Chung tay cùng chính quyền khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, khởi sự doanh nghiệp
"Năm 2014, chúng ta đã giữ được vị trí đứng đầu về chỉ số PCI và kết quả đặc biệt này chính là nhờ sự đồng hành, chia sẻ của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân với chính quyền thành phố; cùng chung tay góp sức và góp phần thay đổi cơ cấu nguồn thu ngân sách thành phố theo hướng bền vững hơn. Năm 2015, thành phố đã triển khai Đề án phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 nhằm xây dựng, phát triển cộng đồng doanh nghiệp Đà Nẵng ngày càng vững mạnh hơn, đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội của thành phố. UBND thành phố sẵn sàng lắng nghe thông qua các hoạt động đối thoại với doanh nghiệp, nhằm xử lý kịp thời các khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp". Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Võ Duy Khương chia sẻ với các doanh nghiệp tại buổi đối thoại.

Tại buổi đối thoại, Phó Chủ tịchVõ Duy Khương kêu gọi các doanh nghiệp cùng chung tay với chính quyền thành phố khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, khởi sự doanh nghiệp trong thế hệ trẻ; tập trung hỗ trợ ươm tạo những doanh nghiệp đã có những dự án, chương trình có tính khả thi cao, mang lại kết quả thiết thực cho xã hội. Đồng thời vận động các doanh nghiệp lớn có tiềm lực về tài chính cũng như nhân lực để đầu tư, hỗ trợ các dự án khởi nghiệp.

Bên cạnh việc tiếp nhận các câu hỏi qua 3 kênh website, thư điện tử: doithoai@danang.gov.vn và số điện thoại: 0511.3881888/ chọn nhánh số 1., có gần 20 doanh nghiệp đến dự và tham gia đối thoại, đặt câu hỏi trực tiếp với lãnh đạo thành phố. Nhiều vấn đề nổi trội, mang tính cấp thiết đã được doanh nghiệp trao đổi với Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Võ Duy Khương, lãnh đạo Cục Thuế và lãnh đạo Cục Hải quan.

Đáng chú ý, Bưu điện Đà Nẵng bày tỏ vấn đề gây bức xúc đối với người dân: Theo Nghị định 38/2012/NĐ-CP ngày 25/4/2012 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm nêu rõ đối với hàng thực phẩm qua đường bưu chính đều phải được kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm. Hiện tại, bộ phận Kiểm quan đang làm việc với Trung tâm y tế dự phòng, việc kiểm tra này tốn rất nhiều thời gian (khoảng 1 tuần) và chi phí (1.150.000đ/1 bưu gửi). Tuy nhiên vào ngày 20/4/2015 Cục An toàn thực phẩm có công văn số 891/ATTP-SP quy định: “Chỉ tiến hành kiểm tra và cấp thông báo lô hàng đạt/không đạt chất lượng nhập khẩu đối với các thực phẩm đã được Cục An toàn thực phẩm cấp công bố và còn hiệu lực theo đúng quy định tại Khoản 1 Điều 38 Luật An toàn thực phẩm”. Như vậy đối với bưu gửi nội dung là hàng thực phẩm thì Trung tâm đề nghị cho hướng xử lý vì liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm tại Trung tâm còn tồn đọng rất nhiều bưu gửi. Về phản ánh của doanh nghiệp, Phó Chủ tịch Võ Duy Khương cho biết nội dung này liên quan đến thẩm quyền ban hành văn bản của Chính phủ, do vậy Phó Chủ tịch đề nghị Cục Hải quan sớm có văn bản kiến nghị, đồng thời đề nghị đơn vị có văn bản để Đoàn ĐBQH thành phố báo cáo tại diễn đàn Quốc hội để Chính phủ xem xét, sớm có thay đổi theo hướng tạo thuận lợi cho người dân.

Công ty Dệt May 29/3 đề nghị doanh nghiệp khai hải quan điện tử, không cần in tờ khai để mang đến hải quan đóng dấu và mang ra cảng thông quan, điều này rất thuận lợi cho doanh nghiệp nhưng các đơn vị quản lý nhà nước khác lại cần có tờ khai hải quan có dấu hải quan để làm các thủ tục cấp phép khác: như C/O ... đây lại là điều không thuận lợi cho doanh nghiệp. Cần có sự kết nối giữa hải quan và các ban ngành khác để tạo sự đồng thuận trong các thủ tục. Bà Nguyễn Thị Thanh Vân đã chia sẻ, cám ơn ý kiến góp ý của Công ty và cho biết quá trình thực hiện, ngành hải quan và Cục Hải quan thành phố Đà Nẵng đã có nhiều hình thức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin, trên website của ngành và của Cục, tổ chức nhiều Hội nghị tập huấn. Về phía Cục HQTPĐN chúng tôi sẵn sàng cung cấp các thông tin tờ khai HQ dưới dạng điện tử cho các CQ liên quan khi có đề nghị. Do vậy phản ảnh của Công ty nêu, Cục Hải quan Đà Nẵng ghi nhận và sẽ báo cáo Tổng cục Hải quan báo cáo Bộ Tài chính để có sự phối kết hợp giữa các bộ, ngành, cơ quan liên quan.

Liên quan đến nộp thuế điện tử, một độc giả hỏi: Chính phủ giao cho ngành Thuế đến cuối năm 2015 phải tổ chức để tối thiểu 90% doanh nghiệp cả nước khai và nộp thuế điện tử. Theo số liệu hiện nay của Cục Thuế thành phố và Cục Hải quan số doanh nghiệp tham gia nộp thuế điện tử trên địa bàn thành phố còn ở mức thấp, tính đến ngày 29/52015 có 1.082 đơn vị đăng ký nộp thuế điện tử với cơ quan thuế, và hơn 1000 doanh nghiệp nộp, chuyển tiền thuế với cơ quan hải quan qua hệ thống ngân hàng, kho bạc.Và đề nghị UBND thành phố và ngành Thuế, Hải quan đã và đang có những giải pháp nào giúp doanh nghiệp thực hiện nộp thuế điện tử.

Phó Chủ tịch Võ Duy Khương cho biết: Về vấn đề nộp thuế điện tử, có thể nói nộp thuế điện tử là phương thức giao dịch hiện đại mà các nước trong khu vực đã áp dụng từ rất sớm, đúng ra chúng ta phải triển khai từ rất sớm cùng với nộp tờ khai thuế qua mạng. Đây là một trong những yếu tố khiến doanh nghiệp mất khá nhiều thời gian giao dịch với cơ quan thuế so với các nước. Liên quan đến vấn đề này, UBND thành phố đã có chỉ đạo các cơ quan có liên quan: Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Thông tin – Truyền thông, Kho bạc Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam – Chi nhánh thành phố Đà Nẵng, Hiệp Hội doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Đà Nẵng, Hội doanh nhân trẻ thành phố Đà Nẵng phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế trong việc tuyên truyền, giải thích, động viên và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp trên địa bàn thực hiện việc đăng ký và nộp thuế điện tử.

Đồng thời Phó Chủ tịch đề nghị Cục Thuế thành phố phối hợp, cung cấp thông tin cho các Báo Đà Nẵng, Báo Công an thành phố Đà Nẵng, Đài Phát thanh – Truyền hình thành phố Đà Nẵng, Cổng thông tin điện tử thành phố Đà Nẵng để các đơn vị tích cực tuyên truyền về các tiện ích của dịch vụ nộp thuế điện tử nhằm khuyến khích người nộp thuế tích cực tham gia.

Đến 11h00, chương trình đối thoại đã trực tuyến trên Cổng TTĐT thành phố đã kết thúc với 35 câu hỏi tiếp nhận từ quý độc giả, doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp.

HỘI AN

 

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác