Xây dựng “Thành phố môi trường”: Bắt đầu từ việc bảo vệ “lá phổi xanh” Sơn Trà
Đăng ngày 23-11-2022 14:27, Lượt xem: 562

Trên tiến trình phát triển, Đà Nẵng phải đối mặt với những thách thức trong việc giải quyết hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội với việc bảo vệ môi trường, bảo vệ thiên nhiên, đa dạng sinh học, trong đó trước hết phải bảo vệ “lá phổi xanh” Sơn Trà để có thể từng bước khẳng định thương hiệu "Thành phố môi trường".

Trên tiến trình phát triển, Đà Nẵng phải đối mặt với những thách thức trong việc giải quyết hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội với việc bảo vệ môi trường, bảo vệ thiên nhiên, đa dạng sinh học, trong đó trước hết phải bảo vệ “lá phổi xanh” Sơn Trà để có thể từng bước khẳng định thương hiệu "Thành phố môi trường".

Đều đặn mỗi ngày từ thứ 3 đến thứ 7 hàng tuần, Trung tâm giáo dục trải nghiệm thiên nhiên (70 Lý Tử Tấn, Sơn Trà; trực thuộc Trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh - GreenViet) đều rộn ràng tiếng cười nói của các đoàn du khách, các em học sinh đến tham quan, học tập, tìm hiểu về thiên nhiên khu bảo tồn Sơn Trà.

Với không gian rộng chừng 90m2, Trung tâm giáo dục thiên nhiên được thiết kế thành 5 phân khu chính gồm: Khu vực trung tâm với các thông tin chung về bán đảo Sơn Trà; Khu giới thiệu đặc tính thích nghi của các loài động thực vật ở Sơn Trà; Khu giới thiệu đặc điểm, tập tính sinh học, môi trường sống của loài Voọc Chà vá chân nâu, loài linh trưởng quý hiếm; Khu cảnh báo các mối đe dọa, tác động đến hệ sinh thái Sơn Trà; Khu thứ 5 là các giải pháp bảo tồn, cộng đồng chung tay bảo vệ đa dạng sinh học Sơn Trà.

Tại từng phân khu, các du khách, các em học sinh sẽ được tìm hiểu về khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà thông qua những mô hình, hình ảnh, video, trò chơi tương tác trực quan sinh động dưới sự hướng dẫn của nhân viên Trung tâm. 

Bên cạnh đó, Trung tâm và các trường học phối hợp tổ chức các hoạt động học tập trải nghiệm bên ngoài sân vườn như khám phá côn trùng, làm mặt nạ động vật hoang dã, vẽ tranh, thuyết trình, tái chế,… để các em học sinh được hòa mình cùng thiên nhiên, tìm hiểu về thế giới xung quanh.

Không chỉ tìm hiểu Sơn Trà qua những mô hình, các em học sinh, du khách khi đến đây còn được tham qua “tour” Trải nghiệm thiên nhiên “Tôi yêu Sơn Trà”.

Với hành trình đặc biệt này, mọi người sẽ có cơ hội khám phá thiên nhiên hoang dã và hệ sinh thái độc đáo tạo bởi sự kết hợp rừng và biển ở Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà cũng như những giá trị mà Sơn Trà mang lại cho cuộc sống người dân thành phố.  

Đặc biệt, trong “tour” trải nghiệm này, các em học sinh, du khách sẽ được tận mắt nhìn ngắm loài Voọc Chà vá chân nâu - một loài thú linh trưởng quý hiếm được xếp vào bậc cực kỳ nguy cấp trong Danh mục mục sách đỏ thế giới (IUCN), được mệnh danh là nữ hoàng linh trưởng.

Với Nguyễn Thanh Ngọc Minh (Sinh viên Khoa Giáo dục Nghệ thuật – Trường Đại học Sư phạm – ĐH Đà Nẵng), mỗi lần tham gia chương trình của Trung tâm giáo dục trải nghiệm thiên nhiên là Minh càng thêm yêu “lá phổi xanh” này.

Trở về sau chuyến tham quan bán đảo Sơn Trà, Ngọc Minh hào hứng kể: “Cuộc sống của mình theo guồng quay nơi phố thị, nhà cao tầng, khói bụi xe máy nên khi đến Sơn Trà, mình như được hòa vào thiên nhiên, núi rừng, cỏ cây. Lần đầu tiên tham gia chương trình, mình chỉ được thấy đuôi của bạn Vọoc, đến lần thứ 2 mình được thấy một bạn Vọoc đu từ cành cây này sang cành cây khác. Mình và cả lớp đều “ồ” lên, thật sự rất bất ngờ, không có ngôn từ nào có thể diễn tả cảm xúc lúc đó”.

Sau lần tham gia chương trình, Ngọc Minh đã có một “cuộc cách mạng” về nhận thức, suy nghĩ vì Minh nhận thấy trước đây, bản thân chưa thật sự để tâm nhiều đến môi trường, thiên nhiên và trách nhiệm gìn giữ “lá phổi xanh”.

Càng đi càng thêm yêu, dần dà, Minh trở thành tình nguyện viên nòng cốt của Tổ chức GreenViet, gắn tình yêu, tuổi trẻ, thanh xuân của mình với Sơn Trà và lan tỏa tình yêu ấy đến với nhiều bạn trẻ hơn.

“Từ những trải nghiệm của bản thân, mình nghĩ nên có nhiều hơn những chương trình như thế để lan tỏa tình yêu thiên nhiên, môi trường trong thế hệ trẻ, để mỗi người đều ý thức được trách nhiệm của bản thân với môi trường, với thiên nhiên”, Ngọc Minh bày tỏ.

Chị Nguyễn Thị Tịnh - Quản lý Trung tâm Giáo dục trải nghiệm thiên nhiên Sơn Trà chia sẻ, tháng 12-2018, với sự hỗ trợ và đóng góp tích cực từ hơn 100 công ty, tổ chức, cá nhân, công sức của tình nguyện viên và cộng đồng địa phương, Trung tâm giáo dục thiên nhiên đầu tiên của thành phố Đà Nẵng đã ra đời. Tại đây, tất cả mọi người đều có thể đến tham quan, học tập, tìm hiểu và khám phá về thiên nhiên hoang dã và bảo tồn đa dạng sinh học ở bán đảo Sơn Trà.

Trung bình mỗi năm, Trung tâm đón tiếp khoảng 3.000 học sinh, du khách đến tham quan và nhận về những phản hồi rất tích cực, nhất là từ các em học sinh và phụ huynh.

“Sơn Trà như một kho báo mà “Mẹ thiên nhiên” đã ban tặng cho thành phố Đà Nẵng. Mọi người nên một lần đến Sơn Trà để trải nghiệm, để hiểu, để yêu và có thể chung tay bảo vệ “lá phổi xanh” Sơn Trà”, chị Tịnh trải lòng.

Với mong muốn tạo hướng đi mới trong tuyên truyền và kêu gọi mọi người chung tay bảo vệ môi trường, bảo vệ bán đảo Sơn Trà và Voọc Chà vá chân nâu, tháng 6-2022, Khoa Giáo dục Nghệ Thuật (Trường Đại học Sư Phạm -ĐH Đà Nẵng) phối hợp Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet) cho ra mắt 2 tác phẩm: Vở kịch “Voọc ơi” và “Vũ điệu chà vá chân nâu” với sự cố vấn, đạo diễn Tony Le Nguyen.

Th.S Nguyễn Thị Lệ Quyên – Phó Khoa Giáo dục Nghệ Thuật chia sẻ, 2 tác phẩm nói trên là sự kết hợp giữa nội dung tuyên truyền, kêu gọi mọi người bảo vệ thiên nhiên với việc truyền cảm hứng, tình yêu âm nhạc, nghệ thuật.

“Khi lên kế hoạch thực hiện, chúng tôi không nghĩ những kiến thức về thiên nhiên và nghệ thuật có thể kết hợp hài hòa đến như vậy. Thông qua chương trình, chúng tôi mong muốn các bạn sinh viên sẽ có thêm nhiều kiến thức, kỹ năng về âm nhạc, kịch nghệ, nhạc kịch,… Đồng thời, lan tỏa đi tình yêu thiên nhiên, tình yêu bán đảo Sơn Trà và Đà Nẵng đến với tất cả mọi người”, Th.S Nguyễn Thị Lệ Quyên bày tỏ.

Theo anh Hoàng Quốc Huy – Phó Giám đốc GreenViet, trong những năm gần đây, các bạn trẻ có đã dần nâng cao nhận thức về bảo tồn đa dạng sinh học, sẵn sàng chung tay cùng cộng đồng để ngăn chặn các hành vi làm tổn hại đến môi trường, thiên nhiên. Đồng thời, các bạn cũng tự trang bị cho mình các kiến thức về môi trường, thiên nhiên nói chung và loài Voọc Chà vá chân nâu nói riêng.

“Bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ thiên nhiên không chỉ là đi vào rừng nghiên cứu, xem ở đó có con gì, giá trị như thế nào mà quan trọng nhất là phải làm sao bảo vệ được nó. Và một mình GreenViet hoặc chỉ các tổ chức, nhà khoa học thì không thể làm được mà cần có sự chung tay của cả cộng đồng, đặc biệt là các bạn trẻ. Khi tất cả mọi người đã đều nhận thức đúng, hiểu và yêu môi trường thì sẽ chung tay không chỉ để bảo vệ loài Voọc Chà ván chân nâu, các loài khỉ trên bán đảo Sơn Trà mà sẽ bảo vệ môi trường nói chung, gìn giữ màu xanh cho thành phố”, anh Hoàng Quốc Huy nói.

Từ những phản hồi tích cực của các bạn sinh viên, Khoa Giáo dục Nghệ Thuật (Trường Đại học Sư Phạm - ĐH Đà Nẵng) phối hợp GreenViet thực hiện kết nối với các trường Tiểu học, THCS trên địa bàn thành phố để đưa “Vũ điệu chà vá chân nâu” và Vở kịch “Voọc ơi” vào trường học.

Tại Đề án “Xây dựng Đà Nẵng – Thành phố môi trường giai đoạn 2021-2030”, thành phố dự kiến dành hơn 15.000 tỷ đồng để thực hiện các hoạt động, mục tiêu đến năm 2025, thành phố sẽ ưu tiên giải quyết các vấn đề môi trường trọng tâm, trọng điểm, kiểm soát tốt chất lượng môi trường; đến năm 2030, thiết lập được hệ thống quản lý môi trường theo nền tảng sinh thái.

Đề án sẽ triển khai theo 04 nhóm thành phần trọng tâm: Phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm; Cải thiện môi trường; Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; Tăng cường năng lực và nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường.

Thành phố Đà Nẵng sở hữu những bờ biển đẹp và đang dần trở thành đô thị văn minh, hiện đại song thành phố vẫn phải đối mặt với những thách thức trong việc giải quyết hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội với việc bảo vệ môi trường, bảo vệ thiên nhiên, đa dạng sinh học, ứng phó với biến đổi khí hậu, các thiên tai và dịch bệnh.

Do đó, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh đã kêu gọi các cơ quan, đơn vị, mỗi người dân thể hiện trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ, nâng cao chất lượng môi trường của thành phố bằng những hành động cụ thể. Các đơn vị liên quan tăng cường các hoạt động giáo dục trong các trường mầm non, hệ thống giáo dục phổ thông về trách nhiệm bảo vệ môi trường, tình yêu thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học của thành phố.

“Mỗi người dân thành phố phải hình thành thói quen sử dụng tiết kiệm các nguồn tài nguyên trong sinh hoạt hằng ngày, hạn chế sử dụng để giảm thiểu phát thải; đặc biệt là chất thải nhựa và đồ nhựa sử dụng một lần; sử dụng giao thông thân thiện với môi trường; không tiêu thụ, buôn bán, khai thác trái phép các loài động, thực vật hoang dã,... Tích cực tham gia Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh tại địa phương; tham gia các phong trào Chủ nhật Xanh – Sạch Đẹp...”, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh nhấn mạnh.

Với lời kêu gọi của người đứng đầu thành phố, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng, mỗi người dân sẽ chung tay, góp sức hoàn thành những mục tiêu đặt ra tại Đề án “Xây dựng Đà Nẵng – Thành phố môi trường giai đoạn 2021-2030”. Qua đó, không chỉ giúp môi trường của thành phố thêm xanh – sạch mà còn góp phần nâng cao chất lượng đời sống người dân, từng bước khẳng định thương hiệu của thành phố bên bờ sông Hàn – Thành phố môi trường, Thành phố đáng sống.

MAI QUANG

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác