Điều chỉnh một số nội dung tại Đề án khảo cổ và phát huy giá trị khu di tích Chăm Phong Lệ
Đăng ngày 30-01-2023 15:30, Lượt xem: 143

Ngày 19-1, UBND thành phố ban hành Quyết định số 153/QĐ-UBND về Phê duyệt Điều chỉnh một số nội dung tại Đề án khảo cổ và phát huy giá trị khu di tích Chăm Phong Lệ.

Theo đó, UBND thành phố điều chỉnh một số nội dung tại Đề án khảo cổ và phát huy giá trị khu di tích Chăm Phong Lệ, gồm: Điều chỉnh nội dung tại điểm b, mục 5, điều 1: Quy hoạch bảo tồn, phát huy giá trị di tích;Điều chỉnh tại mục 7, điều 1: Nguồn vốn; Điều chỉnh tại mục 8, điều 1: Trình tự ưu tiên, thời gian và phân kỳ.

Cụ thể như sau:

*Điều chỉnh nội dung tại điểm b, mục 5, điều 1: Quy hoạch bảo tồn, phát huy giá trị di tích

- Phạm vi định hướng quy hoạch bảo tồn là khu vực bảo vệ I (khu vực lõi) của di tích với diện tích 2.653m2 và không gian ngoại vi có diện tích 17.087m2.

- Về bố cục không gian, chia thành 02 khu vực với các chức năng như sau:

+ Khu vực bảo tồn và bảo vệ di tích, diện tích 4.279m2 (gồm 2.653m2 Khu vực I và 1.626m2 Khu vực II): Bảo tồn Kiến trúc tháp, các kiến trúc phụ và hệ thống liên kết, Miếu Bà, 02 ngôi mộ cổ và hạng mục tường bao bảo vệ, làm mái che cho các khu vực nền móng dễ bị xâm hại bởi thời tiết và hệ thống cây xanh không gian cảnh quan tạo vùng đệm bảo vệ di tích.

+ Khu vực phát huy giá trị di tích, diện tích 15.461m2 (Khu vực III): Quy hoạch các hồ sen, khu vực cây xanh, cảnh quan tạo không gian mở phục vụ cộng đồng dân cư và du khách đến tham quan, thư giãn, giải trí. Quy hoạch 05 khu dịch vụ, bố trí các khu vực giải khát, bán các sản phẩm truyền thống; quy hoạch khu vực bãi đỗ xe; Bố trí quy hoạch thêm cho các công trình chức năng Nhà trưng bày di tích Chăm tại Đà Nẵng, Nhà trưng bày ngành nghề truyền thống (sưu tầm và trưng bày các công cụ, quy trình sản xuất sản phẩm của các ngành nghề của địa phương và các vùng lân cận); không gian để trình diễn các di sản văn hóa phi vật thể (lễ hội mục đồng, lễ hội đua thuyền, trưng bày hình ảnh, tư liệu về làng cổ Đà Ly, tổ chức hát hò khoan, hát bội, hát bài chòi...). Ngoài ra quy hoạch không gian công viên cây xanh tạo vùng đệm bảo vệ di tích và khớp nối hạ tầng kỹ thuật.

*Điều chỉnh tại mục 7, điều 1: Nguồn vốn

Sử dụng nguồn vốn ngân sách thành phố và các nguồn vốn kêu gọi đầu tư hợp pháp khác, tổng mức đầu tư dự kiến là 266.796.000.000 đồng, cụ thể:

- Vốn ngân sách: Thực hiện giải tỏa đền bù, khảo cổ và đầu tư bảo tồn các hạng mục công trình tại Khu vực bảo tồn và bảo vệ di tích, diện tích 4.279m2 (khu vực I và khu vực II), gồm: Công tác giải tỏa đền bù, khảo cổ và bảo vệ di tích tại khu vực I: 4.403.830.500 đồng; Triển khai đầu tư dự án giai đoạn 2022-2027, với kinh phí khoảng: 140.736.000.000 đồng.

- Vốn kêu gọi đầu tư, xã hội hóa: Triển khai đầu tư giai đoạn 2028-2032, đầu tư các hạng mục phát huy giá trị di tích tại khu vực III với kinh phí khoảng: 121.656.280.000 đồng.

*Điều chỉnh tại mục 8, điều 1: Trình tự ưu tiên, thời gian và phân kỳ

- Giai đoạn 2017 - 2021: Thực hiện giải tỏa đền bù (các hộ dân trong phạm vi khai quật giai đoạn 1); hoàn thành hồ sơ đăng ký, xếp hạng di tích; thực hiện khai quật khảo cổ và công tác sưu tầm, chuẩn bị hiện vật, tài liệu trưng bày; biên soạn tài liệu quảng bá.

- Giai đoạn 2022 - 2027: Thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư và đầu tư xây dựng toàn bộ các hạng mục công trình tại khu vực bảo tồn và bảo vệ di tích, diện tích 4.279m2 (khu vực I và khu vực II) và hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật (San nền, Giao thông, Thoát nước,...) của khu vực phát huy giá trị di tích, diện tích 15.451m2 (khu vực III).

- Giai đoạn 2028 - 2032: Thực hiện đầu tư xây dựng vực phát huy giá trị di tích, diện tích 15.461m2 (khu vực III).

UBND thành phố giao Sở Văn hóa và Thể thao chủ trì, phối với các đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký, các nội dung khác tại Quyết định số 6236/QĐ-UBND ngày 1-11-2017 của UBND thành phố không bị điều chỉnh bởi Quyết định này vẫn có hiệu lực thực hiện.

HỒNG QUÂN

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác