác của Cục Di sản kiểm tra thực địa. Qua kiểm tra, làm việc với chủ đầu tư phát hiện, uốn nắn, sửa chữa nếu như sai phạm nhỏ. Nếu sai phạm lớn thì kiến nghị cấp có thẩm quyền để có xử lý và yêu cầu phải cam kết khắc phục trở lại đúng nguyên trạng. Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nêu rõ, trách nhiệm chính của cấp ra quyết định đầu tư tôn tạo, sửa chữa. Tuy nhiên, Bộ cũng sẽ tăng cường hơn nữa trách nhiệm giám sát và cam kết nếu những địa phương làm sai sẽ xử lý theo quy định.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trả lời chất vấn

“Trong thời gian tới, Bộ sẽ phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện các quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đồng thời tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vai trò của di sản văn hóa đối với sự phát triển bền vững đất nước, tuân thủ và chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật để bảo vệ nghiêm ngặt các yếu tố gốc cấu thành di tích, bảo tồn và phát huy giá trị của di tích”, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thông tin.

Liên quan đến vấn đề xuống cấp, lệch chuẩn trong ứng xử trên mạng xã hội, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, Bộ Văn hóa, Thế thao và Du lịch đã hỗ trợ Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng nhằm xây dựng các chuẩn mực về hành vì ứng xử trên mạng xã hội, tuyên truyền về ý thức trách nhiệm phát ngôn trên mạng xã hội, về hậu quả có thể gây ra các tin sai sự thật về việc lên mạng xã hội. Bộ sẽ tiếp tục chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng, sử dụng mạng xã hội không đúng, làm ảnh hưởng đến văn hóa xã hội.

Theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, vấn đề xây dựng môi trường văn hóa là rất rộng, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện chức năng quản lý nhà nước, Bộ cũng đã chuyển hướng từ làm văn hóa sang quản lý nhà nước về các hoạt động văn hóa, thông qua các công cụ pháp luật. Bộ cũng đã chủ động rà soát, báo cáo với Quốc hội ban hành các bộ Luật, tham mưu cho Chính phủ ban hành các Nghị định, Quyết định để lãnh đạo, chỉ đạo, tăng cường công tác kiểm tra.

Bên cạnh đó, chủ động phối hợp với các cơ quan khác bằng các chương trình liên kết để tổ chức thực hiện, như ký kết với Bộ Giao thông về việc xây dựng văn hóa giao thông, ký kết với Bộ Giáo dục và Đào tạo về xây dựng văn hóa học đường, ký kết với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về xây dựng văn hóa trong công nhân, người lao động… Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị các cấp, các ngành phối hợp tích cực và chặt chẽ với bộ trong việc xây dựng môi trường văn hóa.

NGÔ HUYỀN

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác