Chỉ đạo điều hành của UBND thành phố tuần 2
Đăng ngày 15-01-2023 06:24, Lượt xem: 92

Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); Thành lập Tổ công tác triển khai góp ý dự thảo Luật Đất đai sửa đổi thành phố Đà Nẵng; Công nhận 3 trường THCS đạt chuẩn quốc gia Mức độ 1; Tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 trước Tết Nguyên đán năm 2023 là những chỉ đạo điều hành nổi bật của UBND thành phố từ ngày 9-1 đến 13-1-2023.

Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Ngày 12-1, UBND thành phố ban hành Quyết định số 64/QĐ-UBND về Ban hành Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Đối tượng lấy ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) bao gồm: Các tầng lớp nhân dân trong nước và người Việt Nam định cư nước ngoài; b) Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp; Các sở, ban, ngành của thành phố; Mặt trận Tổ quốc thành phố và các tổ chức chính trị - xã hội thành viên của Mặt trận, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp; tổ chức xã hội - nghề nghiệp và các tổ chức xã hội; Các doanh nghiệp, các hợp tác xã, hộ kinh doanh và tổ chức kinh tế khác trên địa bàn thành phố; Các viện nghiên cứu, trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp đóng trên địa bàn thành phố; các chuyên gia và nhà khoa học.

Nội dung lấy ý kiến gồm: Toàn bộ dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm bố cục, nội dung và kỹ thuật trình bày của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Một số vấn đề trọng tâm của dự thảo Luật, gồm: (1) Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; (2) Thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; (3) Phát triển quỹ đất; (4) Giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; (5) Đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận và các thủ tục hành chính, dữ liệu, thông tin đất đai; (6) Cơ chế, chính sách tài chính, giá đất; (7) Chế độ quản lý, sử dụng các loại đất; (8) Phân cấp, giám sát, kiểm soát quyền lực; (9) Hộ gia đình sử dụng đất.

Đồng thời, lấy ý kiến các nội dung trọng tâm theo từng nhóm đối tượng gồm: Các tầng lớp Nhân dân ở trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài; Doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và các tổ chức kinh tế khác; Các cơ quan nhà nước ở địa phương; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; Các chuyên gia, nhà khoa học.

Hình thức lấy ý kiến gồm: Góp ý trực tiếp hoặc bằng văn bản gửi đến cơ quan, tổ chức được phân công trách nhiệm tại Kế hoạch này; Người dân góp ý trực tiếp với UBND xã, phường để tổng hợp ý kiến báo cáo UBND quận, huyện; Thảo luận tại các hội nghị, hội thảo, tọa đàm theo địa phương và theo từng lĩnh vực do cơ quan có trách nhiệm tổ chức; Góp ý kiến thông qua Cổng thông tin điện tử của thành phố; trang thông tin điện tử của Sở Tài nguyên và Môi trường và các phương tiện thông tin đại chúng.

Về kế hoạch tổ chức lấy ý kiến, Chủ tịch UBND thành phố thành lập Tổ công tác triển khai dự án Luật Đất đai sửa đổi của thành phố Đà Nẵng để tổ chức triển khai việc lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Thời gian tổ chức lấy ý kiến Nhân dân bắt đầu từ ngày 03/01/2023 và kết thúc vào ngày 15/3/2023, bao gồm cả thời gian Thành phố hoàn thiện Báo cáo kết quả đóng góp ý kiến của Nhân dân gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Thành lập Tổ công tác triển khai góp ý dự thảo Luật Đất đai sửa đổi thành phố Đà Nẵng

Ngày 11-1, UBND thành phố ban hành Quyết định số 52/QĐ-UBND về Thành lập Tổ công tác triển khai góp ý dự thảo Luật Đất đai sửa đổi thành phố Đà Nẵng do Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Quang Nam làm Tổ trưởng; Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Phạm Nam Sơn làm Tổ phó thường trực; Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Trần Quốc Hùng làm Tổ phó. Thành viên là lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan.

Tổ công tác có nhiệm vụ đánh giá tình hình thực hiện quy định pháp luật đất đai hiện hành, làm rõ vướng mắc, phát sinh và nguyên nhân; Nghiên cứu góp ý, phát hiện các vướng mắc, bất cập của dự thảo Luật Đất đai khi triển khai trên thực tế để kiến nghị điều chỉnh dự thảo Luật. Đề xuất sửa đổi nội dung cụ thể tại Luật đất đai cũng như bổ sung nội dung mới cần quy định tại Luật đất đai; nghiên cứu đề xuất quy định tháo gỡ được các vướng mắc, khó khăn trong thực tiễn triển khai pháp luật đất đai hiện nay” trên địa bàn thành phố.

Tổ công tác có quyền yêu cầu các cơ quan liên quan phối hợp cung cấp thông tin có liên quan, phối hợp thực hiện nhiệm vụ; có ý kiến, quan điểm rõ ràng khi được lấy ý kiến; Tổ chức các cuộc họp, làm việc với các ngành, các địa phương có liên quan để thực hiện nhiệm vụ của Tổ công tác; Được mời các đơn vị, cá nhân liên quan để tham vấn, phối hợp trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của Tổ công tác; Được thành lập Tổ giúp việc cho Tổ công tác.

Tổ công tác chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND thành phố về việc thực hiện các nhiệm vụ được giao theo Quyết định này.

Tổ làm việc theo chế độ kiêm nhiệm. Sở Tài nguyên và Môi trường làm cơ quan thường trực và bảo đảm điều kiện làm việc của Tổ. Tổ trưởng Tổ công tác được sử dụng con dấu của UBND thành phố; Tổ phó Tổ công tác được sử dụng con dấu của Sở Tài nguyên và Môi trường để thực hiện nhiệm vụ của Tổ công tác. Tổ trưởng Tổ công tác ban hành Quy chế hoạt động của Tổ công tác trên cơ sở tham mưu, đề xuất của Sở Tài nguyên và Môi trường.

Kinh phí hoạt động của Tổ công tác do ngân sách nhà nước đảm bảo theo quy định hiện hành. Tổ công tác chấm dứt hoạt động và tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.

Công nhận 3 trường THCS đạt chuẩn quốc gia Mức độ 1

Ngày 6-1, UBND thành phố ban hành Quyết định 29/QĐ-UBND về Công nhận Trường Trung học cơ sở Nguyễn Phú Hường, Trường Trung học cơ sở Nguyễn Tri Phương và Trường Trung học cơ sở Lê Anh Xuân đạt chuẩn quốc gia.

Theo đó, UBND thành phố công nhận: Trường THCS Nguyễn Phú Hường, huyện Hòa Vang; Trường THCS Nguyễn Tri Phương, huyện Hòa Vang; Trường THCS Lê Anh Xuân, quận Liên Chiểu đạt chuẩn quốc gia Mức độ 1.

UBND thành phố giao Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang và Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu tiếp tục chỉ đạo việc duy trì và nâng cao tỉ lệ các chuẩn theo Thông tư số 18/2018/TT-BGDĐT ngày 22 tháng 8 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Quyết định này có hiệu lực trong 5 năm kể từ ngày ký.

Tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 trước Tết Nguyên đán năm 2023

Nhằm đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 trên địa bàn, nhất là nhóm đối tượng có nguy cơ cao, đảm bảo hoàn thành số lượng vaccine phòng COVID-19 được phân bổ trước Tết Nguyên đán năm 2023, ngày 6-1, UBND thành phố vừa ban hành văn bản số 74/UBND-SYT về việc khẩn trương tổ chức tiêm chủng vaccine COVID-19 hoàn thành trước Tết Nguyên đán năm 2023.

Theo đó, UBND thành phố yêu cầu, Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp, Sở Du lịch, Sở Công Thương, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Giao thông vận tải khẩn trương chuyển số lượng, danh sách về UBND và TTYT các quận, huyện theo nơi cư trú để lên kế hoạch tiêm chủng kịp thời hoặc có thể đề xuất tiêm chủng riêng cho nhóm đối tượng do sở, ngành quản lý để thuận tiện trong công tác vận động tuyên truyền và thống kê, báo cáo. Công tác phối hợp lên kế hoạch và tổ chủng cho các đối tượng đảm bảo thực hiện sớm trước Tết nguyên đán năm 2023.

Đẩy mạnh công tác truyền thông và thông báo lịch, địa điểm tiêm chủng cho người lao động tham gia đầy đủ; đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền, vận động người lao động tham gia tiêm chủng; đảm bảo nâng cao tỷ lệ bao phủ vaccine phòng COVID-19 cho các đối tượng thuộc quản lý trước ngày 17/01/2023 theo số lượng được giao.

Song song đó, thực hiện nghiêm túc công tác báo cáo sau đợt triển khai tiêm chủng, trong đó nêu rõ số đối tượng quản lý, số đã tiêm chủng mũi 3, mũi 4, số không tham gia tiêm chủng (nêu rõ lý do) của từng đơn vị thuộc phạm vi quản lý về Sở Y tế (thông qua Trung tâm Kiểm soát bệnh tật) trước ngày 04/02/2023.

Sở Giáo dục và Đào tạo, Đại học Đà Nẵng chỉ đạo các trường tập trung nhân lực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kiên trì vận động và huy động tối đa sinh viên (từ 18 tuổi trở lên), giáo viên, giảng viên, người lao động tại các trường đi tiêm chủng. Đồng thời, khẩn trương liên hệ, chuyển số lượng, danh sách về UBND và TTYT các quận, huyện thuộc địa bàn quản lý để lên kế hoạch tiêm chủng kịp thời, đảm bảo nâng cao tỷ lệ bao phủ vaccine phòng COVID-19 cho các đối tượng được quản lý trước ngày 17/01/2023 theo số lượng được giao. Thực hiện nghiêm công tác báo cáo sau đợt triển khai tiêm chủng, trong đó nêu rõ số đối tượng quản lý, số đã tiêm chủng mũi 3, mũi 4, số không tham gia tiêm chủng (nêu rõ lý do) của từng đơn vị thuộc phạm vi quản lý trước ngày 4/2/2023.

Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở y tế tổ chức tiêm chủng đầy đủ cho cán bộ y tế, chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thực hiện điều phối kịp thời vaccine cho các địa phương, đơn vị để tổ chức tiêm chủng cho các đối tượng.

Công an thành phố khẩn trương tiếp nhận vaccine phòng COVID-19 và tổ chức tiêm chủng cho lực lượng công an theo chỉ đạo tại Công văn số 65/UBND-SYT 06/01/2023 của UBND thành phố.

UBND các quận, huyện phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, các trường, khu công nghiệp đóng trên địa bàn để tổ chức tiêm chủng, tăng tỷ lệ tiêm chủng các đối tượng thuộc các lĩnh vực trên. Tiếp tục triển khai tiêm chủng cho người dân trên địa bàn và các đối tượng thuộc quản lý.

Đồng thời, thực hiện báo các kết quả triển khai tiêm chủng theo từng nhóm đối tượng, các hoạt động đã triển khai trong tháng 01/2023 gửi về Sở Y tế (thông qua Trung tâm Kiểm soát bệnh tật) trước ngày 04/02/2023 để tổng hợp.

CỔNG TTĐT TP

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác